Tính nhân văn của chiến dịch Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/4/2013 | 9:59:52 AM

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch quyết chiến chiến lược lớn nhất trong lịch sử dân tộc - đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975... Trong chiến thắng vĩ đại ấy, việc giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, hạn chế đổ máu và ít tổn thất là một điều kỳ diệu, hiếm có trong lịch sử chiến tranh.

Người dân Sài Gòn hân hoan chào đón quân giải phóng trưa 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)
Người dân Sài Gòn hân hoan chào đón quân giải phóng trưa 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Có nhiều yếu tố tác động tổng hợp làm nên điều kỳ diệu nói trên, trước hết và chủ yếu quyết định là đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn của Đảng, với định hướng tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quy tụ và phát huy tối ưu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, với tài thao lược “Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời” và nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã nhận thức rõ thời cơ và quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch và chiến thuật, quyết tâm thực hiện chia cắt chiến lược, triệt để bao vây cô lập địch ở Sài Gòn, ngăn chặn và tiêu diệt chủ lực địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm về thành phố.

Tổ chức những binh đoàn binh chủng hợp thành tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi phối hợp với đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang địa phương ở bên trong, kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng và công tác binh địch vận, lấy thọc sâu nhanh chóng đánh tan quân địch ở bên trong là chính, phát huy sức mạnh tổng hợp đột phá liên tục, dũng mãnh, thần tốc táo bạo đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan đầu não chỉ huy của địch, làm tan rã và buộc quân địch phải đầu hàng, giảm thiểu tổn thất và giành toàn thắng trong thời gian rất ngắn, khiến các thế lực bên ngoài không kịp can thiệp.

Trong quá trình chiến dịch, quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ đòn tiến công mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực cơ động với đòn đánh hiểm của lực lượng vũ trang tại chỗ và phong trào nổi dậy của quần chúng.

Nhờ đó chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới và nan giải khi chiến dịch quyết chiến chiến lược phát triển sâu vào sào huyệt cuối cùng của địch như: táo bạo đánh chiếm và bảo vệ các cầu lớn, dẫn đường và bảo đảm cho xe tăng, bộ binh tiến công thần tốc đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của địch; huy động phương tiện bảo đảm vũ khí và chuyển quân, kịp thời cứu chữa thương binh; đồng loạt nổi dậy ở vùng ven và nội đô làm tăng thêm sức mạnh và khí thế áp đảo quân địch...

Đây là một nét độc đáo và là ưu thế vượt trội của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Yếu tố trực tiếp quyết định việc giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, tính mạng và tài sản của nhân dân được bảo toàn là suy nghĩ và hành động mang đậm tính nhân văn của cán bộ, chiến sĩ các LLVT giải phóng trong thời điểm kết thúc chiến tranh. Tiêu diệt chiến lược là vấn đề có tính quy luật của chiến dịch quyết chiến chiến lược, khi trên địa bàn chiến dịch hai bên đều tập trung lực lượng lớn, sử dụng binh hỏa lực rất mạnh, khó tránh khỏi những tổn thất to lớn.

Nhưng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ ta đã nhận thức rõ yêu cầu phải kết thúc chiến tranh có lợi cho sự phát triển của đất nước, quán triệt và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh tác chiến và kỷ luật chiến trường, đáng chú ý là việc hạn chế tối đa sử dụng hỏa lực khi chiến đấu trong đô thị; kết hợp chặt chẽ tác chiến với vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền, tăng cường công tác binh địch vận làm cho ngụy quân, ngụy quyền nhanh chóng tan rã về chính trị, tư tưởng và tổ chức để hạn chế đổ máu và giảm thiểu tổn thất; đối xử nhân đạo đối với các quan chức và sĩ quan, binh lính của chế độ cũ đã đầu hàng, không hề có chuyện trả thù “tắm máu”.

Ngay trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975 Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã điện chỉ đạo các đơn vị, yêu cầu cán bộ chiến sĩ "giữ nghiêm kỷ luật chiến trường và chính sách vào các đô thị... thực hiện tốt các chính sách của Mặt trận đối với các tầng lớp nhân dân... cảnh giác với mọi âm mưu phá hoại chia rẽ của địch, đề cao phẩm chất đạo đức và tư thế người chiến thắng khi vào vùng giải phóng"; Ngày 20/4/1975 Trung ương Cục đã chủ động ra nghị quyết về tổ chức Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định và các địa phương.

Khi bắt đầu chiến dịch, ngày 26/4/1975 Quân ủy Miền ra Chỉ thị công tác chính trị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó xác định rõ 10 điều kỷ luật của bộ đội hoạt động trong vùng mới giải phóng; ngày 27/4/1975 Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị về nhiệm vụ của các đơn vị quản lý thành phố Sài Gòn - Gia Định...

Các chỉ thị, hướng dẫn của trên được kịp thời phổ biến, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, công tác và quân quản ở vùng mới giải phóng; bảo vệ vững chắc các mục tiêu được giao, kịp thời phát hiện và kiên quyết trấn áp mọi hoạt động phá hoại của địch, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tích cực tuyên truyền vận động và giúp đỡ nhân dân ổn định sản xuất và đời sống, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn sau ngày giải phóng.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rất mới mẻ, nhiều khó khăn phức tạp và có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng đó, bản lĩnh chính trị và tính nhân văn của cán bộ, chiến sĩ các LLVT giải phóng được tiếp tục tôi luyện và kiểm nghiệm nghiêm ngặt, được bồi đắp và tỏa sáng.

Phong trào nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân do các cấp ủy Đảng lãnh đạo góp phần to lớn đối với việc giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, hạn chế đổ máu và ít tổn thất. Giương cao ngọn cờ nhân nghĩa và dựa chắc trên cơ sở “thế trận lòng dân”, chúng ta đã xây dựng được lực lượng và thế trận đấu tranh chính trị sâu rộng.

Khi bước vào chiến dịch, hơn 1.700 cán bộ được tăng cường cho vùng ven và nội thành để tham gia các ban chỉ đạo vận động và tổ chức quần chúng nổi dậy. Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công quân sự, phong trào nổi dậy giành chính quyền của quần chúng đã diễn ra rộng khắp cả vùng ven và nội đô, góp phần làm cho ngụy quân, ngụy quyền nhanh chóng bị tan rã, thúc đẩy chiến dịch phát triển “thần tốc”.

Khoảng 90% các ấp và hầu hết các xã, phường, quận, huyện… được giải phóng bằng sức mạnh của lực lượng chính trị kết hợp với LLVT địa phương, rất ít đổ máu và tổn thất. Trong nội thành, các cơ sở cách mạng và quần chúng lao động nổi dậy chiếm giữ và bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng, bảo đảm mọi sinh hoạt bình thường của nhân dân ngay sau khi thành phố được giải phóng.

Công tác binh địch vận được chủ động, tích cực tiến hành đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và phương thức hoạt động, góp phần rất quan trọng vào việc giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn. Trong quá trình chiến dịch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp và các lực lượng tham gia chiến dịch đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương kết hợp chặt chẽ “Ba mũi giáp công”, tạo nên sức mạnh tiến tổng hợp bằng cả ba đòn tiến công quân sự, chính trị và binh địch vận.

Khi bước vào chiến dịch, Ban Binh vận Trung ương Cục và Khu Sài Gòn - Gia Định đã huy động trên 800 cán bộ vào các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh địch vận.

Đây là một mũi tiến công chiến lược thể hiện tính nhân văn sâu sắc của công tác vận động cách mạng, phát huy tính chất chính nghĩa và ưu thế vượt trội về chính trị - tinh thần của chiến tranh nhân dân Việt Nam để tuyên truyền giác ngộ, vận động và tổ chức các quan chức chính quyền, sĩ quan và binh lính địch trở về với nhân dân; góp phần thúc đẩy chiến dịch phát triển nhanh chóng và giành thắng lợi trọn vẹn.

Theo dòng chảy lịch sử, chúng ta ngày càng cảm nhận sâu sắc tính nhân văn của Chiến dịch Hồ Chí Minh, phản ánh rõ nét đặc trưng bản chất của văn hóa chính trị và văn hóa quân sự Việt Nam, bồi đắp nền tảng văn hóa tinh thần bảo đảm cho dân tộc ta trường tồn và phát triển bền vững.

Trung tướng, PGS,TS Nguyễn Tiến Bình (Nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng)

(Theo CAND)

Các tin khác
Bộ đội Trường Sơn có đóng góp to lớn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975. (Ảnh tư liệu)

Bộ đội Trường Sơn vừa đảm bảo cho công tác chi viện các chiến trường vừa chiến đấu chống ngăn chặn của địch, góp phần làm nên thắng lợi của những chiến dịch quan trọng.

Sáng 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Yên Bái (Liên hiệp Hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội và các tổ chức Hội thành viên theo tinh thần Nghị quyết số 45 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỷ niệm Ngày Khoa học - công nghệ Việt Nam, 18/5/2024.

Quang cảnh Đại hội.

Ngày 16/5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) huyện Lục Yên tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024-2029 với 171 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham dự.

Sáng nay - 17/5, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2024), đoàn đại biểu đại diện Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục