Hương quế Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/2/2010 | 8:51:46 AM

YBĐT - Trong tiết trời se lạnh cuối đông - đầu xuân, chúng tôi có dịp được thả mình vào giữa vùng đất quế. Mọi người trong đoàn công tác, ai cũng đều cảm nhận được hơi ấm của hương quế toả ra từ rừng quế đại ngàn đến các bản làng, thôn xóm, nhà máy chưng cất tinh dầu quế.

Năm 2009 đã khép lại. Nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đón mùa xuân mới với nhiều thắng lợi mới, trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế- văn hoá, xã hội... Đóng góp vào thành tựu chung đó phải nói đến cây quế - một thế mạnh kinh tế của Văn Yên nhiều năm qua.

Trước đây, thời kỳ bao cấp, nói đến cây quế ở Văn Yên, những người sành về mặt hàng này cũng chỉ biết đến một số địa danh như:  Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn. Bước sang thời kỳ đất nước đổi mới, thì cách nghĩ, cách làm của cán bộ và nhân dân trong huyện để phát huy thế mạnh của cây quế đặc sản đã khác xưa rất nhiều. Hôm nay, cây quế đặc sản đã có mặt ở 27 xã, thị trấn trong huyện.

Từ các xã vùng thấp: Hoàng Thắng, Xuân Ái, Yên Hưng, Ngòi A đến các xã vùng cao: Quang Minh, Nà Hẩu, Dụ Hạ, Dụ Thượng, Xuân Tầm... đến đâu cũng gặp màu xanh bạt ngàn của quế. Xã ít cũng vài chục ha, còn nhiều phải kể đến Xuân Tầm 1.871 ha, Mỏ Vàng gần 1.500 ha, Dụ Thượng, Tân Hợp, Đại Sơn đều trên 1.300 ha, Viễn Sơn trên 1.000 ha... Cây quế đã trở thành cây trồng quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Văn Yên. Cây quế không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình, mà còn tạo nên nhiều triệu phú, tỷ phú. Đưa chúng tôi đi thăm những rừng quế đại ngàn tại xã Viễn Sơn, anh Khổng Giang Lam - Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phấn khởi nói:

-Năm 2009, quế được giá nên nhân dân thu cũng khá.

-Vậy được bao nhiêu tỷ?

-Chúng tôi cũng chưa tính kỹ, nhưng với sản phẩm vỏ quế khô nhân dân bán ra thị trường khoảng trên 4.000 tấn các loại, giá từ 13.000- 15.000 đồng/kg, cũng thu về được gần 60 tỷ đồng, chưa kể cành, lá, và gỗ quế.

-Riêng gỗ quế thu được khá không?

-Còn tuỳ thuộc vào loại vanh, nhưng giá bình quân từ 800.000- 1.000.000 đồng/m3, cả gỗ, cành, lá cũng thu trên 10 tỷ đồng.

Say sưa bởi câu chuyện anh Lam kể về quế nên chúng tôi đi từ xã An Thịnh vào đến Viễn Sơn hết chưa đầy 40 phút. Đó cũng là nhờ con đường nhựa từ Viễn Sơn qua Yên Phú nối ra quốc lộ 32 C vừa mới hoàn thành nên việc đi lại khá thuận tiện! Cả đoàn dừng chân ngắm ngôi “biệt thự” khá khang trang tựa lưng vào đồi quế ở thôn Khe Dứa xã Viễn Sơn. Anh Triệu Tiến Bảo- Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Đây là nhà ông Đặng Nho Minh xây năm 2001; năm đó ông Minh bán có 3 cây quế mà xây được căn nhà này!

- Mời các anh vào nhà uống nước!

-Ông Minh ra cửa đón khách.

- Vâng, nhưng bác cho chúng cháu đi thăm rừng quế đã.

- Được thôi! Thế các anh thích chụp ảnh quế to hay quế vừa vừa?

- Bác cứ chọn đồi quế cây thật to vào.

Năm nay đã 64 tuổi, nhưng ông Minh leo đồi rất khoẻ. Vượt lên đồi quế phía sau nhà, rồi dừng lại bên một cây quế khá to, ông Minh khoe: “ Đồi quế này khoảng 1 ha, đã trên 40 năm tuổi. Cây này đã có người trả 20 triệu đồng, nhưng rẻ quá tôi không bán. Còn 6 ha nữa trồng ở xa nhà hơn, quế cũng đều từ 2- 15 năm tuổi, khi nào có việc cần tiêu nhiều tiền mới bán”. Người Dao ở xã Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng… đều có phong tục khi con trai, con gái dựng vợ gả chồng ra ở riêng bố mẹ đều cho của hồi môn bằng vài trăm hoặc vài nghìn cây quế, tuỳ thuộc vào số diện tích gia đình có nhiều hay ít. Gia đình ông Minh có 4 người con, khi ra ở riêng, ông cho con trai mỗi người 1.000 cây quế từ 3- 5  năm tuổi (khoảng 1 ha), con gái thì cho ít hơn, nhưng đến nay các con của ông đã đều nhận đất trồng được từ 3- 4 ha quế, cuộc sống đều khá giả, không ai đói nghèo…

Mùa xuân, đi giữa đại ngàn quế Văn Yên được nghe biết bao chuyện về cây quế đặc sản, vui vì quế cũng có, buồn vì những năm quế rớt giá cũng có, nhưng tựu chung lại, tâm nguyện của người dân trồng quế ở Văn Yên nói riêng và Yên Bái nói chung vẫn mong muốn làm sao sớm có một thương hiệu cho sản phẩm quế Yên Bái để bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm quế hằng năm và nhất là giá cả ổn định thì người trồng quế mới không thiệt thòi. Văn Yên đã có nhà máy chưng cất tinh dầu quế ở xã Đông Cuông và Hoàng Thắng. Nhà máy đã góp phần tiêu thụ sản phẩm phụ (cành, lá) cho các hộ dân. Hy vọng, trong những năm tới Văn Yên sẽ có thêm những doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu quế Văn Yên để “hương quế” Văn Yên vươn ra “biển lớn” nhanh hơn và xa hơn.

Minh Hằng