Xuất khẩu Yên Bái tăng trưởng ấn tượng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2018 | 7:22:21 AM

YBĐT - Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Yên Bái ước đạt 105,6 triệu USD, vượt 5,6% kế hoạch, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành đóng gói sản phẩm măng tre Bát độ xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành đóng gói sản phẩm măng tre Bát độ xuất khẩu.

Trong đó, nhóm ngành nông - lâm sản và nông lâm sản chế biến đạt 25,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 24%; nhóm ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đạt 32,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 30,8%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ khác như may mặc, sứ cách điện, hạt nhựa phụ gia đạt 47,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45,2%. Đây là năm Yên Bái đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất và tăng trưởng mạnh nhất từ trước tới nay.

Công tác xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị, tăng chủ yếu ở mặt hàng rau quả, chất dẻo (plastic) nguyên liệu, gỗ và các sản phẩm gỗ, giấy và các sản phẩm từ giấy, hàng dệt may, sản phẩm gốm sứ. Trong đó, sản phẩm hàng dệt may tăng mạnh so cùng kỳ năm trước do Công ty TNHH Unico Global YB của Hàn Quốc sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đã chính thức đi vào hoạt động; Công ty TNHH Vina KNF, Công ty TNHH Daeseung Global sản xuất ổn định, đã xuất khẩu được nhiều hàng hơn năm trước.
 
Các mặt hàng khác như chè, sắn và tinh bột sắn, quặng và khoáng sản khác, tinh dầu quế giảm do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, khó khăn trong tìm kiếm bạn hàng, sản phẩm xuất khẩu ra thị trường chất lượng còn chưa cao, chủ yếu sản phẩm sản xuất ra dưới dạng nguyên liệu và bán thành phẩm. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh vẫn là những thị trường truyền thống như: Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
 
Trong đó: thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trực tiếp toàn tỉnh, chiếm 29,54% với mặt hàng chính là các sản phẩm may mặc; thứ hai là thị trường Ấn Độ, chiếm 19,8%; tiếp theo là các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc,… Thị trường Trung Quốc hiện chỉ chiếm hơn 6% tỷ trọng xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu của tỉnh đã phát triển và mở rộng tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng khá như Công ty cổ phần Nhựa và khoáng sản An Phát Yên Bái ước đạt kim ngạch 10 triệu USD, bằng 117,5% kế hoạch, tăng 17,8% so với cùng kỳ; Công ty Liên doanh cacbonnat YBB ước đạt kim ngạch 3,2 triệu USD, bằng 81,1% kế hoạch, tăng 88,5% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF ước đạt kim ngạch 20 triệu USD, bằng 222,7% kế hoạch, tăng 190,5%; Công ty TNHH Deaseung Global ước đạt kim ngạch 11 triệu USD, bằng 276% kế hoạch, tăng 301,8% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Unico Global ước đạt kim ngạch 2,8 triệu USD, bằng 47% kế hoạch.

Năm 2018, tỉnh phấn đấu xuất khẩu tăng trưởng từ 14 - 15% so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao là 120 triệu USD. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh, để đạt được chỉ tiêu này đòi hỏi quyết tâm rất cao của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp, bởi năm 2018 nhiều lĩnh vực đang chịu áp lực lớn, nền kinh tế nhận định là tiếp tục gặp khó khăn.
 
Vì vậy, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành đã quyết tâm chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả.
 
Giải pháp là tăng cường thu hút đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020; tập trung việc hỗ trợ thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại điện tử, tham gia hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh...

Hồng Duyên

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề làm nấm rơm tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2023, huyện Mù Cang Chải được giao vốn trên 142 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 136,5 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân 124,2 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục