Văn Phú xây dựng vùng sản xuất tập trung chanh tứ thời

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/2/2020 | 8:02:49 AM

YênBái - Năm 2019, toàn xã Văn Phú có 5 thôn trồng chanh gồm thôn Bình Sơn, Lưỡng Sơn, Văn Quỳ, Ngòi Sen, Bình Lục với diện tích 6,5 ha.

Mô hình trồng chanh tứ thời của ông Phạm Thế Cầu (bên phải), thôn Bình Sơn, xã Văn Phú đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng chanh tứ thời của ông Phạm Thế Cầu (bên phải), thôn Bình Sơn, xã Văn Phú đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Phạm Thế Cầu, thôn Bình Sơn, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là người đầu tiên đưa cây chanh tứ thời về trồng tại xã Văn Phú từ hơn 20 năm nay. Ban đầu, ông Cầu mang giống chanh, xoài, chôm chôm từ Đà Lạt về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm, cây chanh hợp đất sai quả, mọng nước, cho quả quanh năm. 

Từ đó, ông Cầu quyết định mở rộng diện tích chanh lên 1 ha. Sản phẩm chanh quả thường giao cho các cửa hàng, siêu thị với giá trung bình 30.000 đồng/kg. Ngoài bán chanh thương phẩm, ông còn chiết hàng nghìn cành để bán, mỗi cành giống có giá từ 20.000 - 25.000 đồng. 

Hiện, ông Cầu đã mở rộng lên trên 2 ha chanh, mỗi năm thu về trên 40 tấn quả. Ông còn tận dụng nguồn nước để nuôi ốc nhồi, cá mỗi năm thu hơn 1 tấn mang lại tổng thu trên 500 triệu đồng. Ông  cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cây giống để người dân trong xã phát triển kinh tế từ cây chanh. Năm 2019, toàn xã Văn Phú có 5 thôn trồng chanh gồm thôn Bình Sơn, Lưỡng Sơn, Văn Quỳ, Ngòi Sen, Bình Lục với diện tích 6,5 ha. 

Ông Cầu chia sẻ: "Nghề trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 - 3 lần so với trồng lúa. Mặc dù chanh là loại cây yêu cầu điều kiện thâm canh cao, đầu tư công lao động nhiều, thời vụ nghiêm ngặt nhưng nếu áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật thì việc sản xuất chanh cho hiệu quả rất cao”.

Theo ông Phùng Văn Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã, những năm gần đây, các mô hình trồng cây ăn quả tại địa phương phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt là cây chanh tứ thời, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng… Quá trình thực hiện cho thấy, cây ăn quả có múi sinh trưởng, phát triển khá tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên xã tiếp tục triển khai hỗ trợ mở rộng diện tích cây ăn quả nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

Tuy nhiên, trồng chanh chủ yếu vẫn theo quy mô hộ gia đình, diện tích nhỏ, phân tán, mang tính tự phát, chưa có hộ nào có chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, tùy thuộc vào thị trường. Vì thế, để đẩy mạnh phát triển nghề trồng chanh tứ thời, xã Văn Phú đã xây dựng Dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chanh tứ thời xã Văn Phú”. 

Khi xây dựng Dự án, xã cũng lựa chọn 15 hộ thành viên đều là những hộ trong Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Văn Phú. Các hộ tham gia có kinh nghiệm trồng chanh ít nhất 3 năm, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật mới, sẵn sàng áp dụng những kỹ thuật mới và tăng chi phí đầu tư, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Ngay sau khi Dự án được UBND thành phố Yên Bái phê duyệt, Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên về quy trình sản xuất nông nghiệp; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường tiêu thụ; áp dụng kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ việc chọn cây giống, phân bón đến đầu tư máy móc, thiết bị, hệ thống tưới, hệ thống điện, bể thu gom rác thải, nhà sơ chế cho vùng trồng chanh... Do vậy, Văn Phú đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chanh có chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 

Bước đầu, xã đã được kết nối thị trường tiêu thụ với nhiều đơn vị trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp... 

Mục tiêu năm 2020, diện tích trồng chanh tập trung của xã Văn Phú sẽ đạt 10 ha, năng suất 30 - 35 tấn/ha, sản lượng 300 - 350 tấn/năm. Đồng thời, xã tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để sản phẩm chanh trở thành hướng đi góp phần tăng thu nhập cho nông dân. 

Minh Huyền

Tags Văn Phú liên kết chanh tứ thời sản xuất tập trung

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục