Mù Cang Chải: Thu từ rừng để nuôi rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 2:53:21 PM

YBĐT - Với việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong 5 năm qua, huyện Mù Cang Chải đã trồng được gần 3.000 ha rừng, đưa độ che phủ rừng toàn huyện đạt 65%.

Năm 2015 có 8.612 lượt hộ gia đình ở Mù Cang Chải được thụ hưởng với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng.
Năm 2015 có 8.612 lượt hộ gia đình ở Mù Cang Chải được thụ hưởng với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, cũng như bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Hàng nghìn hộ dân hưởng lợi

Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải được thiên nhiên ưu đãi cho tài nguyên rừng phong phú, toàn xã có trên 17.618 ha rừng, chiếm hơn 73% diện tích toàn xã. Toàn xã có 328 hộ dân với 2.192 nhân khẩu. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó thu nhập chính từ rừng.

Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi một phần cuộc sống của người dân, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo. Chia sẻ niềm vui khi được nhận tiền DVMTR, ông Giàng A Dờ -  Trưởng bản Háng Tày cho biết: “Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR, đời sống bà con trong bản đã được cải thiện, bà con rất phấn khởi, tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng”.

Đồng chí Giàng A Thênh - Phó Chủ tịch UBND xã Chế Tạo phấn khởi thông tin: "Tính riêng năm 2015, tổng số tiền xã nhận được từ DVMTR là 6 tỷ đồng. Số tiền được chi trả đến tận tay người dân. Từ số tiền này, nhiều hộ dân đã có tiền mua lương thực dự trữ lúc giáp hạt, mua sắm được những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Bà con trong xã rất phấn khởi vì việc giữ rừng đã được hưởng lợi. Bà con trong thôn, trong xã bảo nhau giữ rừng là có nguồn nước cung cấp cho nhà máy thủy điện sẽ có tiền trang trải cuộc sống”.

Qua rà soát, trung bình hàng năm, huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 61.000 ha rừng nằm trong lưu vực thuộc 2 con sông Hồng và sông Đà được chi trả phí môi trường rừng. Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đến nay, các đơn vị chủ rừng, Ban Chi trả huyện Mù Cang Chải đã nhận trên 89,846 tỷ đồng và thanh toán kịp thời tới 31.812 lượt hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng.

Cụ thể, theo số liệu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thì từ nguồn DVMTR, thu nhập của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng hàng năm tăng lên đáng kể. Năm 2012, có 7.485 hộ gia đình thụ hưởng chính sách với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng thì đến năm 2015 có 8.612 lượt hộ gia đình được thụ hưởng với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng.

Với việc thực hiện tốt chính sách này, trong 5 năm qua, huyện Mù Cang Chải đã trồng được gần 3.000 ha rừng, đưa độ che phủ rừng toàn huyện đạt 65%. Đời sống của hơn 30.000 lượt hộ dân làm nghề rừng được cải thiện đáng kể.

Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: “Tính riêng năm 2015, tổng diện tích rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải được nhận phí DVMTR là trên 40.000 ha với số tiền chi trả trên 15 tỷ đồng. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chính sách DVMTR đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các xã và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR, người dân đã nhiệt tình hơn trong công tác trồng, chăm sóc rừng và tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng từng bước hạn chế”.

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách

Sau 5 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xã hội hóa nghề rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đơn giá chi trả trên phạm vi một huyện nhưng không đồng đều do sự chênh lệch giữa các lưu vực lớn. Cụ thể, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có những năm đầu nguồn sông Hồng thấp hơn đầu nguồn sông Đà đến hơn 10 lần.

Trong khi đó, nhận thức của người dân chưa cao, chưa hiểu hết các chính sách đầu tư của Nhà nước, dẫn đến nhiều thắc mắc, kiến nghị của người dân. Việc thanh toán tiền DVMTR trên địa bàn huyện còn chậm, chưa kịp thời động viên được người dân nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị sử dụng tài nguyên nợ đọng, chậm thực hiện việc chuyển tiền về Quỹ.

Cùng với đó vì nhiều lý do khác nhau nên việc chi trả tiền DVMTR ở nhiều xã đang thực hiện chia bình quân theo nhân khẩu, cụm thôn bản nên chưa tạo ra sự công bằng, dẫn đến chưa khuyến khích được những người có ý thức, trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ rừng, chưa gắn được lợi ích và trách nhiệm của từng chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.

Việc xác định ranh giới, diện tích rừng đối với các nhóm hộ nhận khoán gặp nhiều khó khăn do diện tích rừng tập trung ở những nơi núi cao, hiểm trở. Tình trạng cháy rừng vẫn còn diễn ra, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã xảy ra 4 vụ cháy làm thiệt hại 125,7 ha rừng.

Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách DVMTR, các bộ, ngành trung ương cần sớm xây dựng chế tài và cách thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các đơn vị sử dụng DVMTR chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình. Công tác rà soát diện tích, lập danh sách, tiến hành giao khoán ngoài thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, bản phải công khai, minh bạch; số tiền chi trả phải rõ ràng để nhân dân biết, tham gia kiểm tra, giám sát, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, các chủ rừng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng để người dân hiểu rõ bảo vệ rừng tốt đồng nghĩa với việc có dịch vụ cung ứng tốt thì có thêm nguồn thu. Có như vậy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR mới đạt hiệu quả, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Văn Thông

Các tin khác
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề làm nấm rơm tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2023, huyện Mù Cang Chải được giao vốn trên 142 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 136,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân 124,2 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch.

Giá vàng miếng SJC giảm sau 2 ngày tăng mạnh.

Sáng nay (26/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều bất ngờ giảm sau khi tăng mạnh 2 ngày qua. Theo đó, giá vàng miếng quanh mốc 84 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 75 triệu đồng/lượng.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn

Ngành thuế triển khai ứng dụng tự động gửi thông báo cho người nộp thuế là người bán thuộc Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử; đồng thời gửi thông báo đối với cả người mua của những người bán bị cảnh báo này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục