Người Si Ma Cai trồng tam giác mạch làm du lịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/5/2015 | 2:54:43 PM

YênBái - YBĐT - Từ mô hình làm du lịch của tỉnh bạn, hy vọng, những người dân vùng cao Yên Bái sẽ có những tư duy mới về cách làm du lịch sinh thái; đặc biệt, ở những địa phương có địa hình dốc, không trồng được cây lương thực vào mùa thu, có điều kiện thổ nhưỡng gần giống như Si Ma Cai, góp phần thu hút khách du lịch đến với Yên Bái ...

Nhiều bạn trẻ ở khắp mọi nơi đến vườn hoa tam giác mạch ở Lử Thần, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tham quan và chụp ảnh làm kỷ niệm.
Nhiều bạn trẻ ở khắp mọi nơi đến vườn hoa tam giác mạch ở Lử Thần, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tham quan và chụp ảnh làm kỷ niệm.

Tháng 5, lên xã Lử Thần, Si Ma Cai (Lào Cai) lạc vào vườn hoa tam giác mạch, tôi cảm thấy mình như trẻ lại ở tuổi đôi mươi... Ánh nắng đầu hè vàng óng ả khiến không gian càng trở lên tươi sáng, trong lành. Tôi hít sâu vào lồng ngực luồng sinh khí của đất trời rồi ngửa mặt ngắm những đám mây trắng bồng bềnh lững thững trôi trên nền trời xanh. Xa xa, rừng thông với dáng đứng hiên ngang, trầm mặc, bao quanh vườn hoa tam giác mạch như những người lính gác. Trong lãng đãng của chốn phù vân, tôi như thấy mình được nhuộm hồng bởi màu hoa rực rỡ... Anh bạn người Mông Giàng Seo Chu vừa dẫn đường cho tôi vừa giới thiệu về loài hoa này và những ngày đầu trồng hoa đầy khó khăn cùng niềm vui ngày thu hoạch.

Chu kể: “Tháng 10/2013, mình theo bạn đi chợ trâu ở Hà Giang, dọc đường, thấy hoa này nở nhiều lắm. Lúc đầu, mình thắc mắc tại sao mọi người vào trong đó làm gì mà cứ lắc, nghiêng, cười nhiều kiểu lắm. À! Thì ra họ chụp ảnh. Hôm sau, mình xuống bản, gặp bạn, nó bảo, hoa này tên là tam giác mạch, trồng để làm du lịch. Mình hỏi, tại sao không trồng ngô? Bạn mình nó bảo, trồng ngô trái vụ không có hạt, vất vả, trồng hoa này có tiền luôn, chỉ việc trông không để trâu bò phá. Mình về xã nói chuyện với các bạn trong bản, mọi người bảo mình làm thử. Mình hỏi vợ, nó bảo thích làm thì làm nhưng mà không có mèn mén nuôi con là không được. Bố mẹ mình bảo, mày cứ lo trồng hoa thì lấy hoa ăn à? Mình suy nghĩ kỹ và vẫn quyết làm. Thế là, tháng 11 năm đó, mình rủ Sáng Seo Sử cùng xã sang Hà Giang mua hạt về trồng. Ban đầu, chỉ trồng trong sân nhà, ai đến cũng khen đẹp. Mấy anh cán bộ huyện về xã họp, hỏi mình trồng hoa đẹp thế này cho chụp ảnh nhờ nhé, mình thấy hay hay. Năm sau, mình trồng tại những vùng đất đã thu hoạch ngô xong. Hoa phát triển tốt, đậm màu, lác đác cũng có người đến thăm quan. Vụ đó, mình thu về gần chục triệu đồng tiền cho thuê chụp ảnh và làm xe ôm. Vụ năm nay mình trồng 3ha hoa. Từ cuối tháng Tư đến giờ, rất nhiều khách đến chơi và thăm quan, chụp ảnh làm kỷ niệm”.

Vốn là loài hoa sinh trưởng ở điều kiện vùng núi khắc nghiệt nên tam giác mạch không khó trồng. Thời điểm tốt nhất để trồng là vào tháng Tám. Ở thời điểm này, các yếu tố về độ ẩm, ánh sáng sẽ thuận lợi nhất để cây phát triển và ra hoa sau từ 4 - 8 tuần.Ở mỗi vùng, bà con lại áp dụng các cách khác nhau để ươm mầm, có nơi gieo hạt sâu 2,5cm dưới đất, ngay hàng, thẳng lối; có vùng, bà con chỉ cần gieo hạt vào đất ẩm.

Chia tay Giàng Seo Chu, tôi tìm đến vườn hoa của Sáng Seo Sử - người cùng xã. Khách du lịch rất đông, hầu hết từ Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái đến tham quan và chụp ảnh. Sử chia sẻ: “Loại hoa này không kén đất đâu, ở trên này quanh năm lạnh giá, mỗi năm, chỉ có vài tháng hè là nắng to thôi nhưng đêm về lại lạnh nhưng hoa vẫn phát triển tốt, không phải chăm sóc hay làm cỏ vì gieo hạt rất dày nên khi cây đã mọc, cỏ không còn chỗ lên nữa”. Tôi hỏi: “Vườn hoa nhà mình đã rộng nhất xã chưa?” Sử bảo: “Vườn hoa của mình rộng 2ha chỉ sau nhà Chu thôi. Trong xã cũng có gần trăm nhà trồng nhưng mỗi nhà chỉ trồng một vài sào thôi. Cả tháng nay, mình ngủ tại vườn luôn, ai có nhu cầu chụp ảnh mình thu tiền. Nếu muốn đi xe ôm thì mình gọi anh em trong bản phục vụ, khách cũng vui, người lái xe ôm cũng vui lắm!”. Tôi nhìn Sử cười hỏi: “Mỗi giờ với giá 20.000 đồng/người lớn, 10.000 đồng/trẻ từ 10 - 15 tuổi, trẻ nhỏ miễn phí như vậy thì thu nhập cao lắm nhỉ?” Sử cười bảo: “Cũng sướng hơn trồng ngô nhưng mà hoa này cũng phải chọn địa hình đẹp, theo bậc hoặc nơi đất thoai thoải rộng. Có thế hoa mới đẹp, khách mới thích”. Những người dân trong xã giờ đã có thêm một nguồn thu nhập trong những ngày giáp hạt từ việc lái xe ôm, giới thiệu và đưa khách đi tham quan vườn hoa tam giác mạch.

Vườn hoa của anh Giàng Seo Chu được trồng với diện tích 3 ha lớn nhất xã Lử Thần.

Anh Giàng Seo Phờ - một người lái xe ôm cho biết: “Hôm nào, nhiều khách đến chụp ảnh, tớ cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, nói chung là nhàn hơn trồng cây khác. Tớ thích cả xã trồng hoa để nhiều người đến hơn”.

Được biết, phong trào trồng hoa tam giác mạch ở Si Ma Cai mới phát triển từ năm 2014, tuy nhiên, theo người dân địa phương, hoa phát triển tốt, bông thắm, thân mập, lâu tàn. Nhờ đó, hàng nghìn lượt khách đã đến Lử Thần thăm quan. Đặc biệt, năm nay, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân gieo trồng thêm vụ xuân hè, được coi là trái vụ để thu hút khách.

Từ mô hình làm du lịch của tỉnh bạn, hy vọng, những người dân vùng cao Yên Bái sẽ có những tư duy mới về cách làm du lịch sinh thái; đặc biệt, ở những địa phương có địa hình dốc, không trồng được cây lương thực vào mùa thu, có điều kiện thổ nhưỡng gần giống như Si Ma Cai, góp phần thu hút khách du lịch đến với Yên Bái nhiều hơn ngay cả khi Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải chưa bắt đầu. Các ngành chức năng cần hướng dẫn người dân cách gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ. Khi làm được như vậy, tin rằng, du lịch Yên Bái sẽ hấp dẫn du khách gần xa.

 Nguyễn Thanh

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục