Mù Cang Chải tập trung phát triển kinh tế rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/10/2015 | 3:15:06 PM

YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực vươn lên giành nhiều kết quả trong sản xuất nông lâm nghiệp. Diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng đã có bước phát triển vượt bậc góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Một số sản phẩm nông lâm nghiệp đã trở thành hàng hóa như: sơn tra, thảo quả, gà đen, lợn địa phương… đã nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện.

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải hướng dẫn đồng bào Mông sử dụng giống sơn tra trồng dưới tán rừng phòng hộ.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải hướng dẫn đồng bào Mông sử dụng giống sơn tra trồng dưới tán rừng phòng hộ.

Ở một địa phương miền núi có trên 10.300 hộ dân, trong đó đồng bào Mông chiếm trên 90%, số hộ sản xuất nông nghiệp có khoảng 9.000 hộ mà có trên 9.000 ha cây trồng cây hàng năm là một điều đáng ghi nhận. Trong đó, diện tích trồng 2 vụ lúa tăng, diện tích lúa nương kém hiệu quả cơ bản chuyển sang trồng ngô, chăn nuôi tăng trưởng liên tục, nhờ đó mà 2 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp vượt cao so với nghị quyết phấn đấu trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, đó là tổng sản lượng lương thực có hạt vượt 28%, tăng trưởng đàn gia súc chính vượt 20%. Phong trào ba xanh “xanh nhà, xanh rừng, xanh đồng ruộng” đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ, thực hiện mục đích phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân thiết thực nhất.

Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải trao đổi: “Gần đây, toàn bộ diện tích rừng bảo vệ trên địa bàn huyện đã có chủ. Rừng được bàn giao tới nhóm hộ quản lý bảo vệ. Tình trạng chặt phá, xâm lấn phát đốt vào rừng giảm rõ rệt. Trong 5 năm qua, Ban quản lý đã thực hiện trồng mới 3.740 ha, bảo vệ rừng các loại gần 48.000 ha, góp phần phát huy được chức năng phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai, đời sống người làm rừng được nâng lên để có thể gắn bó với rừng”.

Thực tế đó đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân, cải tạo tập quán du canh, du cư, phá rừng làm nương, quan tâm chăm sóc và quản lý, khai thác có hiệu quả 1.700 ha cây sơn tra, 1.421 ha cây thảo quả và trên 755 ha chè. Hằng năm 800 ha cây sơn tra đã cho thu hoạch, sản lượng quả tươi đạt 2.200 - 2.500 tấn; sản lượng thảo quả tươi đạt 850 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 80 tấn/ năm góp phần tăng thu nhập cho người dân. Kết quả này là cơ sở để Mù Cang Chải tiếp tục phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo, trọng tâm là phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế đồi rừng.

Tuy nhiên vẫn có những trở ngại, trong đó có tư tưởng bằng lòng của người dân trong sản xuất. Đồng bào chỉ làm miễn sao đủ ăn, chưa có tư tưởng làm ra để bán, chưa chịu đổi mới vươn lên làm giàu, thậm trí còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Chính vì vậy, huyện tiếp tục chủ trương phát huy vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương trong lãnh đạo, điều hành; đồng thời phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể vận động nhân dân thay đổi hơn nữa nhận thức của người dân trong sản xuất, gắn với tuyên truyền về luật bảo vệ và phát triển rừng, tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào đối với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó là giải pháp tăng cường hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác và định hướng giải quyết đầu ra sản phẩm cho người nông dân, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sơn tra và một số sản phẩm khác từ rừng, tạo ra các mặt hàng nông lâm sản có giá trị kinh tế cao và có lợi thế tiêu thụ trên thị trường. Huyện cũng đã chủ trương xây dựng Đề án “Quản lý cây thảo quả, phát triển cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ, gắn với phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2015 - 2020” với mục tiêu diện tích cây sơn tra đạt khoảng 1.800 ha và trên 1.400 ha cây thảo quả.

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Đối với sản xuất lâm nghiệp ở Mù Cang Chải, chúng tôi xác định tập đoàn cây trồng phải được lựa chọn, làm sao vừa có tác dụng phòng hộ, vừa có giá trị kinh tế. Ngoài việc chọn các loài cây như sơn tra, vối thuốc dưới tán rừng phòng hộ, chúng tôi sẽ nghiên cứu, thử nghiệm trồng thêm các loại cây dược liệu như đẳng sâm, đương quy ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Huyện sẽ chú trọng xây dựng, phát triển kinh tế trang trại theo mô hình vườn - chuồng - rừng, đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất”.

Đảng bộ huyện đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 là: đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là việc quy hoạch mở rộng, phát triển diện tích cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ và củng cố diện tích cây chè hiện có; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng xuất lao động, củng cố và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Cùng đó là sự huy động tham gia tích cực của các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, kinh tế rừng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải trong những năm tới đây.

Minh Quang

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục