Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)

Yên Bái thực hiện lời kêu gọi của Bác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2016 | 8:16:51 AM

YBĐT - Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ và Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về “Toàn dân kháng chiến” với sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang, Yên Bái đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp với niềm tin tất thắng.

Các cựu chiến binh phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái ôn lại truyền thống.
Các cựu chiến binh phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái ôn lại truyền thống.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, theo sự phân công của đồng minh, Tưởng Giới Thạch mang 18 vạn quân vào giải giáp 3,5 vạn quân Nhật ở miền Bắc, âm mưu bành trướng xâm lược nước ta. Quân Anh vào giải giáp quân Nhật ở miền Nam. Nhân đà này, với 3,5 vạn quân sẵn có ở miền Nam, quân đội viễn chinh Pháp theo chân quân Anh mưu chiếm nước ta một lần nữa. Nước ta ở vào thế “thù trong, giặc ngoài, ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 hòa hoãn với Pháp, đồng ý để 15 vạn quân Pháp vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. Như vậy, chúng ta chỉ lo đối phó với một kẻ thù là thực dân Pháp. Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, từ cuối tháng 11/1946, thực dân Pháp tổ chức đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn, gây hấn ở Hà Nội, đổ bộ quân chiếm Đà Nẵng, trắng trợn vi phạm các thỏa thuận đã ký với Chính phủ ta.

Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi ta giải tán chính quyền trung ương và lực lượng vũ trang. Trước những bước leo thang về quân sự của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Trong Lời kêu gọi, Bác khẳng định: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngày 22/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng  chiến”.

Bản thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quán triệt lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngay từ cuối năm 1946, tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chấp hành Việt Minh từ cấp tỉnh đến cấp xã để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân; đưa một số nhân vật thuộc tầng lớp xã hội có uy tín trong nhân dân tham gia công tác chính quyền, đoàn thể như ông Trần Đình Khánh, ông An Văn Tùng, ông Đốc Đệ, ông Lê Sỹ Ngữ...; chỉ đạo bộ đội địa phương kết hợp với bộ đội chủ lực đánh địch không cho chúng mở rộng địa bàn chiếm đóng.

Ở những nơi giải phóng giành chính quyền từ tay bọn Việt quốc thì tổ chức lại bộ máy chính quyền cách mạng, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ủy viên ban kháng chiến hành chính huyện, xã; tổ chức lại các xã cho đủ sức thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc (huyện Trấn Yên từ 80 xã còn 28 liên xã và 12 xã, Văn Chấn hợp thành 29 xã, Lục Yên 51 xã, Văn Bàn 20 xã...). Tỉnh chỉ đạo các xã tổ chức bầu cử HĐND xã theo quy định của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tỉnh cũng thành lập 3 đội tuyên truyền xung phong đi các làng, xã dùng hình thức ca, kịch, nói chuyện để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Để củng cố và phát triển lực lượng vũ trang sẵn sàng đánh quân Pháp, tỉnh đã thành lập Ban Dân quân với nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, tổ chức xây dựng, chỉ đạo hoạt động của bộ đội địa phương và dân quân du kích, thành lập tiểu đoàn cảnh vệ. Ở thị xã Yên Bái, các đội tự vệ được xây dựng, mỗi xã đều có trung đội du kích.

Trước khi chiến tranh lan rộng, trên địa bàn tỉnh, ngoài Trung đoàn 92 chủ lực của Khu 10, Tiểu đoàn Cảnh vệ tỉnh và hơn 2.000 dân quân, du kích và tự vệ, các đơn vị vũ trang tập trung đã được bố trí ở các địa bàn xung yếu sẵn sàng chiến đấu. Tỉnh cũng giải quyết vấn đề kinh tế nhằm bảo đảm được đời sống của nhân dân, đồng thời tạo ra nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cung cấp cho kháng chiến. Các địa phương đã tích cực mở rộng diện tích, khai hoang, phục hóa, tăng thêm diện tích lúa nương, mộ, phát triển cây màu...

Do vậy, đến năm 1947, toàn tỉnh trồng thêm được 370 ha lúa mộ, 1.100 ha lúa nương. Những thương nhân trong tỉnh đã tới nhiều vùng mua được khối lượng hàng hóa lớn, đặc biệt quan trong là muối ăn, dự trữ cho kháng chiến. Lĩnh vực văn hóa, Phong trào “Bình dân học vụ”, xóa mù chữ, giáo dục tiểu học tiếp tục được đẩy mạnh. Đến năm 1947, toàn tỉnh có 1.200 học sinh tiểu học, mở được một lớp trong học, có 600 lớp bình dân học vụ với gần 800 giáo viên, hơn 8.000 người được cấp giấy chứng nhận biết đọc, biết viết.

Chiến lũy trên đường phố (ảnh minh họa).

Để đáp ứng với yêu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, Tỉnh ủy lập các ban huyện ủy và phát triển đảng viên mới. Ra đời sớm nhất là Ban Huyện ủy Trấn yên, sau đến Ban Huyện ủy Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, cuối cùng là Ban Huyện ủy Văn Bàn. Tháng 10/1946, toàn tỉnh có 66 đảng viên sinh hoạt trong 3 chi bộ, cuối năm 1947 số đảng viên toàn tỉnh đã phát triển lên 213 với 18 chi bộ.

Tỉnh cũng củng cố và phát triển các đoàn thể cứu quốc, tổng số hội viên cứu quốc từ 1 vạn tăng đã tăng lên 3 vạn người. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, ủy ban kháng chiến hành chính các cấp vận động nhân dân thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống”, cất giấu tài sản, làm kho dự trữ lương thực, thực phẩm; thành lập ban tản cư các cấp để sơ tán nhân dân khi chiến sự xẩy ra..

Các huyện xã, bản, làng xây dựng kế hoạch phòng không, phòng gian, bảo mật, thực hiện “ba không” (không biết, không nghe, không thấy). Quốc lộ 13A từ thị xã Yên Bái vào Nghĩa Lộ đều đắp ụ, sẵn sàng chặn bước tiến của quân địch.

Nhân dân các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn vót hàng chục vạn chông tre, nứa cắm ở các bãi trống - nơi quân Pháp có thể nhảy dù xuống. Nhân dân các xã ven sông Hồng chặt hàng ngàn cây tre đóng cọc, dùng dây song căng trên mặt sông, nhằm cản bước tiến của địch bằng đường thủy từ đồng bằng lên Yên Bái. Việc thực hiện tiêu thổ kháng chiến được tiến hành khẩn trương.

Quán triệt chủ trương của Chính phủ về dỡ toàn bộ đường ray trên tuyến đương sắt từ Việt Trì đến Lao Cai (dài 197 km), gần 7 vạn lượt người dân Yên Bái tham gia bóc dỡ đường ray từ ga Văn Phú đến ga Bảo Hà dài gần 100 km; dùng đầu máy xe lửa và toa xe làm chướng ngại vật.

Tại thị xã Yên Bái, một số đầu máy xe lửa được đẩy đổ xuống sông Hồng. Công nhân xưởng Đề - pô đã phá đầu máy, cất giấu an toàn nhiều máy móc, linh kiện từ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chuyển lên. Toàn tuyến đã phá hủy tất cả các nhà ga từ Phú Thọ đến Lào Cai, đánh sập 14 cây cầu, đánh đổ 187 đầu máy, 130 toa xe các loại…

Ở thị xã Yên Bái, các cơ quan, đoàn thể được sơ tán sang xã Âu Lâu, nhân dân tản cư sang các xã Hợp Minh, Bảo Hưng, Việt Cường... 5 đại đội tự vệ do đồng chí Kim Dư và Nguyễn Văn Chí (tức Chí Thứ) chỉ huy, trong suốt 28 ngày đêm thực hiện tiêu thổ kháng chiến đã phá dỡ 366 ngôi nhà kiên cố, trong đó có 133 ngôi nhà tầng được nhân dân tự nguyện phá. Trong đợt tiêu thổ kháng chiến, thị xã đã có 20 người hy sinh.

Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ và Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về “Toàn dân kháng chiến” với sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang, Yên Bái đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp với niềm tin tất thắng.

Trần Thi

Các tin khác
Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau:

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục