Thực hiện đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp

Những kinh nghiệm được đúc rút

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2014 | 8:55:32 AM

YBĐT - Năm 2012, xã Vũ Linh của huyện Yên Bình được tỉnh Yên Bái chọn làm điểm triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, Vũ Linh đã tiến hành giao 261,7ha đất rừng cho 85 hộ dân và cộng đồng quản lý.

Các hộ dân được giao đất, giao rừng ở xã Vũ Linh làm thủ tục nhận đất rừng.
Các hộ dân được giao đất, giao rừng ở xã Vũ Linh làm thủ tục nhận đất rừng.

Sau 2 lần xây dựng, điều chỉnh phương án và rất nhiều lầncấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị họp dân, thậm chí xuống tận thôn gặp gỡ từng hộ để tuyên truyền, vận động. Đến ngày 26/6/2014, 85 hộ dân thuộc diện ưu tiên được xét giao đất, giao rừng ở Vũ Linh phấn khởi đến trụ sở UBND xã bốc thăm lô đất và viết đơn đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng qui định hiện hành.

Nằm ở khu vực hạ huyện, Vũ Linh có tổng diện tích tự nhiên hơn 3.736ha, trong đó đất rừng sản xuất là 1.504,5ha và đất rừng tự nhiên là 230,5ha. Đây là 1 trong 2 xã được tỉnh chọn làm điểm triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Để hoàn thành tốt Đề án, huyện đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phụ trách từng thôn để cùng các ngành chức năng và cơ sở tháo gỡ khó khăn. Trong đó, đặc biệt lưu ý đánh giá sát hiện trạng đất rừng và tình hình thực tế ở cơ sở để chỉ đạo xã xây dựng, triển khai phương án trên địa bàn.

Đồng chí Địch Quang Phục - Chủ tịch UBND xã Vũ Linh cho biết: “Bám sát chỉ đạo của tỉnh, của huyện và các văn bản qui định của Đảng, Nhà nước, xã đã xây dựng phương án và thực hiện một cách nghiêm túc. Trong quá trình triển khai, địa phương luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ tích cực từ phía các ngành chức năng của tỉnh, của huyện”.

Để người dân hiểu và nắm rõ chủ trương giao đất, giao rừng của Đảng, Nhà nước cũng như phương án thực hiện của địa phương, giúp người dân thấy được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện phương án, công tác tuyên truyền luôn được huyện đặt lên hàng đầu. Từ khi triển khai đến nay, Yên Bình đã cùng xã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, vận động nhân dân. Nhờ đó, nhận thức của bà con từng bước được nâng cao, bước đầu đã có 175 hộ viết đơn xin được giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp.

Trên cơ sở đó, căn cứ qui định hiện hành và thực trạng sử dụng đất tại địa phương, theo thứ tự ưu tiên, Hội đồng Giao đất, giao rừng xã đã chấp thuận 85 đơn đủ điều kiện, trong đó có 7 hộ gia đình chính sách, 60 hộ nghèo và cận nghèo, còn lại thuộc đối tượng là công an, bộ đội. Trong tổng số 261,7ha đất rừng không bị bao chiếm ở xã Vũ Linh, giai đoạn 1 đã tiến hành giao 161,5ha cho 85 hộ dân với hạn mức giao cho mỗi hộ là 1,9ha; giao 73,6ha cho cộng đồng dân cư thôn Quyên, Ngòi Tu, Đá Trắng, Trại Máng quản lý; còn lại 26,6ha giao cho UBND xã quản lý. Diện tích này đã được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 theo đúng qui định của Đảng, Nhà nước. Thôn Quyên có 73 hộ thì đợt này có 9 hộ được ưu tiên giao rừng, giao đất gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 17,1ha cộng với 10,7ha giao cho cộng đồng dân cư quản lý để giữ nguồn nước và làm đường đi lại.

Anh La Văn Thành - hộ nghèo trong thôn xúc động chia sẻ: “Ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã giao đất, giao rừng cho gia đình tôi! Tôi sẽ bảo ban con cháu sử dụng lô đất đúng mục đích để nhanh chóng vươn lên thoát khỏi đói nghèo”. 

Tuy nhiên, thực tế thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn xã Vũ Linh thời gian qua gặp không ít khó khăn. Để có được phương án như hôm nay, Vũ Linh phải xây dựng và điều chỉnh 2 lần. Lần đầu tiên do chưa có hướng dẫn, qui trình cụ thể nên quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đó, suy nghĩ, tư tưởng muốn giữ đất, giữ rừng cho con cháu, dòng họ, không giao cho người ngoài, người khác thôn sử dụng vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân. Hơn nữa, nhận thức của bà con về lợi ích thiết thực của việc giao đất, giao rừng còn chưa thông suốt. Do vậy, sau khi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 85 hộ dân thì đến đầu tháng 7/2014, một số hộ dân khác ở hai thôn Ngòi Tu và Đá Trắng vẫn còn băn khoăn, thắc mắc, chưa thống nhất cao với phương án giao đất, giao rừng mà xã đã áp dụng với lý do sợ khi giao rừng, họ sẽ chặt phá cây, làm mất nguồn nước sinh hoạt. Vì vậy, ngày 9/7/2014, đồng chí Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo xã đã xuống thôn Ngòi Tu, Đá Trắng để gặp gỡ, trao đổi, giải đáp thắc mắc của người dân.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo địa phương và các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận cao với phương án giao đất, giao rừng mà Vũ Linh đã thực hiện. Huyện cũng chỉ đạo xã tổ chức cho 85 hộ dân được giao đất, giao rừng ký cam kết sử dụng đúng mục đích, đúng qui định của Đảng, Nhà nước; kiên quyết nghiêm cấm việc tự ý chặt phá rừng, làm ảnh hưởng tới nguồn nước và sinh hoạt của cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện tại, Vũ Linh vẫn còn 214,4ha đất bị bao chiếm và canh tác lâu dài nhiều năm sẽ tiếp tục triển khai giao ở giai đoạn 2. Điểm lưu ý bước đầu mà huyện rút ra sau quá trình triển khai phương án trên địa bàn xã Vũ Linh thời gian qua là trước khi thực hiện phải làm tốt khâu rà soát hiện trạng quản lý, sử dụng rừng, đất rừng tới từng hộ gia đình, từng tổ chức, cá nhân trên cả giấy tờ sổ sách và thực tế. Hơn nữa, việc xác định nhóm đối tượng ưu tiên cần được cố định trước khi xây dựng phương án để khi thực hiện không có sự biến động khác. Đặc biệt, khi đã có các dữ liệu cụ thể cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú để bà con hiểu, thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng từ xây dựng phương án đến triển khai phương án là rất cần thiết”.

Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Yên Bình rút kinh nghiệm, báo cáo tỉnh thống nhất chỉ đạo về chủ trương, biện pháp, cách thức thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2015 tại các xã, thị trấn còn lại của huyện một cách hiệu quả hơn.

Ông Trần Xuân Yêu - Bí thư Chi bộ thôn Đá Trắng:

Thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp của địa phương, Chi bộ đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới cán bộ, đảng viên, nhân dân. Vì vậy, mọi người đã thấu hiểu và nghiêm túc thực hiện.

 

 

 

Ông La Văn Việt - Trưởng thôn Quyên:   

Nhân dân thôn Quyên đồng tình với phương án giao đất, giao rừng của xã Vũ Linh. Không chỉ 9 hộ dân được nhận đất vui mà các hộ khác trong thôn cũng mừng vì từ đây, nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp hiện có của địa phương sẽ được quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững, ổn định lâu dài và hiệu quả.

 

 

 

Bà Lê Thị Hòa - người dân thôn Vũ Sơn:

 
Là gia đình chính sách đi khai hoang vùng kinh tế mới, nay được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giao đất, giao rừng, tôi và con cháu tôi đã có đất sản xuất. Chúng tôi ơn Đảng nhiều lắm!

 

 

 

 

 

Ông Lưu Hùng Tiến - người dân thôn Quyên:

Tôi là hộ nghèo, nay được nhận 1,9ha đất rừng để quản lý, sử dụng nên phấn khởi lắm! Gia đình tôi sẽ sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả để không phụ lòng Đảng, Nhà nước đã quan tâm và bà con làng xóm đã sẻ chia khó khăn với gia đình.  

 Kiều Mười

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục