Đề án “Quản lý cây thảo quả, cây sơn tra gắn với phát triển kinh tế đồi rừng”: Góp phần giảm nghèo ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/5/2019 | 11:06:25 AM

YênBái - Gần đây, cây sơn tra, cây thảo quả đang đem lại thu nhập lớn cho người dân Mù Cang Chải. Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án “Quản lý cây thảo quả, cây sơn tra gắn với phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 - 2020” thì diện tích sơn tra và thảo quả trên địa bàn huyện tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Người dân Mù Cang Chải chăm sóc sơn tra.
Người dân Mù Cang Chải chăm sóc sơn tra.

Lao Chải là một xã vốn khó khăn, luôn phải nhận trợ cấp từ Nhà nước, nhất là khi giáp hạt. Hôm nay, có mặt tại Lao Chải, chúng tôi đã cảm nhận rõ sự đổi thay ở vùng quê này: những con đường bê tông lượn quanh những triền đồi, triền núi; những ruộng bậc thang phủ màu vàng của lúa chín; những rừng sơn tra, thảo quả được chăm sóc, thu hái theo đúng chu kỳ, kỹ thuật; những ngôi nhà mái tôn được dựng lên ngày một nhiều... 

Chủ tịch UBND xã Giàng A Lử cho biết: "Chúng mình đã vận động bà con trồng ngô, trồng lúa nhiều nhưng thu nhập không cao, vẫn thiếu ăn. Cây sơn tra, thảo quả có trong rừng nhưng bà con không chăm sóc, cứ đến lúc hái thì đi hái về thôi, còn hái cả quả non nên hiệu quả không cao. Từ khi được cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ, đồng bào trồng và thu hái đúng cách, chăm sóc đúng kỹ thuật nên hiệu quả hơn”. 

Đặc biệt, khi có Đề án, người dân không còn canh tác nhỏ lẻ mà hợp tác trồng sơn tra. Nhóm 3 hộ ở bản Lao Chải, xã Lao Chải do ông Sùng A Sào làm nhóm trưởng, người góp công, người góp vốn trồng hơn 9 ha sơn tra, năm nay là năm thứ 3 được thu hoạch đã cho hiệu quả. 

Ông Sùng A Sào chia sẻ: "Trồng theo nhóm hộ hiệu quả hơn, bởi cùng nhau tập trung chăm sóc đúng kỹ thuật, khi thu hoạch thì nhà có công, nhà có xe nên chở ra tận điểm thu mua, không bị ép giá”. 

Sau 3 năm thực hiện Đề án, hầu hết các hộ dân đã nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế của cây sơn tra và thảo quả; các hộ đã chú ý chăm sóc nên diện tích thảo quả và sơn tra tăng cả về số lượng và chất lượng. 

Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích cây sơn tra của huyện gần 4.183 ha, tăng gần 2.221 ha so với trước khi thực hiện Đề án, diện tích cho thu hoạch đạt 2.500 ha, năng suất trung bình đạt 1,4 - 1,5 tấn/ha/năm, tổng sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm; diện tích thảo quả trên 2.132 ha, tăng trên 710 ha, diện tích cho thu hoạch 1.500 ha, sản lượng bình quân đạt 1,8 - 2,0 tấn quả tươi/ha/năm, tổng sản lượng đạt 2.500 tấn quả tươi. 

Việc trồng bổ sung cây sơn tra dưới tán rừng đã giải quyết việc làm cho người dân, chống xói mòn đất, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tư tưởng, nhận thức của cán bộ và nhân dân chuyển biến tích cực, bước đầu thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. 

Công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp được nâng cao, người dân có ý thức trồng rừng bằng giống ghép để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, hầu hết các xã đều thành lập các chốt, trạm kiểm soát thu hái sơn tra, thảo quả, tình trạng thu hái sơn tra non đã giảm rõ rệt. 

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn gặp nhiều khó khăn: hiện tượng xâm canh để trồng cây thảo quả từ xã này sang xã khác vẫn còn, việc mở rộng tán rừng để trồng thảo quả và chặt cây sấy thảo quả chưa được đẩy lùi; chưa có chính sách bảo vệ lợi ích cho người dân trong tiêu thụ sản phẩm; chưa có cơ sở chế biến có quy mô để sản xuất bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, bị tư thương ép giá; các sản phẩm chế biến từ sơn tra, thảo quả ít; sự liên kết giữa các hộ dân với đơn vị thu mua, chế biến còn lỏng lẻo, không bền vững, thiếu sự ràng buộc... 

Riêng với cây thảo quả, theo Đề án, không mở rộng diện tích nhưng một số người dân vẫn tự ý mở rộng diện tích trong rừng tự nhiên phòng hộ, đặc dụng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng... 

Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Trưởng Ban Quản lý Đề án cho biết: "Huyện sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để thu mua, sấy khô hoặc chế biến thành phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm; xây dựng, hình thành các điểm thu mua trên địa bàn từng xã, liên xã để người dân tiêu thụ sản phẩm có đầu ra ổn định, không bị ép giá; tạo điều kiện và có cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa từ khâu phát triển vùng nguyên liệu, thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ”. 

Để Đề án phát huy hiệu quả cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện thì các thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt hơn nữa, sát thực tế hơn nữa; tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tạo sự đồng thuận cao nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống của người dân sang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. 

Đặc biệt, không nên phát triển cây sơn tra tràn lan, mà chỉ nên trồng ở khu vực đã quy hoạch, thu hoạch cho năng suất cao, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị sơn tra.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái Mù Cang Chải thảo quả sơn tra Đề án

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục