Thu tiền tỉ nhờ cắt giảm năng lượng

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/5/2010 | 8:13:54 AM

Chi phí tiền điện cao ngất khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đau đầu. Sử dụng điện thế nào cho hợp lý? Nhiều giải pháp được ứng dụng tại một số DN ở TP.HCM và hiệu quả mang lại rất lớn.

Sản xuất giấy tại Công ty sản xuất thương mại giấy Thiên Trí.
Sản xuất giấy tại Công ty sản xuất thương mại giấy Thiên Trí.

Giảm ngay 15% điện tiêu thụ ở khâu khởi động máy thủy lực (đánh rã giấy vụn) là kết quả đầu tiên khi Công ty TNHH sản xuất thương mại giấy Thiên Trí (Hóc Môn) đồng ý mua thiết bị điện Power Boss bằng tiền cho mượn từ một dự án của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Thu, giám đốc Công ty Thiên Trí, nói: “Thật ra trước đây chúng tôi cũng muốn giảm chi phí năng lượng vì nó chiếm khoảng 16% trong giá thành sản phẩm, nhưng không biết bắt đầu như thế nào”.

Giảm 15-20%

Lợi ích quốc gia

Theo ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, lượng điện tiêu thụ trong doanh nghiệp chiếm 25-65% tổng lượng điện năng. Như thế, khi các doanh nghiệp có ý thức giảm chi phí năng lượng nói chung, điện nói riêng, không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích tầm quốc gia.

“Hiệu quả ngay lập tức” - ông Nguyễn Văn Thu nói chắc nịch khi nhìn chỉ số so sánh ở khâu đánh rã giấy vụn trước và sau khi lắp thiết bị Power Boss nói trên.

Từ lợi ích này ban giám đốc Công ty Thiên Trí tiến hành khảo sát toàn bộ việc sử dụng điện từ văn phòng đến quy trình sản xuất. Những cái đơn giản được làm ngay như bố trí các loại cửa phù hợp nhằm đón ánh sáng tự nhiên thay cho dùng điện vào ban ngày; dùng bóng đèn compact thay huỳnh quang... Và những giải pháp cần tiền đầu tư nhiều được công ty tiến hành dần như lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho máy móc sản xuất: máy cuộn, máy bơm, máy xeo giấy... Kết quả tiết kiệm 5-15% tiền điện ở mỗi khâu.

Ông Thu cho biết: “Trước đó công ty lỗ hoặc hòa vốn. Từ khi thực hiện giảm chi phí điện đã nhìn thấy những đồng lợi nhuận xuất hiện”.

Riêng ở khâu lò hơi là một bài tính tốn kém hơn: đầu tư tháp trao đổi nhiệt xử lý khói bụi và nhiệt hết 300 triệu đồng. Tuy nhiên khi Thiên Trí mạnh dạn làm, cột chi phí năng lượng trong bản thu chi của công ty giảm hẳn. Một tháng công ty sản xuất 1.000 tấn giấy, tốn 700 triệu đồng (700.000 đồng/tấn). Lắp tháp trao đổi nhiệt, tiền điện giảm 5% = 35 triệu đồng/tháng. “Tính ra chưa đến một năm công ty đã thu hồi vốn đầu tư cho tháp này” - ông Thu nói.

Bài toán của Thiên Trí đã được tính cụ thể: chi phí năng lượng/giá thành sản phẩm từ 16%, sau khi tiết kiệm chỉ còn 14%. Chênh lệch 2% này tương đương 140 triệu đồng/tháng, nhân với một năm đã tiết kiệm số tiền trên tỉ đồng.

Tương tự, Công ty bia Hoàng Huỳnh (quận Bình Tân) khi khảo sát năng lượng sản xuất đã cho kết quả: phần tiêu thụ điện khâu đông lạnh và lò hơi nước đều lớn. Các chuyên gia tư vấn đề nghị thay đổi quy trình từ thủ công thành tự động. Công ty thực hiện ngay giải pháp dùng thiết bị biến tần ở khâu đông lạnh; sử dụng các vị trí van, đầu khớp bọc bảo ôn cho lò hơi nước. Ông Nghiêm Xuân Tùng, phó giám đốc sản xuất công ty, cho biết: “Kết quả thấy rõ tức thì: giảm tới 20% tiền điện ở cả hai khâu nói trên”.

Hầu hết đều xài lãng phí

Muốn có được lợi ích thiết thực với những con số tiết kiệm như trên, việc đầu tiên các DN như Thiên Trí hay Hoàng Huỳnh làm là tìm ra vấn đề bất hợp lý trong sử dụng năng lượng. Hay nói cách khác là tiến hành kiểm toán năng lượng.

Năm năm qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM đã kiểm toán cho 600 DN. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thọ, trưởng phòng tư vấn kỹ thuật của trung tâm này, cho biết: “Chỉ 3/600 DN (tỉ lệ 0,5%) có hệ thống sử dụng năng lượng xịn và cả ba DN này đều là DN nước ngoài. Còn lại 99,5% đều có lãng phí, nhiều nơi lãng phí ở rất nhiều khâu sản xuất và cần phải có những giải pháp tiết kiệm năng lượng”. Tuy nhiên, theo chị Thọ, từ kiểm toán đến thực hiện năng lượng hiệu quả không đơn thuần chỉ là nhờ các thiết bị tiết kiệm điện mà phải do con người.

Ông Nguyễn Văn Thu cho biết đã phổ biến đến toàn thể nhân viên công ty việc tiết kiệm điện, giảm chi phí mang tới ba lợi ích: tăng lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, tạo thu nhập công ty ổn định, cải thiện đời sống nhân viên. Ba năm qua Thiên Trí đã trích 60% trong tiền chênh lệch giá điện để tăng lương, thưởng cho nhân viên. Từ tháng 5-2010, ban giám đốc Thiên Trí còn đề ra hẳn định mức tiêu hao điện, khâu nào tiết kiệm: thưởng, lãng phí: phạt. Ngoài ra công ty cử nhiều người đi học quản lý năng lượng về ứng dụng cũng như truyền đạt cho những người khác.

Riêng khách sạn Continental thành lập ban quản lý năng lượng gồm 14 người gồm ban giám đốc và trưởng, phó các bộ phận, xây dựng chính sách năng lượng của khách sạn. Theo đó, khách sạn đặt ra định mức tiêu thụ năng lượng trong từng bộ phận; theo dõi, đánh giá bằng phần mềm quản lý năng lượng. Từ đây có việc xem xét trong đánh giá khen thưởng hằng năm.

Bà Đào Hoàng Liên, phó giám đốc Continental, đưa ra bảng so sánh chi phí năng lượng của khách sạn trong hai năm, từ khi thực hiện chính sách năng lượng nói trên thì chi phí năm sau giảm trên 19% so với năm trước, từ đó nâng mức tổng doanh thu lên cao hơn. Bà Liên đúc kết: “Việc giảm chi phí năng lượng nói chung, tiền điện nói riêng phải được thực hiện và có ý thức từ ban lãnh đạo thì việc đó mới thành công trong cả hệ thống”.

(Theo TTO)

Các tin khác
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 20-5.

Từ nay đến cuối năm 2024, Chính phủ tập trung vào triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 9; thi công xong 1.000 km đường bộ cao tốc...

Sản xuất, chế biến chè tại Hợp tác xã Trà Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, cơ chế để xây dựng, củng cố và phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).

Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên khai thác quế hữu cơ.

Bên cạnh các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế của người nông dân đã giúp tỉnh Yên Bái xây dựng và từng bước mở rộng diện tích một số vùng nguyên liệu chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính nhưng đầy tiềm năng.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục