Lao Chải thay đổi tư duy trong chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/4/2023 | 7:43:36 AM

YênBái - Sau 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ theo Nghị quyết 69, người Mông Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều thay đổi trong tư duy chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Lý A Lù ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải thu về 200 triệu đồng sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi lợn bản địa hàng hóa.
Ông Lý A Lù ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải thu về 200 triệu đồng sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi lợn bản địa hàng hóa.

Người Mông nói chung và người Mông ở Lao Chải, Mù Cang Chải nói riêng, đã quá quen với tư duy lối mòn về tự cung, tự cấp, chăn nuôi thả rông theo tập quán, ít có sự tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Bởi vậy, những hỗ trợ thiết thực để phát triển chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ (Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025) là vô cùng thiết yếu và sẽ tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức và tập quán chăn nuôi của đồng bào. Tuy nhiên, với cách thức hỗ trợ mới, chuyển từ "cho không” sang "hỗ trợ có điều kiện”, chính sách mới đi vào triển khai còn gặp sự thờ ơ của đồng bào nơi đây. 

Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: "Do thói quen thả rông gia súc, gia cầm nên chuồng trại của đồng bào ở địa phương thường không đảm bảo về diện tích, không có hố xử lý chất thải; không đủ con giống. Để được hỗ trợ, người dân cần bỏ tiền đầu tư các hạng mục còn thiếu, đạt yêu cầu mới được nghiệm thu, giải ngân nên khi mới phổ biến chính sách, nhiều người dân thờ ơ, không mặn mà tham gia. Bởi vậy, trước hết, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh việc đồng bào ta đủ ăn, đủ mặc nhưng vẫn còn nghèo vì nguyên nhân do không tự tạo được thu nhập và chăn nuôi hàng hóa chính là hướng đi để thoát nghèo phù hợp với địa phương”. 

Các cuộc tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức, đã giúp người dân nắm rõ các nội dung, định mức, yêu cầu của chính sách và đăng ký thực hiện. Xã cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiến hành rà soát, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện tu sửa, làm mới, nâng cấp chuồng trại, đảm bảo diện tích, chuẩn bị con giống đảm bảo theo yêu cầu, chú trọng phổ biến kiến thức về quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; chủ động hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán đảm bảo theo quy định. Bằng cách làm này, sau 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, xã Lao Chải đã có 74 hộ đăng ký tham gia và đã được nghiệm thu (chiếm 25% toàn huyện) với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng (chiếm 26% toàn huyện). 

Ông Lý A Lù ở bản Xéo Dì Hồ A là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia chia sẻ: "Quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi được quan tâm, hướng dẫn nhiệt tình và khó ở đâu thì cán bộ giúp gỡ ở đấy nên việc nghiệm thu khá thuận lợi. Tính ra, tôi chỉ đầu tư thêm 12 triệu đồng, được hỗ trợ 15 triệu đồng mà lại gây dựng được một mô hình 3 lợn nái, 20 lợn thịt đạt tiêu chuẩn. Chuồng trại rộng đủ 32 m2, có hố chứa chất thải được hướng dẫn ủ rơm, trấu để bón cho ngô rất tốt. Ngô phát triển lại trở lại thành nguồn thức ăn cho gia súc. Đến nay, sau 2 năm, tôi đã bán được 2,2 tấn lợn hơi, thu về gần 200 triệu đồng mà trong chuồng hiện vẫn còn 23 con cả to lẫn bé”. 

Từ chỗ phải vận động, đến nay, sau khi nhìn thấy lợi ích rõ ràng, nhiều hộ dân ở Lao Chải đã tự nguyện đăng ký thực hiện. Năm 2023, xã Lao Chải đã có 46 hộ đăng ký thực hiện Chính sách này.

Hết năm 2022, tổng đàn gia súc chính ở Lao Chải tăng rõ rệt; trong đó, trâu, bò đạt trên 3.000 con, đàn lợn gần 8.000 con. Việc ngày càng có nhiều hộ đồng bào đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ đã khẳng định sự hình thành và phát triển tư duy chăn nuôi hàng hóa trong đồng bào Mông. Đồng thời, đây sẽ là động lực để người dân Lao Chải vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoài Anh