Hãy đồng hành cùng doanh nghiệp!

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/2/2015 | 9:24:12 AM

YBĐT - Mỗi năm Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái tiêu thụ khoảng trên 70 nghìn tấn sắn tươi cho các xã thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu tại Văn Yên. Tuy nhiên, việc cung ứng nguyên liệu từ nhiều năm nay vẫn chưa có tiếng nói chung dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nông dân Văn Yên tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch sắn lấy đất trồng vụ mới.
Nông dân Văn Yên tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch sắn lấy đất trồng vụ mới.

Theo lãnh đạo Nhà máy, việc mua nguyên liệu bao giờ cũng chú ý đến bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở vùng quy hoạch trồng nguyên liệu để kích thích phát triển sản xuất. Hơn nữa, mua nguyên liệu gần vừa chủ động chế biến vừa giảm được chi phí vận chuyển… Tuy nhiên, nhiều năm nay, Nhà máy vẫn luôn gặp tình trạng vào tháng 10, 11 Dương lịch khi đối tác cần hàng, Nhà máy cần nguyên liệu và mua với giá cao - từ 1.700 - 1.800 đồng/kg thì người dân ở vùng nguyên liệu đại đa số lại ghìm hàng chờ giá khiến Nhà máy phải tìm đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang.

Nhiều khi đến cả thời điểm giữa vụ chế biến mà người dân vẫn chưa chịu thu hoạch. Chỉ đến khi bà con nhận thấy không còn có cơ hội để chờ giá sắn lên cao và cần tiền tiêu tết, cần giải phóng đất cho niên vụ trồng mới thì mới thu hoạch bán cho Nhà máy. Nhưng lúc này việc thu hoạch sắn lại gặp những khó khăn khách quan chi phối như bận thu hoạch vụ đông, khai thác gỗ rừng trồng, gieo cấy lúa xuân và thường gặp mưa dầm… nên sản lượng thu hoạch cũng không cao. Vì thế, vụ chế biến này đến thời điểm cách tết Nguyên đán Ất Mùi khoảng chục ngày mà Nhà máy mới thu mua được gần 40 nghìn tấn sắn (khoảng gần nửa sản lượng sắn của huyện Văn Yên) và giá sắn cũng chỉ ở mức 1.200 đồng/kg.

Được biết, thời vụ chế biến hàng năm thường chỉ kéo dài đến hết tháng 3 (khoảng hết tháng Giêng) vì lúc này thời tiết mưa nhiều, nóng dần khiến sắn mọc lá nhanh và tỷ lệ tinh bột hao hụt tối đa do bột chuyển hóa sang nuôi rễ, thân, lá. Bởi vậy, Nhà máy chỉ xây dựng kế hoạch thu mua 13.500 tấn trong tháng 3 và khoảng 4.500 tấn trong tháng 4. Tuy nhiên, trước tình hình thu hoạch sắn như hiện tại thì Nhà máy sẽ phải tập trung cao độ để thu mua và chế biến, cho dù sản phẩm tinh bột sắn tiêu thụ rất chậm, giá tụt nhiều, cước phí vận chuyển, phí môi trường, nộp bảo hiểm cho người lao động tăng cao…
Giải pháp để tiêu thụ tối đa sắn cho nông dân ở vùng nguyên liệu được Nhà máy đưa ra ngay trước tết Nguyên đán là tiếp tục đẩy mạnh thu mua 24/24 giờ và thanh toán tiền ngay; động viên công nhân chế biến đến ngày 30 tết mới nghỉ và mùng 4 tháng Giêng tiếp tục làm việc; chỉ đạo các đại lý thu mua sắn phổ biến lịch thu mua cho từng xã để tránh việc bà con thu hoạch ồ ạt quá công suất chế biến của Nhà máy... Vấn đề đặt ra là bà con nên tập trung thu hoạch trong tháng Giêng để tránh sắn mọc lá cao sẽ giảm hàm lượng tinh bột trong nguyên liệu thu mua.

Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm cũng khuyến cáo bà con vùng nguyên liệu nên có sự tính toán kỹ lưỡng và đồng hành cùng doanh nghiệp. Quan điểm chỉ đạo của Công ty là khi nào giá tinh bột tăng thì phải mua nguyên liệu cho người dân với giá cao. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay giá sắn luôn ổn định ở mức 1.700 đồng đến 1.800 đồng/kg, lúc đầu vụ chế biến thì bà con nên tranh thủ thu hoạch ngay, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Tâm lý ghìm hàng, chờ giá lên cao luôn mang lại rủi ro cho người dân vì thị trường tiêu thụ tinh bột sắn thường giảm giá vào giữa vụ và cuối vụ thu hoạch.

Đơn cử như niên vụ chế biến này, người dân trông chờ vào sự cạnh tranh giá nguyên liệu giữa nhà máy và các lò sấy thủ công nhưng đến khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, các lò sấy thủ công không hoạt động thì lượng sắn tồn lớn, giá thấp. Thiệt thòi của nông dân cũng dẫn đến thiệt hại cho cả doanh nghiệp do lúc đầu vụ phải đi mua sắn ở nơi xa, cuối vụ phải tiêu thụ một lượng lớn sắn trong vùng nguyên liệu đã suy giảm trầm trọng lượng tinh bột và chi phí chế biến, tiêu thụ lớn mà hiệu quả thấp.

Niên vụ trồng sắn mới đã bắt đầu và với những khuyến cáo trên rất mong nhà nông nên có sự tính toán kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm nay để tạo sự đồng hành về lợi ích kinh tế giữa nhà nông và doanh nghiệp.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục