Yên Bái dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/5/2020 | 1:10:59 PM

YênBái - Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Đây là hội nghị có quy mô lớn,  trực tuyến tại 30 điểm cầu các bộ, ngành và 63 điểm cầu địa phương với trên 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi. 

Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và gần 40 đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.



Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Hội nghị đề ra ba mục tiêu: động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua. 

Thứ hai là khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước.

Đồng thời, Hội nghị nhằm thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với động đồng doanh nghiệp; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVI-19 với tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, tuân thủ cao của người dân. 

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã có quyết sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ; duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cao độ phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp... Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN và châu Á. 



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Để tiếp tục duy trì mục tiêu phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung hơn nữa để khởi động nền kinh tế Việt Nam, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt là tập trung thu hút đầu tư tư nhân, thu hút FDI, khuyến khích tiêu dùng nội địa...

Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nghị là sự thể hiện tinh thần yêu nước của người dân và doanh nghiệp, quyết tâm cao cho sự phát triển đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Tinh thần này cần được lan tỏa theo chiều sâu, để tăng tốc phát triển. Nền kinh tế như "lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam...

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo về tác động của dịch Covid-19, những thách thức và cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải đối mặt với "khó khăn kép”; vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động; khó khăn về thị trường, nguồn thu.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng cộng đồng các doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động; chủ động có giải pháp tự cứu mình; có nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau ứng phó, vượt qua thách thức; chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Bộ Kế hoach- Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và nội dung thảo luận gồm 6 điểm lớn và các khu vực doanh nghiệp lớn, gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Tiếp đến, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, báo cáo về các kiến nghị, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Hiện tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ đã dành các gói tài khóa, tín dụng với quy mô chưa từng có để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp. Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. 

Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia; các bộ, ngành, địa phương sẽ trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, nêu giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đang là một điểm sang, đã đi trước nhiều nước để kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19. Cả nước đã thiết lập trạng thái bình thường mới để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và sẽ tiếp tục đưa các chuyên gia, nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước. 

Thủ tướng khẳng định, Covid là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt nên hệ thống doanh nghiệp sẽ là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế từ tăng trưởng, giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. 

Thủ tướng đưa ra 3 yêu cầu đối với các doanh nghiệp. Một là, các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ nại trong phát triển. Hai là, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao quản trị để phát triển bền vững. Ba là, các cấp các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật khoa học - công nghệ, nhất là Cách mạng 4.0 trong phát triển để nâng cao năng suất.

Với những ý kiến đóng góp, kiến nghị được gửi về Hội nghị,Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các nhà đầu tư, các hiệp hội… để có nghị quyết tốt nhất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới. Các bộ, ngành, các địa phương có chương trình hành động cụ thể tháo gỡ khó khăn cụ thể ở địa phương mình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; cải thiện từ kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ cho doanh nghiệp. 

Thủ tướng cũng yêu cầu phải quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động lớn; quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh và thuận lợi hơn, không làm chậm thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thêm vào đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải giữ được ba điều: giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường trong nước và quốc tế; thứ ba là giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam. 

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan nhà nước cần tạo môi trường cho doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp cả chính sách, tiền tệ và tài khóa, giảm lãi suất, chi phí; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển hạ tầng, phát triển logistics để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhà nước và doanh nghiệp phối hợp đào tạo lại lao động, đào tạo nguồn nhân lực; các hoạt động của cơ quan tố tụng, thanh tra, điều tra, kiểm toán thực hiện trên tinh thần không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự nếu có phương án khặc phục vi phạm. 

Hoài Văn

Tags Thủ tướng Chính phủ hội nghị trực tuyến COVID-19 hỗ trợ doanh nghiệp

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục