Yên Bình đa sắc màu văn hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/3/2024 | 7:42:27 AM

YênBái - Với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, huyện Yên Bình có một bức tranh văn hóa đa màu sắc. Những năm qua, huyện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Xã Tân Hương phối hợp tổ chức Lễ hội cầu yên dân tộc Cao Lan.
Xã Tân Hương phối hợp tổ chức Lễ hội cầu yên dân tộc Cao Lan.

Mỗi dân tộc ở Yên Bình đều mang những bản sắc văn hóa đặc trưng. Người Dao có kho tàng truyện cổ cùng lễ hội cấp sắc, làn điệu dân ca, dân vũ. Người Tày có trường ca Khảm hải, lễ hội xuống đồng. Người Nùng có những nét văn hóa đặc sắc và những nghi lễ thờ cúng độc đáo... Để bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện đã triển khai khôi phục Lễ hội cầu yên người Cao Lan; Lễ hội Lồng tồng của người Tày; đám cưới người Dao quần trắng; Lễ cấp sắc dân tộc Dao… 

Bên cạnh đó, hàng năm, huyện phối hợp tổ chức mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các địa phương; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội của dân tộc mình; phát triển du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp địa phương. 

Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình cho biết: Triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030, năm nay, huyện Yên Bình đã có kế hoạch, triển khai thực hiện nhằm nâng cao và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch. 

"Huyện đã lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 5 di tích cấp tỉnh; tu bổ, trùng tu 6 di tích các cấp (gồm 1 di tích quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh). Phấn đấu, năm 2024, huyện sẽ đón trên 300 nghìn lượt khách, doanh thu trong hoạt động du lịch đạt trên 240 tỷ đồng, thành lập thêm 5 mô hình du lịch cộng đồng” - ông Mạnh chia sẻ. 


Những năm gần đây, Yên Bình được biết đến là điểm du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ cùng nét văn hóa bản địa độc đáo. Các địa phương trong huyện, chủ động xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa các dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh. 

Nghệ nhân ưu tú Lạc Tiên Sinh chia sẻ: "Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và của huyện, xã Tân Hương đã phối hợp tổ chức thực hiện tốt việc bảo tồn Lễ hội cầu yên dân tộc Cao Lan. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn về văn hóa của đồng bào mình, từ đó gìn giữ và bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu”. 

Quan tâm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch, bức tranh du lịch Yên Bình ngày càng có thêm nhiều điểm sáng. Huyện hiện có 21 di tích lịch sử văn hoá được công nhận.

Để các giá trị văn hóa được lưu giữ và phát triển, huyện đã đặc biệt quan tâm đến việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động ngoại khóa, các tiết học giáo dục trong các nhà trường và hoạt động của các câu lạc bộ. 

5 năm gần đây, thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã thành lập và cho ra mắt gần 30 câu lạc bộ, đội văn hóa văn nghệ dân gian và tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn văn hóa, nâng tổng số câu lạc bộ và các đội văn hóa, văn nghệ toàn huyện lên gần 200. Huyện có 4 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân cấp tỉnh. Đây chính là những hạt nhân góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong cộng đồng.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc chính là yếu tố quan trọng để tài nguyên văn hóa của Yên Bình được khai thác đúng hướng và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bình. 

Vũ Đồng