Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đột phá triển khai bệnh án điện tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/9/2022 | 7:45:58 AM

YênBái - Triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) là bước đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để chuyển đổi số hóa ngành y tế. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai BAĐT thay thế bệnh án giấy và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/9/2022. Đây là bệnh viện thứ 35 trong cả nước áp dụng hồ sơ BAĐT, được Bộ Y tế đánh giá cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi sức khỏe người bệnh qua hệ thống xe đi buồng trang bị máy tính có cài đặt phần mềm bệnh án điện tử.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi sức khỏe người bệnh qua hệ thống xe đi buồng trang bị máy tính có cài đặt phần mềm bệnh án điện tử.

Mắc bệnh suy tim cấp, bà Vũ Thị Hoa ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên được các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh cấp cứu kịp thời, đến nay sức khỏe đang dần hồi phục. Để thuận tiện cho điều trị, người nhà của bà Hoa chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại thông minh để làm thủ tục tạm thu không dùng tiền mặt, không phải đi lại nhiều lần, rất thuận tiện. 

Chia sẻ về vấn đề này, chị Lê Thị Thảo, người nhà người bệnh Vũ Thị Hoa cho biết: "Mẹ tôi bị bệnh tim nên thường xuyên phải đến Bệnh viện để khám và lấy thuốc theo lịch hẹn của bác sĩ. Từ khi Bệnh viện triển khai hồ sơ BAĐT, các thủ tục hành chính đăng ký KCB được rút gọn, người bệnh không còn phải mang nhiều giấy tờ khi đi khám, nên rất nhanh, mà không sợ làm mất. Các bác sĩ cũng có nhiều thời gian thăm khám, tư vấn và giải thích cho người bệnh kỹ hơn”. Đó chính là hiệu quả của việc bà Hoa đã được hướng dẫn sử dụng bệnh án điện tử.

Cụ thể, áp dụng BAĐT, bệnh nhân đến khám bệnh tại BVĐK tỉnh chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VssID để quẹt mã lấy số và đăng ký khám bệnh tại các ki ốt phát số tự động thông minh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn lên thẳng chuyên khoa khám bệnh. 

Tại đây, thông tin thứ tự khám bệnh được cập nhật trên màn hình đợi khám tại các phòng tương ứng. Tất cả kết quả khám lâm sàng của bệnh nhân được cập nhật lên hệ thống mạng của Bệnh viện kết nối với tất cả các khoa, phòng.

BAĐT tuy mới triển khai song đa phần người bệnh đánh giá rất tiện lợi, góp phần rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, nhất là đối với những người bệnh cao tuổi mắc phải các bệnh mạn tính phải thường xuyên tới khám và điều trị tại Bệnh viện…

Là bệnh viện hạng 1 với 750 gường bệnh, 33 khoa, phòng và 476 cán bộ y bác sĩ, hàng năm BVĐK tỉnh khám và điều trị cho gần 190.000 lượt bệnh nhân, thực hiện trên 7.500 ca phẫu thuật kỹ thuật cao và trên 300 kỹ thuật vượt tuyến. 

Qua thống kê, trung bình mỗi năm Bệnh viện lưu trữ hàng nghìn hồ sơ bệnh án giấy. Trước đây, các nhân viên y tế của Bệnh viện đều phải ghi chép tay hồ sơ bệnh án cho từng người bệnh khi vào viện để lưu trữ tất cả những diễn biến xảy ra của người bệnh cùng với các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh liên quan... 

Điều này làm mất rất nhiều thời gian của bác sĩ, điều dưỡng mà tình trạng sai lệch thông tin vẫn có thể xảy ra, đòi hỏi Bệnh viện phải có kho lưu trữ lớn; việc tìm kiếm lại các hồ sơ bệnh án khi cần thiết cũng mất rất nhiều thời gian, gây khó khăn và ảnh hưởng ít nhiều đến công tác quản lý, điều trị. Tuy nhiên, với BAĐT những vấn đề trên sẽ được giải quyết một cách triệt để. 

Để triển khai BAĐT, BVĐK tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ nhân lực; hoàn thiện các phần mềm: hệ thống quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), phần mềm BAĐT (EMR), phần mềm chữ ký số... 

Bên cạnh đó, Bệnh viện nâng cấp toàn bộ hạ tầng CNTT, đầu tư mới nhiều trang thiết bị như máy tính, máy in, hệ thống xe đi buồng trang bị máy tính có cài đặt phần mềm HIS, EMR sử dụng mạng không dây, hỗ trợ nhân viên y tế truy cập thông tin trực quan, chính xác, giảm thiểu nhầm lẫn, sai sót. 

Xây dựng quy trình BAĐT thống nhất toàn viện và tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm chi tiết đến từng khoa, phòng... Đơn vị cũng triển khai hệ thống KCB từ xa telemedicine với các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến dưới. 

Việc triển khai hồ sơ BAĐT giúp Bệnh viện quản lý, điều hành, cải cách quy trình KCB được công khai, minh bạch, việc theo dõi thông tin bệnh nhân chính xác hơn, đồng thời giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, quy trình KCB thuận tiện, chính xác... 

Đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc chuyển đối số trong ngành y tế, tối ưu hóa quy trình KCB. Trên cơ sở triển khai hiệu quả hồ sơ BAĐT của BVĐK tỉnh, thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ từng bước xây dựng kế hoạch triển khai ở các đơn vị khác, góp phần chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực KCB, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.

Thu Hiền