Văn Chấn: Khi chính sách là động lực phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/10/2016 | 7:21:53 AM

YBĐT - Chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, chỉ với 28,8% và đang từng bước chuyển dịch theo hướng giảm dần, thế nhưng kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi đang có những đóng góp không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế của huyện Văn Chấn.

Cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con của gia đình anh Đỗ Trọng Lưu, thôn 1, xã Đại Lịch.
Cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con của gia đình anh Đỗ Trọng Lưu, thôn 1, xã Đại Lịch.

Đây được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, mà đòn bẩy động lực là các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi trong nhiều năm qua của tỉnh và mới nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyển đổi tập quán

Nhìn vào lĩnh vực chăn nuôi của huyện Văn Chấn, không khó để nhận ra những tín hiệu vui khi chăn nuôi đã trở thành một nghề cho thu nhập khá hơn hẳn. Nếu trước đây, một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi của địa phương chưa thực sự phát triển, là do chưa có chính sách cụ thể cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; hình thức chăn nuôi lạc hậu, nông dân chủ yếu chăn nuôi quảng canh theo cách chăn thả tự nhiên; con giống chưa được lựa chọn tốt, phần nhiều vẫn là giống địa phương... thì nay những yếu tố này đã căn bản được đáp ứng bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ trên cơ sở các chính sách, chương trình, dự án khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh, cũng như các chính sách lồng ghép.

Qua đó, tạo đà cho nghề chăn nuôi ở địa phương phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, những địa phương vùng khó khăn, trước đây chưa chú trọng phát triển chăn nuôi, nay đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trang trại.

Sùng Đô - 1 trong 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, lĩnh vực chăn nuôi đang có sự chuyển dịch mạnh về phương thức từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán chăn thả. Phó Chủ tịch UBND xã - Giàng A Lử phấn khởi cho biết: “Năm nào xã cũng có vài hộ được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi gia súc nên bà con rất phấn khởi. Việc vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo cách nuôi nhốt, bán chăn thả không còn khó như trước, do hầu hết các gia đình đã thấy được hiệu quả của việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi. Xã khuyến khích bà con chăn nuôi bằng các giống mới, kết hợp nuôi theo phương thức bán chăn thả đối với các giống của địa phương như: lợn vùng cao, lợn rừng lai, gà đen… vừa dễ tiêu thụ, lại vừa cho giá trị kinh tế cao. Khác hẳn với trước đây, chăn nuôi chủ yếu là tự cung tự cấp, phục vụ sinh hoạt thì nay nhiều gia đình trong xã đã biết nắm bắt nhu cầu của thị trường để phát triển chăn nuôi hàng hóa”.

Ở Sùng Đô hiện nay, mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn quy mô trên chục con trở lên hiện đã có tới vài chục hộ. Điển hình như hộ ông Giàng A Vứ thôn Nà Nọi, hay hộ ông Giàng A Tủa, thôn Ngã Hai… phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả quy mô 20 - 30 con trở lên, cho thu nhập khá.

Qua trò chuyện, ông Giàng A Vứ cho biết: “Tôi đã nuôi trâu được hơn chục năm. Bãi chăn thả hiện nay không còn rộng như trước, nên nhà mình chủ yếu là trồng cỏ, trồng ngô để nuôi trâu, bò. Chăn nuôi bây giờ có tiến bộ kỹ thuật nên dễ dàng hơn. Nhà mình cứ tự nuôi rồi chọn con giống tốt nhân đàn và mỗi năm bán đi vài con trâu, bò cũng được 70 - 80 triệu đồng”.

Được biết, ngoài chăn nuôi trâu, bò thịt và bán con giống, ông Vứ còn đầu tư chuồng trại nuôi trâu chọi và chăn nuôi lợn thịt, trung bình 10 - 15 con lợn thịt/lứa, tổng thu nhập mỗi năm là trên 100 triệu đồng.

Phù Nham là xã rộng lớn nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, chăn nuôi hiện đang chiếm khoảng 40% tỷ trọng của nền kinh tế địa phương. Nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi trong dân đang cho hiệu quả kinh tế tốt.

Ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Chăn nuôi đang là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ở Phù Nham hiện nay, những hộ khá trong làm nông nghiệp chủ yếu là những hộ phát triển chăn nuôi. Các chính sách hộ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh và các chương trình, dự án lồng ghép đã giúp người dân không chỉ về kiến thức, kỹ năng chăn nuôi mà còn hỗ trợ về giống cây, con, cơ sở chuồng trại. Đây có thể nói là đòn bẩy rất quan trọng khuyến khích ngành chăn nuôi của địa phương phát triển mạnh, từng bước thay đổi hẳn phương thức và tập quán chăn nuôi trong nhân dân”.

Có thể thấy, từ sự chuyển đổi mạnh mẽ tập quán phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh và bán thâm canh, huyện Văn Chấn đang triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ để tăng đàn đại gia súc bằng các phương pháp tăng cơ học và tăng tự nhiên, tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao và vùng thượng huyện. Hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa của huyện, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò ở các xã vùng cao, vùng thượng huyện; chăn nuôi lợn tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài và một số xã vùng trong.

Chính sách - động lực phát triển

Từ năm 2008 đến nay, nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh, huyện Văn Chấn đã hình thành và phát triển được trên 160 mô hình chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Trong đó, có 63 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 50 con trở lên; 41 cơ sở chăn nuôi lợn nái; 33 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, còn lại là các cơ sở chăn nuôi gia cầm.

Hiệu quả các giải pháp chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi của tỉnh, đã trở thành động lực phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng ở địa phương. Đến năm 2015, tổng đàn gia súc của huyện đã đạt trên 119.000 con, tăng gần 10.000 con so với năm 2000; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.300 tấn. Tính đến tháng 4/2016, tổng đàn gia súc của huyện tăng, đạt và vượt kế hoạch với trên 124.000 con.

Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, tập trung tái cơ cấu nội ngành giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị, hiệu quả trên một đơn vị diện tích; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, năm 2016, trên địa bàn huyện Văn Chấn thực hiện 6/8 đề án theo Quyết định 250/QĐ-UBND ngày 19/2/2016 của UBND tỉnh.

Trong đó, thực hiện đề án hỗ trợ chăn nuôi, huyện được giao hỗ trợ 53 cơ sở tập trung gồm: hỗ trợ 30 cơ sở chăn nuôi bò, quy mô 10 con/cơ sở tại 7 xã gồm: Nậm Búng, Gia Hội, Suối Quyền, Thượng Bằng La, Đại Lịch, Phù Nham và Nghĩa Sơn; hỗ trợ 4 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 30 con/cơ sở tại các xã: Nậm Búng, Gia Hội, thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ; hỗ trợ 5 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa tại xã Nghĩa Tâm, Đại Lịch, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ; hỗ trợ 5 cơ sở nuôi lợn nái quy mô 15 con/cơ sở tại 5 xã, thị trấn; hỗ trợ 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con/lứa tại các xã Nghĩa Tâm, Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Huyện đã nghiệm thu hoàn thành 53/53 cơ sở theo kế hoạch tỉnh giao.

Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các xã nghiệm thu các mô hình chăn nuôi bò đạt tiêu chuẩn của Đề án để đề nghị tỉnh điều chỉnh kế hoạch tiếp tục hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Dự kiến thực hiện vượt kế hoạch tỉnh giao 30 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/cơ sở trong năm 2016. Đối với việc xây dựng mô hình mới trong chăn nuôi, huyện đã xây dựng được một mô hình chăn nuôi bò thịt giống mới (bò 3B) tại thôn Suối Quẻ, xã Phù Nham, quy mô từ 100 - 200 con. Đợt 1, đã nhập về 22 con bò giống 3B, trồng được 1,5 ha cỏ VA06; hệ thống chuồng trại đang được tiếp tục đầu tư và hoàn thiện, đảm bảo năm 2016 nuôi trên 40 con.

Ông Giàng A Vứ, thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô trồng ngô xen cỏ voi để chủ động thức ăn chăn nuôi đàn trâu, bò trên 30 con.

Bước đầu triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh thấy rằng, với các chính sách hỗ trợ khá phù hợp và kịp thời, Đề án đã khuyến khích người chăn nuôi trên địa bàn huyện chuyển đổi phương thức chăn nuôi, mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Có thể thấy, tin tưởng và vui hơn ai hết khi đón nhận các chính sách hỗ trợ của tỉnh chính là các hộ chăn nuôi.

Là hộ có kinh nghiệm chăn nuôi lợn thịt, lợn nái với quy mô trên 100 con lợn thịt mỗi lứa và 25 con lợn nái, năm 2016, cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Đỗ Trọng Lưu là một trong những cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 100 con trở lên ở xã Đại Lịch được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ đề án phát triển chăn nuôi năm 2016 của tỉnh.

Anh Lưu chia sẻ: “Phải nói là người chăn nuôi chúng tôi rất phấn khởi khi được tỉnh hỗ trợ, quan tâm đồng hành san sẻ khó khăn, trợ giúp ban đầu xây dựng cơ sở chuồng trại vững chắc. Trên thực tế, đồng vốn hỗ trợ trong khởi nghiệp là rất quý, giúp các hộ có điều kiện hơn để đầu tư phát triển bền vững. Điều này kích thích phát triển sản xuất, khuyến khích sự năng động, dám nghĩ dám làm của người dân”.

Nền nông nghiệp Yên Bái đang từng bước chuyển dịch và phát triển thích ứng với nhu cầu của kinh tế thị trường, mà chính sách được xem là nền tảng động lực làm bật dậy quyết tâm dám nghĩ dám làm của nông dân. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt, thông qua việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững...

Đó là những mục tiêu căn cốt nhất mà các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được tỉnh Yên Bái đang hướng đến. Với nông nghiệp huyện Văn Chấn, đây còn được xem là đòn bẩy động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020, đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt con số từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Minh Thúy

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục