Quế - cây trồng thế mạnh ở vùng cao Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/8/2014 | 9:03:32 AM

YBĐT - Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, những năm qua, đồng bào các dân tộc vùng cao Văn Chấn đã phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích chưa thể sánh với Văn Yên - quê hương loài cậy đặc sản này, song bước đầu, quế là cây dược liệu quan trọng đã và đang mang lại nguồn thu nhập chủ yếu, giúp nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Nhân dân xã Nậm Lành thu hoạch quế.
Nhân dân xã Nậm Lành thu hoạch quế.

Định canh ở xã An Lương xa xôi hẻo lánh nhất huyện Văn Chấn nhưng từ lâu, gia đình ông Lộc Trọng Biên, thôn Tạng Chan đã nhận thấy giá trị kinh tế từ cây quế. Hơn chục héc-ta đất đồi hoang núi trọc gia đình ông nhận khai phá đã trở thành hơn chục héc-ta quế, trong đó 5ha đã hơn 20 năm tuổi. Năm 2013, diện tích đến tuổi khai thác đã có người trả giá cả tỷ đồng nhưng ông Biên không bán.

Đối với ông Biên, việc khai thác từng bước vừa giúp gia đình có thu nhập thường xuyên lại hạn chế xói mòn đất. Hơn 30 năm trồng quế, ông Biên không chỉ nêu tấm gương vượt khó, đi đầu trong phát triển rừng quế mà còn luôn tuyên truyền, vận động, giúp đỡ để nhân dân thay đổi ý thức trong việc trồng cây, giữ rừng.

Ông Biên chia sẻ: “Tôi nhận thấy, đồi đất của địa phương cũng tương đồng với Văn Yên nên đã mang cây quế về trồng thử. Thấy cây quế phát triển tốt, giá trị cao nên tôi đã nhân rộng vừa để phát triển kinh tế gia đình vừa giữ đất, giữ rừng. Bà con trong xã cũng theo tôi đến xin hạt giống, học hỏi cách trồng nên giờ nhiều hộ đã khá giả nhờ cây quế. Tôi mong bà con trồng nhiều quế hơn nữa để tăng thu nhập và bảo vệ môi trường”.

Giống như gia đình ông Biên, gia đình ông Triệu Văn Kinh, thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành có truyền thống phát triển quế. Tận dụng tất cả các diện tích đất, mỗi năm trồng thêm một chút, đến nay, ông đã có trên 2ha quế có độ tuổi từ 2 - 15 năm. Với diện tích này, hàng năm, việc tận thu phần cành lá cũng mang về cho gia đình ông cả chục triệu đồng.

Trong tháng 3 vừa qua, ông đã thu hoạch trắng trên 2.000m2 quế, thu về trên 80 triệu đồng. Đối với gia đình ông Kinh và đồng bào dân tộc Dao nói chung, cây quế là cây trồng bản địa, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Với giá trị, hiệu quả ngày càng cao, cây quế luôn là lựa chọn hàng đầu trong phát triển kinh tế của đồng bào vùng cao.

Ông Kinh cho biết: “Đồng bào Dao trong thôn ruộng nước ít, chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng. So với các cây trồng như trẩu, mỡ, bồ đề thì quế là cây trồng thích nghi cao, có khả năng thu hoạch cả vỏ, thân và cành lá. Vì vậy, từ lâu, cây quế đã là cây trồng chủ lực của bà con trong thôn”.

Nậm Lành có trên 750ha quế, trong đó trên 500ha quế đang trong độ tuổi thu hoạch. Quá trình trồng quế ở Nậm Lành gắn liền với quá trình định canh, định cư của đồng bào Dao nơi đây. Ở Nậm Lành, không chỉ có rừng quế của các hộ gia đình mà còn có trên 250ha quế tập thể của nhân dân thôn Giàng Cài và Nậm Kịp. Dù là của cá nhân hay tập thể thì những năm qua, rừng quế nơi đây đã phát huy giá trị kinh tế, hiệu quả trong việc gìn giữ môi trường sống.

Đặc biệt, việc phát triển cây quế đã góp phần gắn bó thêm tình nghĩa keo sơn giữa cộng đồng người Dao nơi đây. Với trên 60% số hộ có thu nhập từ trồng quế, hàng năm, giá trị thu về của nhân dân Nậm Lành đạt trên 5 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, xã Nậm Lành đã thu hoạch trên 250 tấn quế vỏ cùng hàng trăm tấn cành lá tận thu, tổng giá trị ước đạt trên 3 tỷ đồng.

Với ưu điểm dễ trồng, khả năng thích nghi cao trên nhiều địa hình đồi núi dốc, những năm trước đây, cây quế ở Văn Chấn chủ yếu được trồng để khai thác lấy thân và vỏ. Cây quế được trồng chủ yếu tại các xã có đồng bào dân tộc Tày và Dao sinh sống như Nậm Mười, Nậm Lành, An Lương.

Từ năm 2011 trở lại đây, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất tinh dầu quế tại xã Sơn Lương. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi giúp nhân dân tận thu các phụ phẩm từ cây quế mà đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm thu hoạch. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg quế vỏ khô và 2.000 đồng/kg cành lá khô cùng việc bán gỗ, mỗi héc-ta quế độ 10 năm tuổi có giá trị từ 450 - 500 triệu đồng. Giá trị cao cùng sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn huyện Văn Chấn tích cực chăm sóc và mở rộng diện tích quế.

Trong năm 2012 - 2013, Công ty Cổ phần Lâm nông sản Yên Bái đã hỗ trợ nhân dân trồng mới và trồng dặm trên 1.000ha quế, nâng tổng diện tích toàn huyện lên trên 5.000ha. Theo ông Hoàng Hồng Hải - Phó giám đốc Nhà máy tinh dầu quế Văn Chấn, Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái thì Văn Chấn là địa phương có tiềm năng phát triển quế rất lớn. Quế ở đây được đánh giá là có chất lượng, trữ lượng tinh dầu cao. Tuy nhiên, diện tích trồng còn nhỏ lẻ, manh mún nên chi phí khai thác, vận chuyển lớn, hạn chế hiệu quả. Công ty đã và đang phối hợp với huyện khảo sát, quy hoạch vùng trồng quế đồng thời hỗ trợ nhân dân trồng, chăm sóc, nâng cao hiệu quả rừng quế.

Có thể thấy, những năm qua, điều kiện địa hình đồi dốc cao và thời tiết khắc nghiệt luôn là những rào cản trong phát triển kinh tế ở vùng cao Văn Chấn. Tuy nhiên, với khả năng thích nghi cao và hiệu quả ngày càng cao của cây quế đã và đang khẳng định vị thế của loài cây này đối với đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao trong huyện. Phát huy thế mạnh, Văn Chấn tiếp tục quan tâm đầu tư cây giống, quy hoạch vùng trồng quế và hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc và khai thác có hiệu quả các diện tích quế trên địa bàn.

Trần Van   

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục