Ngược lại, đối với đàn lợn, tuy giá lợn hơi có tăng cao nhưng các hộ chăn nuôi đang phải đối mặt với "khó khăn kép” là bệnh dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Nhiều hộ nông dân đành phải tạm thời bỏ trống chuồng trại, không tái đàn.
Gia đình ông Hoàng Văn Vĩnh ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đang nuôi 70 con lợn thịt. Mỗi ngày, chi phí thức ăn khoảng 2 triệu đồng. Nếu như thời điểm này những năm trước, gia đình ông nuôi số lượng gấp đôi để phục vụ nhu cầu cuối năm nhưng hiện nay, gia đình ông không dám tái đàn vì chi phí tăng thêm từ thức ăn khoảng 200.000 đồng/ngày và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
Gia đình bà Phạm Thị Vân ở thôn Suối Đao, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ là một trong những hộ chăn nuôi lợn thịt nhiều nhất xã. Trước đây, gia đình bà luôn duy trì 300 con lợn thịt nhưng hiện tại, gia đình chỉ nuôi 150 con.
Ông Lưu Minh Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Tổng đàn gia súc chính của xã Phù Nham đạt 7.440 con; trong đó, đàn lợn 6.200 con. Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo xã Phù Nham và các xã có đàn lợn lớn vẫn duy trì thực hiện tốt việc phát triển đàn gia súc trên địa bàn; chú trọng công tác phát triển các hộ chăn nuôi có quy mô gia trại; phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi cho người dân. Đặc biệt, thời gian này, xã khuyến khích các hộ chăn nuôi đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ cho đàn lợn; khuyến khích mô hình chăn nuôi có quy mô vừa theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Nếu chăn nuôi lợn gặp khó vì giá thức ăn thì trâu, bò lại gặp khó về đầu ra sản phẩm, nhiều hộ rất lo lắng về "đầu cơ nghiệp” của gia đình. Nhiều năm nay, gia đình chị Lò Thị Thương ở thôn Đình Cại, xã Hạnh Sơn đầu tư nuôi trâu thương phẩm. Năm nay, chị Thương đầu tư trên 500 triệu đồng để nuôi 13 trâu thịt.
Theo chị Thương, mỗi ngày để duy trì được đàn trâu chị phải bỏ ra hơn 500.000 đồng để mua thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, nhiều con trâu đã đủ trọng lượng và thời gian nuôi nhưng giá trâu, bò thương phẩm xuống thấp, bị ép giá, khiến gia đình chị chưa thể bán.
Cũng không khác gì gia đình chị Thương, năm 2020, gia đình ông Đinh Văn Mạo ở thôn Bản Nụ 2, xã Phúc Sơn đầu tư 50 triệu đồng để làm chuồng trại và gần 200 triệu đồng mua 9 con trâu về nuôi thương phẩm. Sau 2 năm, đàn trâu đến thời điểm bán nhưng giá quá thấp. Do tận dụng cỏ của nhà trồng được nên gia đình ông Mạo cố gắng nuôi thêm, mong giá trâu lên cao hơn.
Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn thị xã có gần 61.000 con, trong đó đàn lợn chiếm 75%. Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022.
Trước tình hình giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, thị xã Nghĩa Lộ đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, trước hết là thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời thực hiện các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi như: lựa chọn con giống tốt, thức ăn chăn nuôi đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; giảm lượng thức ăn tinh, tăng thức ăn xanh nhằm giảm chi phí, tránh tình trạng thua lỗ.
Nhật Thanh - Xuân Tỉnh (Trung tâm TT&VH thị xã Nghĩa Lộ)