Yên Bái: Mở hướng cho nhân dân làm giàu

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2022 | 5:19:37 AM

YênBái - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, những năm qua, tỉnh đã tổ chức thực hiện khá hiệu quả chủ trương này, khai thác tốt tiềm năng, giúp nông dân ổn định sản xuất.

Nông dân xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dưa hấu mang lại thu nhập cao.
Nông dân xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dưa hấu mang lại thu nhập cao.

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, UBND tỉnh đã sớm ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Kế hoạch phải đảm bảo nguyên tắc: ưu tiên chuyển đổi trên đất trồng lúa kém hiệu quả, vùng không chủ động tưới tiêu, thường xuyên thiếu nước; tập trung, gọn vùng; bảo đảm thiết chế hạ tầng phục vụ chuyển đổi; có sự đồng thuận của người dân; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa. 

Từ đó, UBND cấp xã tổ chức rà soát, lập kế hoạch tổng hợp nhu cầu đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp hàng năm. 

Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại trụ sở UBND cấp xã. Việc thực hiện đăng ký thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được thực hiện tại UBND cấp xã đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành. 

Theo đó, năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng các cây hàng năm như: ngô, lạc, rau màu... với diện tích 394,4 ha; chuyển đổi 136,4 ha sang trồng một số loại cây khác: trồng dâu nuôi tằm, cây ăn quả có múi, cây cảnh các loại...; gieo cấy 23,4 ha lúa kết hợp với nuôi thủy sản... và tổng diện tích đã chuyển đổi là 690,6 ha/28.400 ha. Trong đó, chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 605,3 ha, đất 1 vụ 85,3 ha. 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa chủ yếu là chuyển sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao, ổn định như: cây dâu tằm, hoa, cây cảnh... góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. 

Ông Hoàng Văn Chuyển ở xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Gia đình tôi có gần 4.000 m2 đất ruộng. Trước đây, trồng lúa 1 năm 2 vụ, thu về gần 4 tấn thóc/năm, nhưng thu nhập chỉ đạt gần 40 triệu đồng. Giờ đây, vẫn diện tích ấy, tôi chuyển sang trồng dưa hấu cho thu 3 vụ/năm và mỗi năm thu khoảng 12 tấn dưa với giá bán từ 5.000 đến 12.000 đồng/kg, tôi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi trồng lúa sang trồng dưa hấu, gia đình tôi đỡ vất vả hơn nhiều mà thu nhập lại cao hơn”.

Có thể thấy, các loại cây trồng hàng năm được chuyển đổi trên đất lúa, ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới đã đem lại thu nhập cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với trồng lúa. Mặt khác, với các vùng đất gò, đất cao thường xuyên thiếu nước và khó khăn trong điều tiết nước tưới, việc chuyển sang trồng các loại cây họ đậu, ngô sẽ nâng cao độ phì của đất. Đây là giải pháp quan trọng để thích ứng sản xuất trong điều kiện nắng hạn kéo dài, nguồn nước sản xuất hạn chế. 

Năm 2022, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích là 605,32 ha; trong đó, đất 2 vụ lúa là 524,33 ha, đất 1 vụ lúa là 78,99 ha. Từ thực tế triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn tỉnh cho thấy, đây chính là giải pháp mở hướng cho nông dân làm giàu khi thu nhập tăng từ 2 - 5 lần so với trồng lúa. 

Hoài Anh

Tags Yên Bái cây trồng nông thôn mới sản phẩm nông nghiệp thu nhập

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục