Làm gì để Hưng Khánh trở thành trung tâm kinh tế?

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/5/2015 | 2:59:53 PM

YênBái - YBĐT - Cùng với thị trấn Cổ Phúc và xã Báo Đáp, xã Hưng Khánh được huyện Trấn Yên xác định là một trong ba trung tâm của huyện, với kỳ vọng thị tứ Hưng Khánh phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội và là động lực phát triển cho cả một vùng rộng lớn gồm các xã: Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Hồng Ca…

Người dân thôn Khe Năm làm đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn Khe Năm làm đường giao thông nông thôn.

Cùng với sự quan tâm, đầu tư Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, Hưng Khánh đã có những bước tiến đáng kể nhưng nhìn một các tổng thể, đây vẫn là một xã nghèo, kém phát triển và hoàn toàn chưa xứng với sự kỳ vọng.

Không thể so sánh với thị trấn Cổ Phúc - trung tâm huyện lỵ với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhưng nếu đem Hưng Khánh mà so với xã Báo Đáp thì đúng là hai địa phương (hai trung tâm) vẫn còn một khoảng cách lớn. Báo Đáp vừa vinh dự là xã thứ hai của tỉnh (sau Tuy Lộc) đón nhận Quyết định công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” với 19/19 tiêu chí đều hoàn thành, trong đó nổi bật là xây dựng kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa…, đời sống người dân khấm khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp và dịch vụ - thương mại.

Tiềm năng, lợi thế có nhưng kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 vừa qua ở Hưng Khánh khiêm tốn hơn. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV chỉ rõ: cơ cấu nông - lâm nghiệp chiếm 45%, công nghiệp - xây dựng chiếm 10%, 45% còn lại trong cơ cấu kinh tế là thương mại, dịch vụ và thu nhập khác. Bình quân thu nhập đến hết năm 2014 đạt 18 triệu đồng/người/năm. Không phủ nhận những kết quả đã đạt được nhưng những kết quả ấy thực sự chưa xứng tầm. Điểm lại kết quả thực hiện chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để rõ hơn vấn đề này.

Với Chương trình “Duy trì, đầu tư thâm canh diện tích lúa nước, đưa vụ ba trên đất hai lúa thành vụ sản xuất chính chủ yếu là rau màu”, nhờ những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là các cuộc cách mạng về giống đã giúp nông dân có được những mùa vụ bội thu, năng suất lúa bình quân đạt 104 tạ/ha/năm, địa phương đã cơ bản bảo đảm được nhu cầu về lương thực, tuy nhiên, người dân Hưng Khánh vẫn chưa tích cực trồng màu, nhất là cây rau màu trên đất hai vụ lúa (đến nay diện tích này mới chỉ đạt 36ha/năm), vì vậy, hệ số sử dụng đất mới chỉ đạt 2,19 lần; thu nhập bình quân trên một đơn vị canh tác còn thấp, đặc biệt là việc canh tác của nông dân chưa gắn với thị trường, nền sản xuất vẫn mang nặng tính tự cung, tự cấp, chưa chuyển sang sản xuất hàng hóa. Ghé qua chợ Hưng Khánh thấy bán khá nhiều rau và trứng nhưng phần đa trong số đó là rau Vĩnh Tường, trứng gà công nghiệp mới thấy buồn cho đồng đất xung quanh và tiếc cho nông dân trong xã.

Là xã trọng điểm chè của huyện, việc xây dựng và thực hiện Chương trình “Nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, chú trọng phát triển cây chè lai” là một chủ trương hết sức đúng đắn; đã có 108,2ha trên tổng số 260ha chè toàn xã là chè chất lượng cao (riêng nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã cải tạo 51ha chè già cỗi) là kết quả rất đáng mừng. Chúng ta đều biết, sản phẩm chè xanh Bát Tiên, Phúc Vân Tiên thực sự là những món hàng đặc sản, giá trị cao, đem lại thu nhập khá cho người làm chè. Với những lợi thế đó, chắc chắn, diện tích chè đặc sản ở Hưng Khánh sẽ còn tăng thêm thời gian tới. Nhưng đúng như nhận định của Đảng bộ xã: “Người dân chưa thật sự quan tâm đến việc chăm sóc và phát triển cây chè, cũng như việc thu hái không đúng kỹ thuật đã phần nào làm ảnh hưởng đến chương trình nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển cây chè lai”.

Việc xây dựng thương hiệu “chè Hưng Khánh” chỉ dừng lại ở việc đầu tư sản xuất, qua đó mới chỉ thành lập được các tổ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với 32,8ha, 42 hộ tham gia. Trong khi các xã bạn như: Hồng Ca, Quy Mông, Kiên Thành nông dân đang hả hê với nhưng mùa tre măng Bát Độ, hàng trăm hộ gia đình thu lợi từ 50 đến 60 triệu đồng tiền bán măng mỗi vụ thì Chương trình “Chăm sóc, thu hoạch diện tích tre Bát Độ lấy măng” ở Hưng Khánh đang rất “có vấn đề”. Toàn xã có 126ha măng nhưng chỉ có 97ha cho sản phẩm và có hiệu quả; sản lượng măng bình quân đạt 700 tấn.

Làm gì để Hưng Khánh phát triển mạnh, sớm trở thành trung tâm kinh tế - xã hội như mục tiêu mà Trấn Yên đã đề ra? Không có cách gì khác ngoài việc khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương cùng sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước. Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2015, xã mới chỉ kiên cố hóa 5,2km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số được giao thông nông thôn được kiên cố hóa lên 18,35km.

Đó là những con số hết sức khiêm tốn đối với một xã rộng lớn như Hưng Khánh, đồng nghĩa với việc còn rất nhiều tuyền đường liên thôn, liên xóm lầy lội, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Chứng kiến người dân thôn Khe Năm hồ hởi làm đường mới thấy người dân nơi đây “khát đường” đến nhường nào! Cán bộ và người dân nơi đây đều cho biết: “Chỉ cần Nhà nước cho xi măng là người dân làm được đường bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Các chương trình kinh tế đã được xây dựng và triển khai nhưng cần cụ thể và mạnh mẽ hơn, trong đó, cần quan tâm đến các yếu tố giống, vốn, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Vẫn mảnh ruộng, bãi màu ấy nhưng người nông dân phải biết gắn sản xuất với thị trường và chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa. Một xã rộng lớn, ngành nghề phụ không nhiều mà toàn xã chỉ có 270 con trâu, 98 con bò và lời biện minh “Trâu bò kém phát triển vì nhu cầu sức kéo giảm” thật khó chấp nhận! Nuôi trâu bò là để lấy thịt chứ không còn là chuyện kéo cày; bãi chăn thả thu hẹp thì phải chuyển nhanh sang chăn nuôi bán công nghiệp, đó mới là tư duy kinh tế. Hơn 100ha chè chất lượng cao cần được chế biến để làm ra những túi chè xanh đặc sản mang thương hiệu Hưng Khánh; diện tích rau màu cũng cần mở rộng nhằm tạo ra nguồn hàng lớn, góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Vẫn biết trình độ dân trí của xã thấp hơn nhiều xã khác của huyện Trấn Yên, tiềm năng, lợi thế đi kèm với trở ngại, thách thức nhưng Hưng Khánh nhất thiết phải có sự chuyển mình mạnh mẽ từ chính nội lực và sự quan tâm của huyện. 9/19 tiêu chí về nông thôn mới vẫn chưa đạt được, trong đó, có rất nhiều tiêu chí khó, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, sớm trở thành xã nông thôn mới, là một trong ba trung tâm của huyện để Hưng Khánh xứng đáng với truyền thống của một mảnh đất anh hùng.

Lê Phiên

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục