Yên Bái vững bước đi lên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2014 | 9:12:44 AM

YBĐT - Từ một chi bộ ban đầu với số đảng viên đếm trên đầu ngón tay, đến nay Đảng bộ tỉnh đã có 13 Đảng bộ trực thuộc với trên 47.400 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Yên Bái đã đạt nhiều thành tựu: kết thúc năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2%, bình quân thu nhập đầu người của tỉnh đạt 20,14 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,38%... Đó là nền tảng vững chắc cho Yên Bái sớm thành công trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)
Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)

Trở lại với dòng chảy của lịch sử, từ thời Hùng Vương dựng nước, Yên Bái thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Trải qua các thời kỳ Bắc thuộc, Yên Bái thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái. Sau khi thành lập tỉnh, thực dân Pháp đã sử dụng bộ máy chính quyền phong kiến để thống trị nhân dân các dân tộc trong tỉnh, triệt để áp dụng chính sách "ngu dân", "chia để trị", kích động chia rẽ đồng bào các dân tộc, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, lạc hậu, người dân Yên Bái bị thực dân nô dịch, sống kiếp đời nô lệ, lầm than. Quyết không chịu sống kiếp nô lệ, nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược với các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kinh, Tày, Dao... ở Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên. Điển hình là cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng do chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo tuy không thành công nhưng đã dấy lên phong trào yêu nước nồng nàn, gây một tiếng vang lớn trên thế giới. Đặc biệt, mùa xuân 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đầu những năm 40 của thế kỷ XX, một số cơ sở cách mạng được xây dựng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái; nhiều tổ chức Cứu quốc được thành lập. Ngày 7/5/1945, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên đã ra đời ở thị xã Yên Bái. Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Sự kiện thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh đã mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương.

Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã phát huy ý chí tự lực tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cũng như nhiều địa phương khác, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xô xát với quân Tưởng, cô lập bọn phản động Việt quốc, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Yên Bái đã có bước chuyển mình khá mạnh mẽ.

Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh (năm 1991), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên mọi mặt kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng từ các huyện vùng cao đến các huyện, thị vùng thấp.

Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, từ sản xuất theo tập quán tự nhiên, độc canh cây lúa, phá rừng, làm nương rẫy và làm ruộng một vụ, làm không đủ ăn, người dân đói nghèo thì đến nay, Yên Bái đã có một nền nông nghiệp khá phát triển, nông dân không những đủ ăn mà có tích lũy, từng bước làm giàu; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với phương pháp canh tác mới và nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, gắn với các cơ sở chế biến công nghiệp và thị trường.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân đạt 67.427ha, năng suất lúa đông xuân đạt 53,7 tạ/ha, thu hái 32.500 tấn chè búp tươi. Công nghiệp từ chỗ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ thì đến nay, Yên Bái đã có một nền công nghiệp khá phát triển. Hiện toàn tỉnh có hơn 8.100 cơ sở sản xuất công nghiệp, 5 khu và 19 cụm công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tăng từ 4.173 tỷ đồng năm 2011 lên 6.550 tỷ đồng năm 2013; một số sản phẩm phát triển khá như: chế biến gỗ, sắn, quế, gạch không nung, đóng góp khoảng 53,3% tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại huyện Lục Yên.
(Ảnh: Mạnh Cường)

Cùng với sự phát triển kinh tế, trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, Yên Bái đã có sự đột phá khá rõ nét. Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, từ một trường tiểu học ban đầu, đến nay, toàn tỉnh có 578 cơ sở giáo dục (trong đó mầm non 187 trường, tiểu học 169 trường, trung học cơ sở 187 trường, trung học phổ thông 25 trường, giáo dục thường xuyên 10 trường) với một đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hùng hậu. Hiện toàn tỉnh có 168/180 xã, phường, thị trấn và 7/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 164 trường đạt chuẩn quốc gia. Kết thúc năm học 2013 - 2014, có 1.032 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 92 học sinh đạt giải cấp quốc gia.

Hệ thống y tế phát triển mạnh tới tận thôn bản với tỷ lệ 7,4 bác sĩ/một vạn dân, chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bảo đảm, không có các dịch lớn phát sinh. Văn hóa, thông tin phát triển mạnh cả về loại hình và chất lượng. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ; chăm lo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, khôi phục được nhiều lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trên mặt trận an ninh, quốc phòng, từ ngày đầu thành lập, Đội Du kích Âu Cơ với trên 20 chiến sĩ, vũ khí được trang bị thô sơ, đến nay, tỉnh đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nòng cốt là các lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, công an viên khá đông đảo, có sức chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Trong công tác xây dựng Đảng, từ một chi bộ ban đầu với số lượng đảng viên chỉ đếm đầu ngón tay, đến nay, hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt nhiều kết quả. Đảng bộ tỉnh có 13 Đảng bộ trực thuộc, 621 tổ chức cơ sở Đảng, 3.221 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và trên 47.400 đảng viên, tất cả các thôn bản đều có chi bộ. Không những công tác phát triển đảng viên mới tăng mà chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh đi vào nề nếp, chế độ sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ định kỳ và theo chuyên đề được duy trì đạt nhiều kết quả như: số chi bộ sinh hoạt đủ 12 kỳ/năm đạt 81,6% (tăng 8,39%), chi bộ sinh hoạt chuyên đề theo quy định ít nhất mỗi quí 1 lần chiếm 32,6% (tăng 11,07%); tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt bình quân 94,89% (tăng 4,84%), cao nhất từ trước đến nay; hàng năm, có gần 79,04% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0,54%...

Có được kết quả đó là nhờ trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Yên Bái không ngừng vươn lên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt là luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)... đã khơi dậy và xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

69 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, vững bước đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Kết thúc năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2%, bình quân thu nhập đầu người của tỉnh đạt 20,14 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,38%... Đó là nền tảng vững chắc cho Yên Bái sớm thành công trên con đường xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Văn Tuấn

* Bài viết có tham khảo và sử dụng các tài liệu: “Tỉnh Yên Bái một thế kỷ” (1900 - 2000), “Lịch sử Đảng bộ tỉnh” tập I, tập II (giai đoạn 1930 - 2000).

Các tin khác
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh thăm, tặng quà ông Hoàng Hải Hồ, ở thôn 6, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 2/1954-11/1954.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 26/4, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và tặng quà gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục