Văn Chấn triển vọng phát triển giống na nhập nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2022 | 1:51:00 PM

YênBái - Đưa vào trồng thử nghiệm từ đầu năm 2020, 2 giống na mới trên đất Suối Bu, huyện Văn Chấn đến nay không những đã đơm hoa, kết trái mà còn gửi gắm ước mơ thoát nghèo của nhiều hộ đồng bào ở xã vùng cao này...

Người dân xã Suối Bu, huyện Văn Chấn chăm sóc vườn na.
Người dân xã Suối Bu, huyện Văn Chấn chăm sóc vườn na.

Vài năm trở lại đây, cây na bắt đầu phát triển, tập trung ở vùng giữa của huyện Văn Chấn nhưng chủ yếu là giống na dai và na bở bản địa. Tuy na sinh trưởng phát triển khá tốt nhưng giá trị thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. 

Để đưa cây na trở thành hàng hóa, huyện Văn Chấn đã quan tâm đến việc xây dựng vùng sản xuất tập trung với những giống mới có giá trị kinh tế cao tại các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. 

Bởi vậy, từ năm 2019, huyện đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh triển khai xây dựng mô hình trồng thử nghiệm các giống na nhập nội tại thôn Bu Cao, xã Suối Bu nhằm nghiên cứu, đánh giá tính thích ứng của một số giống na nhập nội, làm căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để huyện Văn Chấn bổ sung các giống cây ăn quả mới. 

Mô hình có sự tham gia của 18 hộ dân với tổng diện tích 5,182 ha, trong đó: 0,7 ha để bố trí các thí nghiệm; 4,482 ha triển khai trồng na dai Đài Loan (na dứa Đài Loan) và na dai Thái Lan. Sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, cây na đang sinh trưởng, phát triển khá tốt, đã cho quả, đặc biệt là giống na dai Đài Loan thích nghi tốt hơn hẳn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng núi đá nơi đây.

Các hộ dân cũng được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ nông nghiệp, cán bộ khoa học "cầm tay chỉ việc” hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản na theo hướng VietGAP. Đồng thời, theo dõi quản lý sát sao quá trình sinh trưởng phát triển, tình hình sâu, bệnh hại của cây để kịp thời hướng dẫn nhân dân khắc phục. 

Gia đình chị Hoàng Thị Sinh ở thôn Bu Cao là 1 trong những hộ tích cực tham gia mô hình bởi từ nhiều năm nay, diện tích núi đá của gia đình chủ yếu được tận dụng trồng ngô song không mấy giá trị. 

Chị Sinh rất mong muốn chuyển đổi diện tích này sang trồng những cây có giá trị kinh tế. Khi tham gia mô hình, chị Sinh được hỗ trợ toàn bộ 300 cây giống, phân bón và được cán bộ khoa học chuyển giao kỹ thuật trồng. 

Cái hay của việc tham gia mô hình là chị Sinh trực tiếp được các kỹ sư thực hiện đề tài tháo gỡ những thắc mắc về quy trình trồng, cắt tỉa, chăm sóc theo từng thời kỳ, hướng dẫn cầm tay chỉ việc ngay tại vườn. Nhờ đó, chị Sinh dần mở mang kiến thức về thâm canh, chú trọng đến khâu chăm sóc và theo dõi sự phát triển của cây na. 

Chị Sinh chia sẻ: "Năm trước, những cây na này đã cho bói quả, quả to, ăn ngọt nhưng ít quả. Năm nay, cây ra nhiều quả hơn, cây to nhất của gia đình giờ hiện có hơn chục quả và vẫn còn đang tiếp tục ra hoa. Tôi cũng đã tìm hiểu về giá trị của giống na này trên mạng, giá trị kinh tế cao lắm nên tôi sẽ tiếp tục làm theo hướng dẫn của cán bộ để phát triển vườn na hơn nữa, hy vọng rằng, gia đình sẽ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ giống cây trồng mới này”. 

Theo khảo sát thị trường, giá các loại na thường đang được bán trung bình 30.000 đồng/kg quả ngay tại vườn, trong khi giá na nhập nội khá cao, từ 300.000 - 500.000 đồng/kg đối với na Đài Loan và 90.000 - 150.000 đồng/kg đối với na Thái. 

Với giá trị kinh tế cao, việc cây na nhập nội đang được trồng thử nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả sẽ là tiền đề mở ra triển vọng mới về loại cây ăn quả này tại huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. 

Từ thành công bước đầu của mô hình tại xã Suối Bu, một số hộ dân ở xã/thị trấn lân cận có thổ nhưỡng, khí hậu tương tự như: Đồng Khê, Sơn Thịnh đã nhân rộng mô hình với tổng diện tích gần 20 ha. Huyện Văn Chấn cũng phấn đấu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng na tập trung có diện tích 100 ha trồng các giống na này.

Hoài Anh

Tags Suối Giàng Suối Bu ước mơ thoát nghèo na Đài Loan

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục