Sản xuất vụ mùa: Vượt áp lực thời vụ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2016 | 9:43:36 AM

YBĐT - Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

Nông dân huyện Văn Chấn tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Nông dân huyện Văn Chấn tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Bước vào sản xuất vụ mùa, nhà nông gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực về thời vụ do ảnh hưởng từ vụ xuân để lại. Song với phương châm “gặt đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó”; áp dụng linh hoạt khung lịch thời vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao… nên đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

Theo kế hoạch vụ mùa này, toàn tỉnh phấn đấu đưa vào gieo cấy trên 21.000 ha lúa, năng suất 47,3 tạ/ha, sản lượng 99.320 tấn. Tuy nhiên, do đầu vụ xuân 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt rét đậm, rét hại kèm băng tuyết kéo dài nên 17,67 ha mạ bị chết, hơn 643 ha lúa ở các huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải bị chết phải gieo cấy lại. Phản ứng dây chuyền đã làm cho sản xuất vụ mùa trở nên chật vật về khung thời vụ.

Lường trước những khó khăn kể trên, ngành nông nghiệp đã triển khai phương án sản xuất lúa mùa từ rất sớm. Đặc biệt, việc bố trí cơ cấu giống, thời vụ đóng vai trò quan trọng vì tác động rất lớn đến quỹ đất cho sản xuất vụ đông. Vì vậy, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương cần chỉ đạo sát, nghiêm túc triển khai cơ cấu trà mùa sớm chiếm 50% diện tích. Đối với trà lúa mùa sớm, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao chống chịu sâu, bệnh và ngoại cảnh bất thuận của thời tiết.

Bên cạnh công tác chuẩn bị giống, công tác thủy lợi phục vụ nước tưới cũng đã được triển khai. Ngành nông nghiệp đã chủ động kiểm tra các hồ chứa, công trình thủy lợi bảo đảm nước cho sản xuất vụ mùa. Các huyện, thị, thành phố chỉ đạo bà con nông dân các địa phương tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng; rà soát lại kế hoạch diện tích gieo trồng và năng lực tưới của hệ thống thủy lợi để có biện pháp, kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh việc chuẩn bị vật tư phục vụ cho sản xuất, ngành nông nghiệp, các huyện, thị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với phương châm “sáng lúa xuân, chiều lúa mùa”; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: làm mạ khay, giống lúa phù hợp, bón phân cân đối..., bảo đảm năng suất, chất lượng cao nhất. Nhờ những định hướng phù hợp với thực tế của ngành nông nghiệp cùng sự chủ động, tích cực của bà con nông dân, tính đến ngày 19/7/2016, các địa phương trong tỉnh đã gieo cấy 21.705 ha lúa mùa, bằng 103,4% kế hoạch.

Những ngày qua, đến một số địa phương, chúng tôi đều bắt gặp không khí lao động khẩn trương của nhà nông, nhiều gia đình huy động hết nhân lực xuống đồng, chạy đua với thời gian. Chị Nguyễn Thị Hương ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên cho biết: “Nhà tôi có hơn 9 sào ruộng; trong đó, cấy 2 sào giống lúa Khang Dân, còn lại chủ yếu là giống Chiêm Hương. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình huy động toàn bộ nhân lực làm vụ mùa sớm để trồng cây ngô đông”.

Tại huyện Văn Chấn, nơi được coi là vựa lúa của tỉnh, đến thời điểm này, nhà nông cũng đã hoàn thành gieo cấy 4.150 ha lúa mùa. Chị Hoàng Kim Thoa, thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn cho biết: “Gia đình tôi có 4.000 m2 ruộng, mấy năm gần đây đều đưa 100% giống lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy làm hàng hóa, giá trị cao gấp 1,5 lần giống lúa thường”.

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải do vụ xuân chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kèm băng tuyết nên nhiều diện tích lúa phải cấy lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà con nông dân cũng đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa.

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: “Để sản xuất lúa mùa bảo đảm thời vụ, thời gian qua, Phòng đã phân công cán bộ chỉ đạo cơ sở, tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con trong quá trình sản xuất. Nhờ chủ động cung ứng nguồn giống, vật tư phân bón và dồn sức cho sản xuất lúa mùa, đến thời điểm này, bà con nông dân trong toàn huyện đã hoàn thành việc gieo cấy hơn 4.360 ha lúa trong khung thời vụ tốt nhất”.

Văn Thông

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục