Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI: Hướng phát triển nông nghiệp bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2014 | 8:48:00 AM

YBĐT - Năng suất vượt trội, lượng thóc giống giảm từ 50 - 80% so với cấy theo phương pháp truyền thống, giảm chi phí, giảm công làm, tiết kiệm nước, phân bón và đặc biệt là không sử dụng thuốc trừ sâu nhưng cây lúa vẫn bảo đảm sạch bệnh, năng suất cao… là những ưu thế của phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) đang được nhiều nông dân ứng dụng trên đồng ruộng.

Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh lúa cải tiến tại xã Vĩnh Kiên.
Hội thảo đầu bờ mô hình thâm canh lúa cải tiến tại xã Vĩnh Kiên.

Những năm qua, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng được thực hiện rộng khắp, đặc biệt là việc đưa các giống lúa lai cao sản vào thâm canh đã giúp năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Hiện, năng suất  lúa bình quân toàn tỉnh đạt 49,2 tạ/ha và sản lượng đạt 199.245,7 tấn. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số vấn đề: năng suất tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, hiệu quả kinh tế của trồng lúa thấp do chi phí đầu vào tăng cao; một số khâu trong sản xuất còn lãng phí như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới; đặc biệt, việc nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đã và đang gây ra nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khoẻ con người.

Nhằm góp phần giải quyết những tồn tại trên, từ năm 2008, được sự giúp đỡ của Cục Bảo vệ thực vật và tổ chức OXFAM Mỹ tài trợ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã bước đầu tiến hành ứng dụng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại 6 xã thuộc 4 huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình. Mô hình đã cho hiệu quả và đến nay dần trở thành tập quán canh tác của nông dân.

Phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản: cấy mạ non; cấy thưa, vuông mắt sàng; rút nước xen kẽ 3-4 lần trong vụ, giữ đất ẩm; làm cỏ kết hợp xới xáo mặt ruộng, sục bùn để thông khí cho đất; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng oải mục để cải tạo độ phì của đất. Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, có thể áp dụng tất cả 5 nguyên tắc kỹ thuật ngay từ vụ đầu hoặc có thể áp dụng "từng phần" tiến tới "áp dụng toàn phần".

Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) là một trong những xã đi đầu ứng dụng mô hình thâm canh lúa cải tiến. Bà Nguyễn Thị Lan - người dân trong xã cho biết: "Cấy theo SRI tiết kiệm được nhiều thứ. Thứ nhất là giống, trước cấy 1 sào hết 1,5kg thóc, nay chỉ hết độ 5 lạng. Thứ hai là giảm được lượng phân bón, nhất là đạm từ 7-8 kg/sào xuống 5 kg/sào. Chính vì cấy thưa nên công cấy cũng đỡ hơn, ruộng lúa thông thoáng, độ ẩm không cao nên sâu bệnh ít, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm hơn rất nhiều. Lúc đầu nhà mình chỉ trồng 1 sào theo SRI nhưng đến nay đã áp dụng toàn bộ diện tích".

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: "Mô hình thâm canh SRI được triển khai tại Vĩnh Kiên từ năm 2008, đến nay nhiều nông dân đã tự áp dụng các phương pháp canh tác SRI trên thửa ruộng nhà mình. Qua thực tế cho thấy, việc sản xuất theo SRI hạn chế được nhiều khâu và giảm chi phí, trong khi đó năng suất lại cao hơn hẳn phương pháp sản xuất truyền thống, đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, trên 80% diện tích lúa ở Vĩnh Kiên được bà con áp dụng mô hình thâm canh SRI. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích".

Từ chỉ một vài hộ dân áp dụng với diện tích vài trăm mét vuông, đến nay, kỹ thuật SRI đã được triển khai thực hiện tại 9/9 huyện, thị, thành phố với diện tích 7.440,7ha (khoảng 2.500ha kết hợp với phân nén dúi sâu) thu hút trên 35.000 lượt hộ nông dân áp dụng; trong đó: diện tích áp dụng từ 4- 5 nguyên tắc: 1.278,4 ha. Các nguyên tắc áp dụng đơn giản, dễ thực hiện như cấy mạ non, cấy thưa, cấy một dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, giảm sâu bệnh, đồng thời giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động; đặc biệt, SRI hấp dẫn nông dân là năng suất lúa cao hơn khoảng 10%. 

Bác Trần Văn Tân, thôn 16, xã Báo Đáp (Trấn Yên) cho biết: "Tôi là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật SRI trên ruộng nhà mình. Trong vụ đầu tiên, khi chuẩn bị thực hiện, người thân và hàng xóm đều ngăn cản vì cho rằng cấy mạ non và cấy thưa như vậy (30 cây/m2) sẽ không được ăn nhưng tôi vẫn mạnh dạn áp dụng. Kết quả vụ đầu cho thấy năng suất tăng hơn 20kg/sào mà lại tiết kiệm được giống và công lao động; giảm sâu bệnh rõ rệt. Những vụ sau, tôi áp dụng cho toàn bộ diện tích nhà mình và vận động bà con xung quanh làm theo. Tuy nhiên, do lao động ở nông thôn ngày càng ít vì thu nhập thấp nên khó áp dụng một cách đầy đủ theo các nguyên tắc của SRI như cấy thẳng hàng, làm cỏ bằng tay mà thay vào đó là mạ ném và dùng thuốc trừ cỏ. Đề nghị các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ người dân làm theo kỹ thuật SRI".

Hiệu quả của SRI đã rõ nhưng chưa được triển khai một cách rộng rãi trên địa bàn tỉnh và hiệu quả còn thấp do đồng ruộng không đồng đều về địa hình, diện tích manh mún, hệ thống thủy lợi còn hạn chế. Nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ đã thành tập quán vì vậy, việc áp dụng làm cỏ bằng biện pháp thủ công như cào cỏ, nhổ bằng tay gặp nhiều khó khăn. Một số vùng do tập quán của người dân, địa hình không đồng đều ảnh hưởng đến việc vận chuyển phân hữu cơ ra ruộng nên khó áp dụng nguyên tắc này.

Bên cạnh đó, do thiếu lao động nông dân nên không cấy mà sử dụng mạ khay (mạ ném) cũng ảnh hưởng tới việc áp dụng nguyên tắc cấy 1 dảnh, cấy vuông mắt sàng. Đặc biệt, nông dân chưa mạnh dạn áp dụng phương pháp này bởi bà con đã quá quen với phương pháp canh tác truyền thống.

Để đưa mô hình thâm canh lúa cải tiến sản xuất đại trà thì trong thời gian tới cần mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng các mô hình trình diễn chuẩn; đồng thời kết hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương tăng cường tuyên truyền vận động thông qua các hoạt động tại địa phương như qua các cuộc họp tại xã, thôn; qua phương tiện thông tin đại chúng như bảng tin, đài truyền thanh của xã, thôn; thành lập ban chỉ đạo chương trình phát triển SRI từ tỉnh đến  huyện với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và có các chính sách hỗ trợ cụ thể, trong đó cần đưa SRI vào trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Văn Thông

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục