Bán sơn tra non, thiệt hại rất lớn!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 2:56:20 PM

YBĐT - Trước đây, Sở Công nghiệp - nay là Sở Công thương tỉnh Yên Bái đã có cuộc điều tra tại huyện Mù Cang Chải và sơ bộ đánh giá ở đây có khoảng trên 2.000ha sơn tra (táo mèo) nhưng theo cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì chắc chắn có khoảng 3.000ha quy đặc.

Sơn tra non đang được thu hái hàng loạt để bán cho tư thương sơ chế.
Sơn tra non đang được thu hái hàng loạt để bán cho tư thương sơ chế.

Diện tích cây sơn tra chủ yếu ở các xã tính từ trung tâm huyện trở ngược về xã Tú Lệ (Văn Chấn). Những xã nhiều nhất gồm: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề, Nậm Có. Ước tính, mỗi héc-ta sơn tra cho khoảng trên 2 tấn quả/vụ thì mỗi năm, huyện có khoảng gần chục nghìn tấn.

Giá sơn tra cuối vụ năm ngoái bán tại huyện lúc cao nhất lên tới 40.000 đồng/kg và mang về thành phố Yên Bái bán từ 50.000 đến 60.000 đồng và nếu chỉ tính ở mức giá trung bình bán tại chỗ khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg thì đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã có nguồn thu nhiều tỷ đồng. Lượng sơn tra hiện có vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường bởi nhiều nơi trong nước đã biết đến tác dụng của loại quả này nên đến mùa là họ đổ xô tìm mua. Vì thế, sơn tra được nhận định là loại cây hiện mang lại giá trị kinh tế cao nhất ở Mù Cang Chải.

Ông Lý Chồng Di - Phó bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn cho biết, vụ năm ngoái, trong xã có 3 hộ thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng tiền bán sơn tra và số hộ thu vài chục triệu đồng rất nhiều. Ưu điểm của loại cây này là không kén đất và có thể trồng xen với rừng tái sinh, rừng thông phòng hộ, trồng xen trong các đồi chè. Một cây sơn tra có đường kính 20cm trở lên có thể cho tới 3 tạ quả nên ông Hờ Xúa Vàng ở thôn Màng Mủ, xã Mồ Dề có hơn chục cây mà năm ngoái thu trên 60 triệu đồng.

Nắm được triển vọng kinh tế của loại cây này, huyện Mù Cang Chải rất chú trọng chỉ đạo phát triển cây sơn tra để khai thác thế mạnh cây bản địa phân bố rất ít nơi ở vùng Tây Bắc. Trong đó, huyện tập trung vận động nhân dân bảo vệ rừng có sơn tra, tích cực trồng mới, không bán sơn tra non; triển khai giao bảo vệ rừng có sơn tra đồng đều cho các hộ ở mỗi thôn, bản để mọi nhà đều có nguồn lợi từ quả sơn tra…

Tuy nhiên, mùa sơn tra năm nay, tình trạng bán sơn tra non rất ồ ạt. Tư thương lên tận các bản để “săn” mua sơn tra. Huyện đã nhận thấy đây là một thiệt hại kinh tế lớn đối với người dân. Bởi vì 1kg sơn tra loại quả đẹp chỉ có giá từ 6.000 đến 7.000 đồng, còn loại quả kích cỡ nhỏ, không đều, mẫu mã bình thường chỉ có giá 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Việc bán non còn làm giảm sản lượng rất mạnh do quả chưa lớn hết cỡ. Sơn tra chưa già thì hàm lượng các chất dinh dưỡng, hương vị và chất dược liệu cũng hạn chế nên tác dụng thực phẩm cũng như y dược bị giảm nghiêm trọng.

Trước tình hình này, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các địa phương tích cực vận động nhân dân không nên bán non quả sơn tra nhưng hầu như vẫn không thay đổi được tình hình.

Sơn tra ở Mù Cang Chải vụ này rất sai quả so với nhiều năm qua.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán sơn tra non được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng như người dân ở vùng có cây sơn tra cho biết, do khí hậu những tháng đầu năm mưa nhiều, độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ nên sơn tra sai quả chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Vì vậy, người có nhiều sơn tra tỏ ra lo lắng cuối vụ sẽ bị tư thương ép giá nên phải thu hái bán dần. Nhiều người bán sơn tra non vì lý do khó khăn kinh tế.

Bên cạnh đó, sơn tra bán non còn do người dân tranh nhau thu hái những cây mọc ở trong rừng hiện chưa giao đất rừng cho hộ quản lý. Tình trạng trộm cắp sơn tra tại những rừng đã giao cho hộ khoanh nuôi bảo vệ diễn ra khá phổ biến. Vì thế, những hộ ít nhân lực để trông coi sơn tra hàng ngày buộc phải bán non vì không thể trông giữ.

Những nguyên nhân trên cần sớm được khắc phục bằng những giải pháp tích cực, đồng bộ thông qua phân tích để nhân dân nắm rõ lợi thế thị trường, hiệu quả kinh tế nhằm giải tỏa những lo lắng không có cơ sở trong việc tiêu thụ quả sơn tra; triển khai tốt việc khoanh nuôi bảo vệ vùng sơn tra theo mô hình hộ hoặc luân phiên bảo vệ trong cộng đồng để chia sẻ khó khăn về nhân lực ở thời điểm chuẩn bị bước vào thu hoạch. Đồng thời, huyện nên khuyến cáo những hộ gặp khó khăn cố gắng tìm cách khắc phục để tránh phải bán non quả sơn tra, dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế; từng bước hình thành cơ chế thu mua, chế biến có đầu mối và gắn với trách nhiệm bảo vệ vùng nguyên liệu…

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục