Yên Bái phát huy hiệu quả vốn ODA

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/3/2024 | 2:51:02 PM

YênBái - Trong nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực huy động và thúc đẩy giải ngân các dự án phát triển kinh tế - xã hội sử dụng vốn vay nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Dự án
Dự án "Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái tỉnh Yên Bái" sử dụng vốn vay WB là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Yên Bái, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị tỉnh lỵ Yên Bái.

Xác định việc giải ngân kế hoạch và đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch giải ngân hàng quý đến từng dự án, tổ chức họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng để bàn và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền đối với từng dự án cụ thể. 

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công cụ thể  các chủ đầu tư, các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài với các công trình được xây dựng tại địa bàn. Tỉnh đã luôn chủ động xây dựng phương án sử dụng vốn vay và trả nợ vay phù hợp với nguồn lực địa phương, bố trí các nguồn lực để trả nợ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ, đảm bảo dư nợ luôn có sự kiểm soát chặt chẽ.

Ông Phạm Văn Ánh - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh cho biết: "Trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đã thực hiện việc giao và điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương cho 5 chương trình, dự án với tổng số vốn nước ngoài 341,583 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 335,0 tỷ đồng. 

Số vốn này tập trung cho các dự án thuộc các lĩnh vực: nông lâm nghiệp; kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; y tế. Các dự án, các hạng mục dự án được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tích cực trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".

Các dự án sử dụng vốn nước ngoài được tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật và quy định của nhà tài trợ. Công tác giải ngân vốn nước ngoài năm 2023 có nhiều tiến bộ. Tính đến hết 31/1/2024, một số dự án có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt khá cao, như: Dự án tăng cường quán lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đã đạt 100% kế hoạch giải ngân; Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở - dự án thành phần tỉnh Yên Bái vốn vay WB đạt 71,1%. 

Ngoài ra trong năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các bộ, ngành trung ương vận động Dự án viện trợ không hoàn lại "Hỗ trợ trang thiết bị cho một số trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú của tỉnh Yên Bái” của Chính phủ Hàn Quốc thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với tổng số vốn 500 nghìn USD, tương đương 11,750 tỷ đồng. Dự án viện trợ này đã thực hiện hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 30/11/2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đảm bảo tiến độ giải ngân theo cam kết với nhà tài trợ, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Yên Bái cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng,  chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thoả thuận vay thuộc thẩm quyền… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2023. 

Theo bà Trương Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn xuất phát từ Yên Bái là tỉnh nghèo, địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ; sản xuất đa số quy mô nhỏ, trình độ phát triển thấp, không đồng đều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác một cách hiệu quả. 

Theo Nghị định số 79/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP và thông báo của Bộ Tài chính, Yên Bái nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài là 10% (quy định chung cho các công trình sử dụng vốn vay vốn nước ngoài). Tỷ lệ này bằng với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được hưởng hiện nay.

Theo đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù được Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì xây dựng, một số tỉnh như: Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ được đề nghị giảm tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài từ 50% xuống 10%. Tuy nhiên, xét về mặt bằng phát triển kinh tế, xã hội, Yên Bái nằm trong nhóm các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, thu ngân sách hằng năm thấp; thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Do đó, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, bộ, ngành liên quan về rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Yên Bái đã kiến nghị đề xuất giảm tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài đối với nhóm các tỉnh có điều kiện rất khó khăn, trong đó có tỉnh Yên Bái với mức 5% (ngân sách Trung ương cấp phát 95%), quy định chung cho các công trình sử dụng vốn vay vốn nước ngoài. 

Riêng đối với các công trình đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (do các dự án này không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp) được sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài từ ngân sách trung ương cấp phát 100%, nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh có điều kiện về nguồn lực, sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống dân cư vùng ảnh hưởng. 

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung cho Vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung một số chính sách đặc thù: ban hành chính sách để hỗ trợ người dân trong Vùng có điều kiện tiếp cận, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và sản xuất, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; có chính sách hỗ trợ để tạo động lực phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh.

Trong năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương thực hiện công tác vận động tài trợ 3 dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững. 

Cụ thể: Dự án "Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai”, vốn vay JICA với tổng vốn dự kiến là 2,207 tỷ yên Nhật, tương đương 21,34 triệu USD (tương đương 494,45 tỷ Việt Nam đồng), vốn đối ứng 92,75 tỷ đồng; Dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - tỉnh Yên Bái” vốn vay ADB với tổng mức đầu tư dự kiến 179,183 triệu USD, tương đương trên 4.296 tỷ đồng, vốn đối ứng là 1.102 tỷ đồng; Dự án "Phát triển bền vững và giảm nghèo thông qua mô hình quản lý tốt hơn nguồn nước tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 2,199 triệu nhân dân tệ, tương đương 0,3 triệu USD (7,25 tỷ Việt Nam đồng). 

Trong đó, Dự án "Phát triển bền vững và giảm nghèo thông qua mô hình quản lý tốt hơn nguồn nước tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” đã được HĐND tỉnh Yên Bái phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 71/NQ/HĐND ngày 08/12/2023. Hiện, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn nước ngoài cho Dự án để chủ đầu tư có căn cứ triển khai thực hiện.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Thị Lan, để giải quyết những khó khăn, tồn tại và đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho phát triển, tỉnh Yên Bái mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương trong công tác vận động, thu hút các nguồn vốn nước ngoài; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cải tiến và rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình đàm phán, ký hiệp định, cấp ý kiến pháp lý, quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài… để góp phần thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2024 và những năm tiếp theo. 

Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ; tiếp tục rà soát trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn thiếu cho các dự án có nhu cầu giải ngân, góp phần tạo điều kiện để hoàn thành các dự án theo hiệp định đã ký kết…

Thu Trang

Tags Yên Bái vốn ODA giải ngân kế hoạch đầu tư công giao thông hạ tầng đô thị y tế

Các tin khác

Ngày 27/4 vàng miếng SJC lên 85,22 triệu đồng/lượng - lập kỷ lục mới. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc vì đầu tư vào thị trường vàng hiện rất rủi ro.

Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục