Văn Chấn: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững hơn

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/10/2015 | 4:03:40 PM

YênBái - YBĐT - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng.

Trong 5 năm tới, Văn Chấn quy hoạch phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao 900ha vùng cánh đồng Mường Lò.
Trong 5 năm tới, Văn Chấn quy hoạch phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao 900ha vùng cánh đồng Mường Lò.

Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; các ngành, nghề, sản phẩm có lợi thế của huyện được phát triển có hiệu quả... Những kết quả đó đã tạo tiền đề thuận lợi để Văn Chấn tiếp tục vươn lên phát triển toàn diện, bền vững những năm tới...

Phát triển theo quy hoạch

Văn Chấn đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và trong từng ngành kinh tế. Nhờ đó, những năm qua, cơ bản không xảy ra tình trạng phát triển tràn lan dẫn đến khó kiểm soát và quản lý. Kinh tế nông nghiệp là một ví dụ. Tăng trưởng kinh tế 5 năm qua của huyện đạt 15%, có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế nhưng Văn Chấn vẫn là huyện nông nghiệp. “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế nào để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hóa là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cấp thiết. Muốn vậy, quy hoạch phải đi trước, có định hướng, có dự báo, có điều chỉnh bổ sung phù hợp với sự phát triển của từng giai đoạn” - Bí thư Huyện ủy Trần Văn Mộc trao đổi.

Với quan điểm đó, Đảng bộ huyện Văn Chấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch phát triển sản xuất lúa hàng hóa tại các xã vùng cánh đồng Mường Lò; vùng cao và thượng huyện quy hoạch và phát triển vùng chè; lúa chất lượng cao, đặc sản tại cánh đồng Tú Lệ; các xã vùng ngoài quy hoạch sản xuất chè, phát triển cây ăn quả có múi như cam, quýt...

Quy hoạch vùng sản xuất đã tạo cơ sở thuận lợi để tập trung các nguồn lực đầu tư về khoa học kỹ thuật, vốn, gắn sản xuất với chế biến, thuận lợi trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu giống, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa. Ví dụ như vùng cây ăn quả, huyện đã trồng thử nghiệm thành công giống cam V2 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Thượng Bằng La; phát triển mô hình trồng cam V2 chín muộn tại xã Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An; đưa giống cam Đường canh vào trồng tại xã Minh An. Tới nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt 2.400ha, tổng sản lượng quả tươi 12.500 tấn. Riêng cam, đã phát triển diện tích trên 650ha, chủ yếu là giống cam sành, Đường canh có giá trị kinh tế cao, sản lượng quả tươi đạt trên 6.000 tấn/năm, nông dân thu từ 120 - 130 tỷ đồng/năm.

Nhờ làm tốt quy hoạch, tạo thuận lợi cho tập trung đầu tư nên sản lượng lương thực có hạt của Văn Chấn năm 2015 đạt 62.662 tấn, vượt mục tiêu đề ra; lương thực bình quân đầu người 412kg/năm; sản lượng chè búp tươi đạt 45.000 tấn, chiếm 50% sản lượng chè toàn tỉnh. Đáng chú ý, quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã gắn kết và có sự điều chỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể và chi tiết từng địa phương khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần để 16/28 xã của huyện đã đạt từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó 8 xã đạt từ 8 - 12 tiêu chí.

Công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng làm khâu đột phá

Đồng chí Trần Văn Mộc - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn:

“Đảng bộ tiếp tục xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống của nhân dân. Ba khâu đột phá là phát triển công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến chè, lúa gạo đặc sản, nhằm giải quyết ổn định đầu ra cho nông sản, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, tăng thu nhập cho nông dân. Cùng với thu hút đầu tư vào các vùng nguyên liệu, gắn công nghiệp chế biến với sản xuất, Văn Chấn tập trung phát triển mạnh các thành phần kinh tế, củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ hợp tác và hợp tác xã tại các vùng nguyên liệu; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân; phát triển các mối liên kết chặt chẽ giữa nông hộ với doanh nghiệp, tổ chức khoa học, dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm”.

Chủ tịch UBND huyện Hồ Đức Hợp cho biết: “5 năm qua, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tăng thêm năng lực sản xuất, đóng góp cho ngân sách địa phương như Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, Nhà máy Thủy điện Ngòi Hút 2, Nhà máy Tuyển quặng sắt của Công ty TNHH Một thành viên phát triển số I Hải Dương, Nhà máy sản xuất Tinh dầu quế xã Sơn Lương... Văn Chấn đã thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Sơn Thịnh, tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 504 tỷ đồng, vượt 104 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra và tăng 279 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ”.

Kinh tế của địa phương chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, phát triển công nghiệp còn là “cú huých” thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển và chuyển dịch nhanh hơn. Nhưng để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp chuyển dịch nhanh, phát triển nhanh thì đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hệ thống cơ sở hạ tầng vùng cao, đặc biệt khó khăn và giao thông nông thôn vùng thấp, vùng trọng điểm kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Văn Chấn đã có nhiều cách làm sáng tạo, vận dụng linh hoạt, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông vùng kinh tế trọng điểm phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Trong 5 năm, đã có 403 công trình được đầu tư xây dựng và 368 công trình hoàn thành, phát huy hiệu quả. Huyện đã kiên cố hóa 100km đường bê tông xi măng, 4km đường nhựa, 207km đường cấp phối, mở mới 110km đường đất. Giai đoạn 2011 - 2015, cũng là giai đoạn có tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn nhất từ trước tới nay với tổng nguồn vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, vượt 15,2% mục tiêu Đảng bộ huyện đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua của Văn Chấn đạt 15% là tốc độ tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng cao như vậy là có phần thúc đẩy quan trọng của hai khâu đột phá là công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển giao thông.

Để phát triển nhanh và bền vững hơn!

Với Văn Chấn, nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế 5 năm tới là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Huyện sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp; quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu này, huyện tập trung vào những chương trình, dự án rất cụ thể. Ví dụ như xây dựng ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao 900ha ở các xã Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Hạnh Sơn, Sơn A và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ; xây dựng và triển khai Dự án phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản Tú Lệ với diện tích 100ha, Dự án phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng diện tích 400ha gắn với bảo vệ và quảng bá nhãn hiệu “Chè Suối Giàng”; triển khai Đề án giao đất, giao rừng gắn với quy hoạch, xây dựng vùng tre măng Bát độ, Điền trúc tại một số xã vùng ngoài; quy hoạch phát triển và xây dựng thương hiệu “Cam Văn Chấn” và thực hiện Đề án quy hoạch, phát triển, cải tạo bền vững vùng cây ăn quả cam, quýt bằng các giống mới, giống chín muộn có giá trị kinh tế cao (diện tích 1.000ha tập trung ở Minh An, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú); cải tạo vùng nhãn ăn quả bằng các giống chín muộn tại các xã khu vực cánh đồng Mường Lò. Phối hợp, liên kết đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống cây ăn quả có múi tại thị trấn Nông trường Trần Phú...

Chủ tịch UBND huyện Hồ Đức Hợp nhấn mạnh: Huyện tiếp tục xác định 3 khâu đột phá phát triển kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch tổng thể của tỉnh và của huyện; huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn. Trong giao thông nông thôn, ưu tiên cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường Sơn Lương - Sùng Đô - Nậm Mười; Phù Nham - Suối Quyền; Liên Sơn - An Lương. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 50% các tuyến đường liên thôn, bản thuộc các xã vùng cao được rải cấp phối hoặc đường bê tông xi măng (theo tiêu chuẩn đường cấp A+B); 100% các tuyến đường liên thôn bản các xã vùng thấp được bê tông hóa hoặc rải cấp phối theo tiêu chuẩn đường cấp A giao thông nông thôn; 90% các tuyến đường huyện đến các xã được cải tạo nâng cấp bê tông xi măng, nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp V hoặc theo tiêu chuẩn đường cấp A giao thông nông thôn. Công nghiệp tiếp tục là một khâu đột phá, trọng tâm là công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nông - lâm sản, gắn với xử lý môi trường, hạn chế tối đa lãng phí tài nguyên; đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Sơn Thịnh theo quy hoạch của tỉnh và đẩy mạnh thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, lấp đầy cụm công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp khai thác, chế biến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn.

Tuấn Anh

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề làm nấm rơm tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2023, huyện Mù Cang Chải được giao vốn trên 142 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 136,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân 124,2 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch.

Giá vàng miếng SJC giảm sau 2 ngày tăng mạnh.

Sáng nay (26/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều bất ngờ giảm sau khi tăng mạnh 2 ngày qua. Theo đó, giá vàng miếng quanh mốc 84 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 75 triệu đồng/lượng.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn

Ngành thuế triển khai ứng dụng tự động gửi thông báo cho người nộp thuế là người bán thuộc Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử; đồng thời gửi thông báo đối với cả người mua của những người bán bị cảnh báo này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục