Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/11/2018 | 10:40:13 AM

Sáng nay 20-11, Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Có 464/416 (chiếm 85,77%) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết thông qua.

Kết quả biểu quyết của ĐBQH thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
Kết quả biểu quyết của ĐBQH thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm có 7 Chương, 46 Điều.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (CAND), một số ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động toàn diện, có lộ trình chính quy Công an xã, bảo đảm chế độ, chính sách, bố trí nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất, tính khả thi, hiệu quả, đồng bộ, tinh gọn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khi chính quy Công an xã, thị trấn. Ý kiến khác đề nghị nên tổ chức thí điểm trước khi triển khai trong cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình trước Quốc hội, theo đó xác định, việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn.

Có ý kiến đề nghị không nên bố trí công an xã chính quy tại 1.100 xã biên giới để tiết kiệm nguồn lực, tránh chồng chéo về nhiệm vụ giữa các lực lượng. UBTVQH thấy rằng, trong khu vực biên giới, mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật.

Việc chính quy công an xã, thị trấn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật CAND hiện hành, Bộ Công an đã điều động sĩ quan, hạ sĩ quan về đảm nhiệm các chức danh công an xã và được đánh giá hiệu quả, không phát sinh bất cập trong thực hiện. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, tiếp thu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến ĐBQH và để phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong CAND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát quy định số lượng vị trí từng cấp tướng; nguyên tắc, tiêu chí xác định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng.    

Đối với quy định hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan CAND, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, CAND và Quân đội nhân dân là hai ngành lao động có tính chất đặc thù, tuy nhiên, tính chất đặc thù có sự khác nhau.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hạn tuổi phục vụ cao nhất của hai lực lượng không đồng nhất. Mặt khác, quy định như dự thảo Luật là trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành và được thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị làm rõ quy định thời gian kéo dài có giữ chức vụ quản lý, UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật quy định về trường hợp và nguyên tắc được kéo dài hạn tuổi phục vụ, các nội dung cụ thể về kéo dài hạn tuổi phục vụ được quy định bằng văn bản dưới luật để bảo đảm sự thống nhất và linh hoạt trong từng thời điểm. Trên thực tế, theo quy định hiện hành, các trường hợp này không được giữ chức vụ quản lý. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.  

* Trên 93% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Trong sáng ngày làm việc cuối cùng (20-11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với 452/465 ĐBQH tán thành (chiếm tỷ lệ 93,20%).



Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự thảo luật quan trọng trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đọc báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các ý kiến của đại biểu.

Về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 30), nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch UBND  cấp tỉnh và tương đương trở lên.

Ý kiến khác đề nghị giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai; có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. 

Ủy ban nhận thấy, để khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung.

Các phương án về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trình Quốc hội đều đã được đánh giá tác động, cân nhắc về tính khả thi trên cơ sở tính toán cụ thể về số đối tượng chịu sự kiểm soát của mỗi cơ quan. 

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu.

Kết quả có 330/456 ý kiến đại biểu, chiếm 68,04% tổng số đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật; 83/456 ý kiến đại biểu, chiếm 17,11% tổng số đại biểu tán thành với quy định: giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.

Do đó, tiếp thu đa số ý kiến đại biểu, Điều 30 của dự thảo Luật quy định: Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34), có ý kiến đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, như đã trình bày trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật số 333/BC-UBTVQH14 ngày 21-10-2018 của Ủy ban, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…, những đối tượng này không phải kê khai hàng năm.

Tuy dự thảo Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại Tòa án; nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế; nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.

Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các vị đại biểu, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán.

Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu về nội dung này.

Kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 32,16% tổng số đại biểu tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác. Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào Luật.

Từ các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo Luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành, cụ thể: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi gồm 10 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

(Theo CAND - HNMO)

Các tin khác
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa giáo dục truyền thống thông qua những kỷ vật thời chiến cho thế hệ trẻ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Sáng 26/4, tại Di tích Lịch sử quốc gia thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2024).

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh thăm, tặng quà ông Hoàng Hải Hồ, ở thôn 6, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 2/1954-11/1954.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 26/4, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và tặng quà gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục