Yên Bình: Văn hóa, du lịch song hành phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/7/2023 | 4:11:15 PM

YênBái - Hiện thực hóa chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", thời gian qua, huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm đến khai thác văn hóa dân tộc phục vụ phát triển du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cao Lan được trình diễn tại Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, thu hút đông đảo du khách.
Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cao Lan được trình diễn tại Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, thu hút đông đảo du khách.

Xã Yên Thành, nơi 95 % đồng bào Dao quần trắng sinh sống, còn lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc sắc của  dân tộc Dao quần trắng. Các nét đẹp văn hoá của người Dao Yên Thành đã được du khách thập phương biết đến thông qua các hoạt động như: hội diễn nghệ thuật quần chúng trình diễn trang phục các dân tộc; biểu diễn các điệu múa truyền thống của dân tộc thông qua chương trình Con đường "Sắc màu văn hoá" tại Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, trưng bày không gian văn hoá. Để các giá trị văn hóa dân tộc Dao mãi trường tồn, xã Yên Thành đã chú trọng truyền dạy cho thế hệ trẻ học tiếng nói, chữ viết, các điệu múa hát truyền thống, làm quen với nghề thủ công… 

Có mặt tại lớp học tiếng Dao do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Hữu Định, xã Yên Thành giảng dạy, chúng tôi cảm nhận không khí lớp học diễn ra rất sôi nổi với sự tương tác giữa thầy và 15 trò là các em học sinh từ bậc tiểu học đến THCS. 

Đây là lớp học được tổ chức theo Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 huyện Yên Bình. Em Bàn Long Nhật, thôn Khe Ngang, xã Yên Thành phấn khởi: "Được thầy Định chỉ dạy tận tình, đến nay em đã biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình. Em cũng biết thêm được nhiều phong tục của đồng bào. Đặc biệt, chúng em được thầy dạy cả cách thổi khèn nứa, chúng em rất thích”. 

Không giấu được niềm phấn khởi khi thế hệ trẻ mong muốn được tìm hiểu để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Hữu Định say sưa nói về cái hay, cái đẹp của văn hóa, tập quán và đặc biệt là sự quý giá của ngôn ngữ dân tộc mình. Ông chia sẻ: "Xã Yên Thành với 95% là người dân tộc Dao, tiếng nói thì cơ bản còn lưu giữ được song chữ viết hay lời hát trong hát giao duyên, hát quan làng, hát trong đám cưới thì hầu như thế hệ trẻ chưa biết. Lớp học này là cơ hội cho tôi giúp thế hệ trẻ hiểu về ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao để giữ gìn, bảo tồn phong tục, tập quán đẹp của dân tộc mình”.

Mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan với nghệ thuật trình diễn dân gian như: hát Sình ca, múa Chim gâu, Xúc tép… trước nguy cơ bị mai một, xã Tân Hương đã thành lập 2 câu lạc bộ khuyến học văn hóa - văn nghệ dân gian.Qua 5 năm hoạt động, đến nay, 2 câu lạc bộ đã thu hút được hàng trăm thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. 

Chị Nịnh Thị Thao - thành viên Câu lạc bộ Khuyến học văn hóa - văn nghệ dân gian xã Tân Hương hào hứng: "Chúng tôi, mỗi người một công việc khác nhau nhưng đều có chung sở thích, đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc. Do đặc thù việc nhà nông nên bà con trong đội luôn tranh thủ thời gian rảnh vào cuối tuần, đến nhà văn hóa thôn Khuôn La cùng nhau tập luyện để có những tiết mục văn nghệ hay biểu diễn phục vụ người dân địa phương và khách du lịch”.


Lớp học chữ Nôm Dao do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Hữu Định truyền dạy.

Bà Nịnh Thị Từ - Chủ nhiệm CLB Khuyến học văn hóa, văn nghệ dân gian, xã Tân Hương cho hay: "Tham gia đội văn nghệ, ngoài biểu diễn vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm hay các buổi họp, sinh hoạt của địa phương, các thành viên CLB còn biểu diễn phục vụ du khách khi đến thăm quan, du lịch. Bằng những bài hát, điệu múa truyền thống, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá cho du khách về nét đẹp văn hóa của dân tộc Cao Lan”.

Huyện Yên Bình xác định lựa chọn những địa phương còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng không gian văn hóa dân tộc, CLB văn nghệ truyền thống các dân tộc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch địa phương.  

Cùng với đó, huyện quan tâm tổ chức các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống, tạo không gian văn hóa để lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc. 

Đồng chí Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện cho biết: "Yên Bình xác định bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang thương hiệu riêng có của du lịch Yên Bình. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội; gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, không gian văn hóa các dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển”. 

Thanh Chi

Tags Yên Bái Yên Bình bản sắc văn hóa du lịch Cao Lan Dao quần trắng hồ Thác Bà

Các tin khác
Hình ảnh hồ

Ngày 11/5, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jungle Boss (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) thông tin, trong chuyến khám phá hang động vừa qua, các thành viên của Jungle Boss bất ngờ phát hiện hồ nước khổng lồ, nằm cao hơn rất nhiều so với nhánh sông chính của hang Thung (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng).

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) là điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích. (Ảnh minh họa)

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 11/5 thông tin: Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương đang mở cổng bình chọn tại địa chỉ www.worldtravelawards.com. Thời hạn bình chọn đến hết ngày 23/7/2024.

Đội văn nghệ dân tộc Mông thôn Bản Mới, xã Suối Giàng biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh, hoạt động du lịch của huyện Văn Chấn đã có nhiều khởi sắc, đưa địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách với những sản phẩm nổi trội.

Thời gian tới, huyện Lục Yên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch “Chợ đá quý Lục Yên”.

Đến nay, huyện Lục Yên đã tạo việc làm cho khoảng 800 lao động từ hoạt động du lịch; trong đó, 350 lao động trực tiếp, còn lại là lao động gián tiếp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục