“Chìa khóa” mở cửa thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/12/2014 | 9:16:50 AM

YBĐT - Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ những chính sách này, tốc độ trồng rừng ở Yên Bái diễn ra mạnh mẽ, không chỉ đưa độ che phủ rừng đạt 61,2%, đứng thứ 4 toàn quốc mà nghề rừng đã giúp hàng vạn hộ dân có thêm nguồn thu, góp phần xóa nghèo nhanh, bền vững.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Doanh Mùi (Trấn Yên) chế biến gỗ ván ép.
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Doanh Mùi (Trấn Yên) chế biến gỗ ván ép.

 Đi lên từ kinh tế rừng

Chúng tôi đến thôn Tai Voi, xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) để tận mắt chứng kiến mầu xanh của rừng trồng đã xóa đi những vết loang lổ xám xịt của đất trống, đồi trọc những năm trước ở nơi này. Được Nhà nước giao đất ổn định, lâu dài để trồng rừng kinh tế, người dân ở đây đã có trong tay "chìa khóa" để mở cánh cửa thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Nguyễn Bá Thuận là một trong những người tiên phong phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở thôn này.

Trước đây, gia đình thuộc dạng nghèo khó trong thôn, lao động vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhận thấy nhiều ngọn đồi bỏ hoang, lãng phí, ông đã chọn nghề trồng rừng để làm giàu. Năm 2000, Nhà nước có chương trình phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông mạnh dạn tiếp nhận gần 10ha đất về trồng rừng. Từ đó, ngày ngày vợ chồng ông tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trống trồng keo, bồ đề. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, kết hợp áp dụng kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc nên diện tích rừng ông trồng đều xanh tốt. Năm 2010, ông bán 5ha keo và diện tích trồng bạch đàn được gần 300 triệu đồng. Số tiền này đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống hằng ngày.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục bỏ vốn trồng rừng bằng các giống cây có giá trị kinh tế cao như keo và bạch đàn mô, đồng thời đầu tư 60 triệu quây lưới B40 để chăn thả dê và gà dưới tán rừng. Chỉ tay vào những cánh rừng trên 3 năm tuổi, ông khoe: "Cây rừng của tôi 3 năm tuổi bằng rừng 5 năm tuổi của người khác, chẳng bao lâu nữa lại cho thu hoạch".

Gia đình ông Hoàng Văn Thái ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) là một trong những "triệu phú" rừng. Trong ngôi nhà mới xây trị giá gần tỷ đồng, ông cho biết: "Có được cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay là từ rừng mà ra, có đất trồng rừng là có việc làm, có tiền mua sắm nhiều đồ đạc. Cây rừng lên xanh là đời người được no ấm".

Năm 1992, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho nhân dân, ông đã mạnh dạn nhận những quả đồi đầy chè vè và lau sậy bỏ hoang để trồng và phát triển rừng. Từ đó, ngày ngày vợ chồng cải tạo đất trống trồng keo, bồ đề, kết hợp chăn nuôi trâu bò và nuôi ong. Qua nhiều chu kỳ khai thác, hiện gia đình ông có gần 20ha rừng trồng từ 2 đến 5 năm tuổi và nhiều diện tích luồng, tre măng Bát Độ chưa khai thác. Tính trung bình cứ 1ha trồng keo thu hoạch sẽ được 40 - 45 triệu đồng thì gia tài của ông thu từ kinh tế rừng không phải là nhỏ.

Những mô hình trồng rừng kể trên mọc lên khắp các làng quê tạo nên cuộc sống no ấm cho người nông dân. Kết quả đó chính là nhờ tỉnh đã đánh giá đúng tiềm năng thế mạnh của từng địa phương với kết hợp nhiều chính sách khuyến khích, là đòn bẩy quan trọng để nghề rừng phát triển. Trong đó, phải kể đến việc giao đất, giao rừng cho dân;  rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, tăng quỹ đất rừng sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp.

 Thông qua các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án trồng rừng 661; Dự án Hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg; Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a…, phong trào trồng rừng diễn ra mạnh mẽ khắp các vùng quê từ vùng thấp đến vùng cao. Trong thời gian ngắn, nhiều nông dân đã "phất" lên từ rừng. Tính riêng từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới được 15.000ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 58,1% (năm 2011) lên 61,2% (năm 2014).

Đến nay, tỉnh đã bước đầu hình thành được vùng sản xuất tập trung với gần 30 ngàn ha quế, trên 100.000ha rừng trồng nguyên liệu, trên 1.300ha tre măng Bát độ. Bên cạnh trồng rừng, những năm qua, tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị cho người trồng rừng. Đến nay, toàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. Tính riêng năm 2014, toàn tỉnh khai thác trên 450.000m3 gỗ, 100.000 tấn tre, vầu, nứa, trên 2.800 tấn vỏ quế khô. Tổng doanh thu hàng năm từ khai thác chế biến gỗ đạt trên 500 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn. Kinh tế đồi rừng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh và trở thành nguồn thu chính cho bà con nông dân.

Nâng cao giá trị lâm nghiệp

Chiến lược ngành lâm nghiệp được xác định là phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện phát triển rừng theo quy hoạch, phấn đấu trung bình hàng năm trồng mới từ 13.000ha -15.000ha, đưa độ che phủ rừng đạt 62,2% vào năm 2015 và duy trì đến năm 2020.

Đối với rừng sản xuất, sẽ tập trung đẩy mạnh kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; đồng thời tập trung phát triển lâm sản ngoài gỗ. Ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lâm nghiệp, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, thông qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.

Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa để kinh tế lâm nghiệp phát triển; đồng thời, tận dụng tối đa diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp để hình thành các khu rừng trồng nguyên liệu tập trung; trong đó, ổn định phát triển và hình thành vùng tre măng Bát Độ trên 3.000ha tại Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên; vùng sản xuất quế 27.000ha tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; vùng cây Sơn tra 3.000ha tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sản phẩm lâm nghiệp cần nhanh chóng thiết lập hệ thống rừng giống, đưa các giống cây có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khác gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; khuyến khích đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế biến hiện có, chế biến gỗ dân dụng cao cấp và trang trí nội thất…; xây dựng mới hoặc nâng cấp một số cơ sở hiện có thành nhà máy chế biến lâm sản công suất lớn; đưa ứng dụng công nghệ mới vào chế biến lâm sản để nâng cao hiệu quả kinh tế và tiết kiệm nguyên liệu; tập trung phát triển rừng có chứng chỉ FSC nhằm tham gia thị trường lâm sản thế giới một cách bình đẳng và thực hiện tốt các cam kết đa phương với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.

 Văn Thông

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục