Văn Chấn: Vùng chè chưa được khai thác hợp lý

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Văn Chấn, huyện phía tây của tỉnh Yên Bái, có đầy đủ tiềm năng để phát triển 3 thế mạnh của miền núi đó là: phát triển nghề rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Trong ba thế mạnh đó, cây chè ở Văn Chấn được phát triển sớm nhất. Cây chè đã làm thức dậy một vùng đất nghèo, khai thác hiệu quả vùng đất khó. Trước đây, chè chỉ là cây xóa đói giảm nghèo thì nay là cây làm giàu cho người dân nơi đây. Từ cây chè mà Văn Chấn phát triển, bứt phá đi lên.

Văn Chấn có vùng chè Shan đặc sản những chưa được quan tâm, khai thác hợp lý.
Văn Chấn có vùng chè Shan đặc sản những chưa được quan tâm, khai thác hợp lý.

Những năm qua, các ban, ngành từ tỉnh đến huyện đã quan tâm đến việc mở rộng diện tích trồng chè, cải tạo diện tích chè năng suất, chất lượng thấp và thu hái sản lượng chè búp bán cho các công ty, doanh nghiệp... Sản xuất chè ở Văn Chấn đã từng bước gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, từng bước thúc đẩy ngành sản xuất chè ở huyện vượt qua vòng luẩn quẩn làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.

Nhìn ở phương diện thống kê có thể nhận thấy những năm gần đây Văn Chấn đã phát triển mạnh về diện tích trồng chè mới, tích cực thay thế, cải tạo diện tích chè năng suất, chất lượng thấp và giải quyết được nhiều việc làm trong nông thôn, từng bước nâng cao đời sống tăng thu nhập cho nông dân, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể... Tuy nhiên, nhìn ở góc độ kinh tế - khoa học kỹ thuật thì sản xuất, chế biến chè ở Văn Chấn còn nhiều tồn tại. Một vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái cả về diện tích và sản lượng, song chất lượng chè chưa cao. Chè của Văn Chấn chưa được định vị thương hiệu - lượng và chất chưa song hành. Hầu hết các nhà máy sản xuất chè không theo một quy chuẩn nào, đã làm giảm chất lượng, uy tín chè của huyện trên thị trường.

Nhiều cơ sở chế biến chè của HTX, doanh nghiệp tư nhân và hộ tư nhân mọc lên như nấm, làm cho các công ty chè thiếu nguyên liệu sản xuất, đó là do hậu quả từ việc cấp giấy phép chế biến, đầu tư tràn lan. Nguyên liệu chè búp tươi cạnh tranh mua bán nên giá chè búp bị đẩy lên cao quá mức do doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất chè cá thể tự do nâng giá, còn doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần nâng giá phải có hội đồng quản trị họp quyết định. Có thể nói đúng hơn là các xưởng chè mini đã điều hành sản xuất chè trong vùng.

Phát triển mở rộng diện tích chè Văn Chấn đã có nhiều cố gắng, huyện đã xây dựng được quy hoạch phát triển chè ở các xã, thị trấn, nhưng còn trồng tràn lan theo phong trào. Huyện chưa làm tốt khâu chỉ đạo, tuyên truyền, động viên, phân tích lý giải cho người dân sự cần thiết phải phá bỏ diện tích chè già cỗi, chè sản lượng, chất lượng thấp để quy hoạch lại trồng mới thay thế. Lực lượng lao động làm chè được bổ sung hàng năm, nên người nhiều lao động còn hạn chế nhận thức về kỹ năng canh tác, kỹ thuật trồng mới, chăm sóc bảo vệ...

Nhiều diện tích chè còn trồng ở độc dốc quá cao. Thêm vào đó, khâu kỹ thuật kiến thiết cơ bản đồi chè lại bỏ qua đã gây khó khăn cho việc chống xói lở, việc chăm sóc, thâm canh, hái và vận chuyển phân bón, sản phẩm chè thu hoạch. Lâu nay, hầu hết chè chưa được đầu tư thâm canh theo quy trình, việc cải tạo tăng độ phì cho đất chè chưa làm được. Người làm chè ít được tập huấn kỹ thuật từ khâu kiến thiết cơ bản, trồng mới, thâm canh chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hái...; chưa được tổ chức tham quan học tập các mô hình, điển hình làm chè giỏi...

Văn Chấn có vùng chè Shan đặc sản ở 8 xã vùng cao, diện tích gần 1000 ha và hàng năm cho sản lượng trên 5 ngàn tấn nhưng chưa được quan tâm, khai thác hợp lý. Vùng chè đặc sản này lâu nay đã bị lãng quên.. Nhiều xã có chè Shan không còn nhà xưởng chế biến như trước đây. Khâu kỹ thuật chăm sóc, đến thu hái hầu như người dân chưa biết đến. Đã có một thời chè đặc sản vùng cao Văn Chấn như: Suối Giàng, Suối Bu... đã có thương hiệu chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước thì nay đã bị pha tạp, trà trộn nên đã mất thương hiệu không giữ được chất.

Để vùng chè Văn Chấn phát triển đi lên, làm giàu cho nông dân, tăng nguôn thu cho ngân sách, không còn con đường nào khác là cần có tư duy đổi mới. Cần phải có cách quản lý, chỉ đạo đầu tư khoa học kỹ thuật từ khâu kiến thiết cơ bản đồi chè, giống chè đến việc chăm sóc, thâm canh, thu hái, chế biến sản phẩm, để chè Văn Chấn đạt chất lượng, sản lượng cao hơn. Trước hết, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện cần tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển chè tại các xã, thị trấn. Lấy các công ty cổ phần chè trên địa bàn làm trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật để đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, các công ty này từng bước vươn tới là trung tâm quản lý về chất lượng sản phẩm, chất lượng cây giống, vật tư... phục vụ cho trồng mới, thâm canh, khai thác nguyên liệu chè.

Các công ty cổ phần chè cần xây dựng các vườn ươm cây giống tập trung, chỉ đạo xây dựng các vườn ươm tại các xã, thị trấn nhằm chủ động được các giống chè tốt để trồng mới và trồng cải tạo như giống chè Shan, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Kim Tuyên... Hàng năm cần được tổ chức các lớp tập huấn, thực hành để chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, vận chuyển sản phẩm chè búp... Vùng chè Văn Chấn cần có sự quan tâm đầu tư mạnh hơn của Nhà nước, của ngành chè về mọi mặt. Cần được đầu tư chiều sâu về kết cấu hạ tầng kỹ thuật để chè đạt năng suất, phẩm cấp tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng quy hoạch lại vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy. Hiệp hội chè của tỉnh Yên Bái cần được củng cố, tổ chức phát huy vai trò của mình xứng tầm với nhiệm vụ tình hình hiện nay. Làm tốt nhiệm vụ liên kết giữa các huyện, các công ty, doanh nghiệp chè trong tỉnh. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chè búp tươi cần được tập trung vào các nhà máy để chế biến, tiêu thụ. Có như vậy, sản phẩm chè của Văn Chấn mới có thể bứt phá đi lên trong tương lai.

Hoàng Hữu Nghiêm

 

Các tin khác
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Giá vàng đang thẳng đứng trong hai tuần qua.

Với mức tăng thẳng đứng như hiện tại, chuyên gia cho rằng nhiều khả năng giá vàng thế giới lập đỉnh mới, vượt mốc cao nhất mọi thời đại hồi tháng 4 với 2.491 USD/ounce.

Đề xuất Luật Đất đai số 31/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ giao Bộ trưởng Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025.

Sáng 17/5, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường -Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai làm trưởng đoàn cùng đoàn công tác đã đi thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục