Chăn nuôi ổn định - không lo thiếu thực phẩm thịt tết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2014 | 2:52:00 PM

YBĐT - Đã thành quy luật, vào những tháng cuối năm và đón tết Nguyên Đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân ngày một lớn. Hiện nay, người chăn nuôi đang tập trung phát triển đàn gia, súc gia cầm để phục vụ nhu cầu trong dịp tết Nguyên Đán 2015.

Trong những tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của thời tiết, trời mưa kéo dài, nền nhiệt độ thấp cùng với độ ẩm cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất, dịch bệnh đã xảy ra cục bộ ở nhiều nơi và nhiều trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có nhiều tỉnh giáp ranh với Yên Bái, đã gây trở ngại cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, giá thức ăn của ngành chăn nuôi luôn ở mức cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại giảm mạnh, đặc biệt tháng 2, tháng 3/2014 có thời điểm xuống dưới mức giá thành sản xuất trong thời gian dài. Giá sản phẩm thịt hơi xuất chuồng có thời điểm giảm xuống mức 30.000 đồng/kg khiến giá sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất, chăn nuôi theo đó thua lỗ hoặc không có lãi. Nhưng từ tháng 6 đến nay, sản xuất chăn nuôi đang có sự hồi phục và tăng trưởng bởi thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán các sản phẩm có xu hướng tăng.

Đặc biệt, hiện nay, giá thịt lợn hơi, gà trên thị trường luôn ở mức ổn định và có lãi. Theo khảo sát ở các hộ chăn nuôi tại một số địa phương trong tỉnh thì giá lợn hơi đang dao động từ mức 47.000 49.000 đồng/kg. Không chỉ giá lợn tăng, giá gia cầm cũng ổn định. Giá gà ta thả đồi là 100.000-110.000 đồng/kg; gà ta nuôi trại có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg. Giá bán thịt hơi tăng ổn định dẫn đến giá con giống cũng tăng nhẹ. Theo khảo sát tại các chủ hộ chăn nuôi thì hiện nay, giá lợn giống khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg lợn, giá gà giống 19.000 - 20.000 đồng/con. Bên cạnh giá tăng ổn định, một điều khiến người chăn nuôi yên tâm tái đàn là dịch bệnh được kiểm soát. Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương cũng đang ráo riết tái đàn, có hộ tận dụng hết công suất chuồng trại.

Anh Hoàng Văn Bảy - một chủ trang trại chăn nuôi ở thôn Ngọn Ngòi (xã Minh Quân, Trấn Yên) cho biết: “Hiện, gia đình tôi có hơn 100 con lợn thịt và 20 con lợn nái sinh sản. Với giá lợn hơi như hiện nay, sau gần 4 tháng chăm sóc, mỗi con lợn thịt lãi từ 500-700 nghìn đồng. Theo kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm cho thấy, từ giờ đến cuối năm, giá lợn sẽ tương đối ổn định do nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn nên thời điểm này gia đình tập trung phát triển đàn lợn, chuẩn bị cho lứa lợn bán tết”.

Anh Nguyễn Văn Thắng cũng là một chủ trang trại chăn nuôi lớn ở xã Y Can (huyện Trấn Yên) khẳng định: “Hiện, giá lợn hơi trung bình là 47.000 đồng/kg, lợn đẹp bán giá 49.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi đã có lãi. Hiện nay, gia đình đang vỗ béo để tập trung xuất chuồng vào dịp tết Nguyên Đán”.

Theo báo cáo của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 505.000 con lợn và trên 3.750 triệu con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 28.000 tấn.Theo đánh giá của ngành chăn nuôi, hiện nay, sản xuất chăn nuôi của tỉnh có nhiều thuận lợi do thời tiết không biến động nhiều; dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế nhờ công tác tiêm phòng gia súc định kỳ, phun tiêu độc khử trùng được triển khai kịp thời, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn trâu bò, lợn, gia cầm; đặc biệt, xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở các huyện, thị vùng thấp, trong đó phải kể đến một số đơn vị như: Công ty TNHH Bình An, Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao thuộc Tổng công ty Hòa Bình Minh và Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao thuộc Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin. Chính vì lẽ đó, sản lượng đàn lợn trong dân vẫn có xu hướng tăng. Theo dự báo, tổng sản lượng thịt hơi có thể đạt mốc trên 30.000 tấn. Do đó, người tiêu dùng không lo thiếu hàng dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tết Nguyên đán nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Bởi thời gian này các hoạt động giết mổ, buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm diễn ra nhộn nhịp, khó kiểm soát. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngành thú y cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi. Để ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương, các ngành chức năng cần tổ chức thông tin tuyên truyền liên tục về chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong mua bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.

Các địa phương, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ốm chết không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch lưu thông, ra vào địa bàn. Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc; tiêm phòng bổ sung những gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng các bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, để chăn nuôi phát triển ổn định, ngành nông nghiệp cần làm tốt công tác dự báo thị trường để giúp người chăn nuôi chủ động trong việc tăng giảm số đàn nuôi, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Văn Thông

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục