Yên Bái phát triển bền vững cây dược liệu

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2022 | 7:43:43 AM

YênBái - Những năm qua, từ các chính sách phát triển cây dược liệu, Yên Bái đã xây dựng thành công nhiều khu vực trồng dược liệu tập trung liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến dược phẩm, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo tiêu chuẩn thực hành của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO).

Nhân viên Công ty TNHH Thảo dược Kiên Minh sơ chế dược liệu trước khi đưa vào chế biến.
Nhân viên Công ty TNHH Thảo dược Kiên Minh sơ chế dược liệu trước khi đưa vào chế biến.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như quế trên 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, thảo quả 1.300 ha… Ngoài ra, toàn tỉnh có trên 3.400 ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm. 

Không dừng lại việc trồng và sơ chế thô, nhiều đơn vị đã chế biến dược liệu thành các sản phẩm, góp phần tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người trồng cây dược liệu và mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho đơn vị sản xuất. 

Công ty TNHH Thảo dược Kiên Minh (xã Minh Tiến, huyện Lục Yên) hiện kinh doanh 15 sản phẩm chế biến từ dược liệu trong đó có 3 sản phẩm: cao gắm, giảo cổ lam, dây thìa canh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Công ty đã liên kết với người dân hình thành vùng nguyên liệu rộng 7 ha tại xã Xuân Long (huyện Yên Bình) và xã Minh Tiến (Lục Yên). 

Toàn bộ vùng trồng dược liệu được chọn lọc kỹ càng: nguồn đất, nguồn nước, hạt giống, cây giống… cho đến quy trình trồng và chăm sóc dược liệu đều được Công ty kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ hay hoá chất độc hại. 

Anh Nguyễn Duy Kiên - Giám đốc Công ty cho biết: "Hiện nay, Công ty đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với nhiều hệ thống chuỗi nhà thuốc lớn trên toàn quốc như: Long Châu, Mega3 và nhiều doanh nghiệp tư nhân. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất ra thị trường khoảng 30.000 lọ cao gắm, giảo cổ lam cùng nhiều sản phẩm cao bột, thuốc đông dược và nguyên liệu thô khác, đem lại doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được khách hàng trên cả nước tin tưởng sử dụng”. 

Ngoài ra, còn có các sản phẩm như: xịt massage Quốc Kỳ, dầu massage Quốc Kỳ của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia (huyện Văn Chấn); tinh dầu thực vật, tinh dầu sả chanh, tinh dầu quế, An đường cao, Phú nữ cao của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An; cao cà gai leo của Hợp tác xã Viễn Sơn, Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn (huyện Văn Yên)… đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân trồng thảo dược, dược liệu: sơn tra, quế chi, thiên niên kiện, cà gai leo…; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại đảm bảo các tiêu chuẩn. Đây là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, độ an toàn cao nhằm cải thiện và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. 

Đến nay, ngoài các sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thì những sản phẩm mới phát triển đều quan tâm đến các tiêu chuẩn để đạt sản phẩm OCOP. Cụ thể đã có 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3-4 sao. 

Giai đoạn 2021-2025, cây dược liệu là 1 trong 10 sản phẩm nằm trong nhóm đặc sản địa phương, được hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn với diện tích khoảng 5.000 ha, được quản lý, kiểm soát nguồn giống đầu vào, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO. 

Bởi vậy, việc liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định, từ đó xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp, bền vững để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Hoài Anh