Yên Bái tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2018 | 8:11:23 AM

YBĐT - Những năm qua, việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường được thực hiện kiên quyết, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

Bảo vệ, phát triển môi trường rừng ở Yên Bái ngày càng phát huy hiệu quả.
Bảo vệ, phát triển môi trường rừng ở Yên Bái ngày càng phát huy hiệu quả.


Những năm qua, việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường được thực hiện kiên quyết, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

Có thể nói, những kết quả trong BVMT đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2017 đạt trên 6,22%, các chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch. 

Năm 2017, là năm Yên Bái rất thành công trong thu hút đầu tư với 44 dự án, có tổng nguồn vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng (tăng 12 dự án và tăng 2.600 tỷ đồng).
 
Năm 2017, cũng là một năm vô cùng khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhưng với những giải pháp phù hợp, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn đạt trên 9 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016. Yên Bái luôn thực hiện nhất quán chủ trương "Phát triển kinh tế đi đôi với BVMT”.
 
Cùng với đó là đẩy mạnh quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, huyện, thị, thành phố và các đề án, dự án đều được lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường. 

Quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản đều tuân thủ theo quy định của pháp luật về BVMT. Tất cả các dự án đã và đang triển khai đều phù hợp với quy hoạch, bảo đảm quy hoạch về BVMT. Các dự án đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có cam kết, kế hoạch BVMT trình cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục, đặc biệt là cấp sở như: chất lượng thẩm định, xác nhận hồ sơ môi trường một số dự án còn hạn chế; các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đưa ra trong cam kết BVMT, kế hoạch BVMT chưa cao; việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh... cấp huyện chưa được thường xuyên. Một số cơ sở vi phạm môi trường chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường chưa được triển khai sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Việc quản lý chất thải nông thôn, chất thải rắn trong sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật chưa được triệt để. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện và đồng bộ theo quy định.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này, UBND tỉnh đã có Công văn số 567/UBND-NLN về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các chương trình kế hoạch, đề án nhằm tăng cường năng lực công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thường xuyên giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT.
 
Tiếp tục duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, người dân và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh chủ trì kiểm tra và thường xuyên giám sát tình hình xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ hoạt động trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Tham mưu giúp tỉnh từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật BVMT các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và các khu công nghiệp quy hoạch xây mới... Không cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu, công nghệ đã thải loại, công nghệ gây ô nhiễm môi trường...
 
Đối với các sở, ban, ngành theo nhiệm vụ được giao, tiếp tục tăng cường hơn nữa quản lý Nhà nước về BVMT... UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT, nâng cao chất lượng xác nhận cam kết về BVMT, thẩm định kế hoạch, đề án BVMT.
 
Chủ động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý, nhất là những cơ sở do UBND cấp huyện giải quyết. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các công trình, biện pháp BVMT khi triển khai các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như y tế, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, chăn nuôi gia súc...
 
Xây dựng, triển khai các mô hình thu gom rác, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, mô hình khu dân cư tự quản để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Chủ động, kịp thời giải quyết, xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật khi để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn... 
                       
Ngọc Trúc

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục