Bảo Ái tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2014 | 1:30:18 PM

YBĐT - Là một trong những địa phương được giao quản lý 910ha diện tích mặt nước hồ Thác Bà, những năm qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ luôn được xã Bảo Ái (Yên Bình) coi trọng. Làm tốt công tác này không những góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản mà còn tăng thu nhập cho các ngư dân sống quanh hồ.

Chủ tịch UBND xã Bảo Ái (bên trái) cùng Trưởng thôn Ngòi Ngần đi kiểm tra khu vực bãi cá đẻ.
Chủ tịch UBND xã Bảo Ái (bên trái) cùng Trưởng thôn Ngòi Ngần đi kiểm tra khu vực bãi cá đẻ.

Hiện nay, toàn xã Bảo Ái có trên 200 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ, trong đó có 15 hộ đánh bắt chuyên nghiệp có chứng chỉ khai thác của Chi cục Thủy sản tỉnh và 200 hộ đánh bắt nhỏ lẻ, các hộ này chủ yếu tập trung ở các thôn: Vĩnh An, Ngòi Ngần, Ngòi Kè.

 Để làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ, xã đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 về tăng cường bảo vệ, phát triển và nghiêm cấm dùng chất nổ, xung kích điện, lưới vét, vó lưới mắt nhỏ đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà của huyện.

 Địa phương thường xuyên theo dõi, thống kê, nắm chắc số người trực tiếp tham gia đánh bắt tôm, cá trên hồ để tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết không sử dụng các phương tiện bị cấm. Hàng tháng, xã thành lập tổ kiểm tra bao gồm lãnh đạo xã, công an, dân quân… đi tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: "Xác định công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, kiên trì và quyết liệt, xã đã thành lập Ban chỉ đạo cùng với các tổ, đội ở các thôn ven hồ bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Ngòi Ngần khó khăn nhất xã với 118 hộ, 95% dân số là đồng bào dân tộc Dao, cuộc sống của người dân trong thôn chủ yếu trông vào 230ha rừng và 3ha đất lúa. Thôn nằm ngay cạnh hồ Thác Bà nên đa phần người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản.

Ông Lê Thế Vinh - Trưởng thôn Ngòi Ngần cho biết: “Vì nhiều người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ nên chúng tôi thành lập tổ tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm 7 thành viên, thường xuyên đến các hộ tuyên truyền, vận động tuyệt đối không được dùng các phương tiện đánh bắt hủy diệt thì mới có nhiều tôm, cá. Nói chung, đa phần người dân đều có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt” Theo ông Vinh thì hầu hết người dân trong thôn, trong xã đều nghiêm chỉnh chấp hành nhưng một số ngư dân ở các xã khác thi thoảng vẫn dùng kích điện đánh bắt ở khu vực xã quản lý, nhất là vào mùa cá vật đẻ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhiều năm qua, trên địa bàn xã không có ngư dân dùng các phương tiện đánh bắt hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng sinh sôi. Lượng cá, tôm của ngư dân đánh bắt được cũng nhiều hơn trước, đời sống được cải thiện.

Ông Triệu Văn Lợi ở thôn Ngòi Ngần làm nghề đánh bắt lâu năm trên hồ với dụng cụ đánh bắt là lưới úp nói: “Cũng có thời gian do nhiều người sử dụng kích điện, vó đèn đánh bắt nên dân chúng tôi có khi cả ngày chỉ kiếm được 15 - 20kg cá, nay xã quản lý và bảo vệ tốt nên được 50 - 60kg”. Theo số liệu thống kê của UBND xã Bảo Ái, bình quân 1 năm, toàn xã đánh bắt được trên 300 tấn tôm, cá, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng. 

Mặc dù công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ của chính quyền và nhân dân xã đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiện nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí và phương tiện. Nếu như những năm trước, Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí (mỗi năm 2 triệu đồng) để phục vụ công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát trên hồ thì từ năm 2013, nguồn kinh phí này đã bị cắt, xã không có phương tiện đi lại trên hồ nên mỗi lần đi kiểm tra phải thuê hoặc mượn của người dân.

Ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Hiện nay, thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân để họ hiểu và tự bảo vệ nguồn sống của mình".

Vẫn biết ý thức của người dân là yếu tố quan trọng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng Chi cục Thủy sản tỉnh, dù cũng có khó khăn, cũng nên nghiên cứu xem xét, hỗ trợ kinh phí và phương tiện hoạt động cho các xã có diện tích mặt nước hồ được giao bảo vệ để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được triệt để hơn và hiệu quả hơn nữa để không những góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của hàng nghìn ngư dân ven hồ.

Hồng Duyên

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục