Yên Bái: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm giao mùa

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2021 | 7:29:21 AM

YênBái - Thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm. Đây cũng là giai đoạn các dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, tai xanh, bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP), viêm da nổi cục… dễ phát sinh, lây lan mạnh.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, cùng với việc tiêm vắc - xin phòng bệnh thì người dân còn thường xuyên phun khử trùng khu vực chăn nuôi.
Để bảo vệ đàn vật nuôi, cùng với việc tiêm vắc - xin phòng bệnh thì người dân còn thường xuyên phun khử trùng khu vực chăn nuôi.

Gia đình ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái từ lâu đã gắn bó với nghề chăn nuôi lợn. Trong chuồng nhà ông luôn có trên chục con lợn nái và trên 100 con lợn thịt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, thời tiết diễn biến phức tạp, nên ông Đao phải tăng cường chăm sóc sức khỏe đàn lợn, bổ sung dinh dưỡng, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. "Thời tiết giao mùa, lợn rất dễ mắc bệnh về hô hấp, thương hàn. Trong khi giá lợn hơi thì đang xuống rất thấp, nếu không chăm sóc tốt cho đàn lợn, chẳng may lây nhiễm dịch bệnh thì thiệt hại sẽ rất nặng nề”- ông Đao chia sẻ. 

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc chính 700.600 con; trong đó, đàn trâu 98.389 con, bò 34.068 con, lợn 568.143 con; tổng đàn gia cầm đạt trên 6,1 triệu con. Thời điểm này, dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, nhưng BDTLCP, viêm da nổi cục ở trâu, bò vẫn xảy ra nhỏ lẻ. 

Cụ thể, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra từ ngày 29/3/2021 đến ngày 16/8/2021 tại 137 hộ, thuộc 80 thôn, bản, của 49 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số bò mắc bệnh, có triệu chứng bệnh là 208 con, số bò tiêu hủy 78 con, tổng khối lượng 14.028 kg. 

Đến nay, có 49/49 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố dịch đã qua 21 ngày không phát sinh trâu, bò mắc bệnh. BDTLCP xảy ra từ ngày 19/4/2021 đến ngày 13/9/2021 tại 70 hộ, 23 thôn, bản, 14 xã của huyện Mù Cang Chải, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ với tổng số lợn mắc bệnh là 396 con; số lợn chết và tiêu hủy 396 con, khối lượng 24.593 kg. Đến nay, có 5 xã dịch đã qua 21 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Ngay khi dịch bệnh phát sinh tại các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cấp trên 3.000 lít thuốc sát trùng phun tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh; các huyện, thị xã, thành phố đã tiêm được 28.556 liều vắc - xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò và tiêm được trên 256.000 liều vắc - xin các loại cho vật nuôi. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, Chi cục chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh; tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống tới người chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. 

Chi cục cũng yêu cầu người chăn nuôi và chính quyền các địa phương khi phát hiện vật nuôi ốm, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch bệnh lây lan diện rộng”. 

Đặc biệt, tăng cường việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. 

Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, cung ứng đầy đủ và sẵn sàng trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn, xử lý ổ bệnh động vật phát sinh; kịp thời đề xuất các giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả. 

Đồng thời, tổ chức tốt tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.
 Hồng Duyên

Tags Yên Bái phòng chống dịch bệnh vật nuôi giao mùa bệnh dịch tả lợn châu Phi

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục