Lục Yên chủ động bảo vệ vật nuôi thời điểm giao mùa

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2022 | 7:37:39 AM

YênBái - Thời tiết giao mùa giữa xuân và hè thường xuất hiện nhiều dịch bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi. Để bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương ở huyện Lục Yên đang tập trung phòng bệnh cho vật nuôi, trọng tâm là khử trùng tiêu độc, tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Nông dân huyện Lục Yên chăm sóc vật nuôi trong thời điểm giao mùa.
Nông dân huyện Lục Yên chăm sóc vật nuôi trong thời điểm giao mùa.

Thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp làm cho vật nuôi không kịp thích nghi, dễ bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Đối với trâu, bò, một số dịch bệnh dễ nhiễm như: tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê, nghé, lở mồm long móng, cước chân, chướng bụng đầy hơi.

Đối với lợn là các bệnh: tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả và lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, ecoli... Đối với gia cầm, một số bệnh hay gặp là Gumboro, Newcastle, cúm, hội chứng tiêu chảy, H5N1... 

Mặt khác, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, xen kẹp trong khu dân cư dễ dẫn tới phát sinh, lây lan dịch bệnh. 

Xác định được tầm quan trọng của việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong phòng, chống dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp huyện Lục Yên đã chủ động triển khai tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường. 

Các xã, thị trấn đã thành lập các đoàn, tổ giám sát, bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, việc sử dụng hóa chất theo đúng yêu cầu kỹ thuật; đôn đốc, kiểm tra cơ sở thực hiện khử trùng tiêu độc theo đúng kế hoạch ban hành và các địa phương thành lập các tổ phun thuốc sát trùng của xã, thôn để thực hiện khử trùng tiêu độc đúng kỹ thuật. 

Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: tổng đàn gia súc chính của huyện đạt 109.800 con; trong đó, đàn trâu 18.050 con; bò 1.650 con; lợn 90.100 con. Đến cuối tháng 3/2022, huyện đã tiêm 11.200 vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; 16.400 liều tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn cho lợn; 12.500 liều vắc-xin dại chó, mèo và 23.500 liều vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò.

Cùng với tiêm vắc-xin huyện còn đẩy mạnh khử trùng tiêu độc môi trường. Cụ thể, đã phun 1.970 lít thuốc sát trùng tiêu độc khử trùng, chống bệnh cúm gia cầm cho 16.605 hộ ở 195 thôn và 21 điểm chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm. 

Thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc, ngoài nguồn hóa chất hỗ trợ của tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi mua bổ sung hóa chất, vôi bột thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc bảo đảm hiệu quả.

Cùng đó, Phòng xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi vụ xuân hè từ tháng 3 đến tháng 6/2022; trong đó, ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm, dễ phát sinh vào thời điểm cuối xuân sang hè như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn trên lợn; cúm, dịch tả trên đàn gia cầm; bệnh dại trên chó, mèo…

Ông Phùng Văn Giao ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên chia sẻ: "Khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi 1.500 con gà/lứa. Thời gian đầu, do chưa có kiến thức về chăn nuôi gia cầm nên đàn gà phát triển kém, tỷ lệ gà chết cao. Sau này, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do tỉnh, huyện tổ chức, tôi được trang bị đầy đủ kiến thức về cách phòng, chữa trị nhiều loại bệnh trên đàn gà, quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP... nên chăn nuôi ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 3 lứa gà, lợi nhuận thu được đạt khoảng 40 triệu đồng/lứa". 

Không chỉ gia đình ông Giao, các hộ chăn nuôi trong huyện Lục Yên ngày càng nâng cao ý thức, nhận thức đầy đủ về việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Các loại bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn... đều có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Ngoài ra, việc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế tối đa các loại dịch bệnh thông thường cũng là yếu tố đẩy lùi nguy cơ phát sinh dịch, bệnh nguy hiểm. 

Với tinh thần phòng dịch hơn chống dịch, việc triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn đàn vật nuôi sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị chăn nuôi năm 2022 của huyện Lục Yên theo đúng kế hoạch đề ra.

Quang Thiều