Thu phí đường bộ 1.000 đồng/lít xăng: Bất hợp lý !

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/5/2010 | 2:15:46 PM

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xây dựng kế hoạch thu phí trên đầu phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel từ 180.000 đến 1.440.000 đ/tháng và thu qua xăng 1.000 đ/lít cho toàn bộ môtô, xe máy và một số loại xe ô tô sử dụng xăng. Đề án này đang gây nhiều ý kiến bất đồng trong dư luận.

Phí chồng lên phí

Mới đây Bộ GTVT đã nhất trí với phương án của Đề án Quỹ bảo trì đường bộ do Tổng cục ĐBVN chịu trách nhiệm soạn thảo.

Theo đó, phí đối với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ sẽ được thu qua giá xăng đối với phương tiện sử dụng xăng; thu trên đầu phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel tính theo tháng và theo chủng loại phương tiện.

Mức đề xuất tính phí đường bộ qua giá xăng là 1.000 đ/lít, (nghĩa là toàn bộ môtô, xe máy và các loại xe ô tô sử dụng xăng sẽ chịu thêm 1.000đ/lít xăng). Đơn vị nhập khẩu xăng sẽ nộp khoản tiền này vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ tại Kho bạc nhà nước. Còn người sử dụng đường sẽ trả khoản phí này khi mua mỗi lít xăng sử dụng hàng ngày. Nguồn thu này đạt khoảng 2.971 tỉ đồng.

Đối với các phương tiện cơ giới sử dụng dầu diesel, mức thu phí 1 tháng trên đầu xe gồm 5 nhóm mức, lần lượt là: Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế: 180.000 đ/tháng; Xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn, xe khách từ 12 đến 30 ghế: 270.000 đ/tháng; Xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn, xe khách từ 31 ghế trở lên: 396.000 đ/tháng; Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20fit: 720.000 đ/tháng; Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit: 1.440.000 đ/tháng.

Dự kiến tổng mức phí thu được của phương tiện chạy diesel sẽ là 2.958 tỷ đồng/năm. Chủ phương tiện nộp phí theo tháng hoặc theo kì kiểm định phương tiện tại trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Tổng mức thu đối với phương tiện chạy xăng, dầu là gần 6.000 tỷ đồng/năm.

Sau thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí chưa hợp lý bởi những công trình giao thông dùng tiền từ ngân sách Nhà nước trong đó đã có tiền thu thuế của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay cũng đã có mức tính phí giao thông qua xăng dầu, cầu, đường nếu tiếp tục thu phí đối với các phương tiện sử dụng xăng dầu thì “phí chồng phí” người dân, doanh nghiệp phải chịu quá nhiều mức phí khi sử dụng phương tiện giao thông đường bộ.

Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền - TGĐ công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, nếu bỏ mức tính phí qua xăng, dầu trước đây để bổ sung vào mức tính phí giao thông đường bộ hiện tại để giá xăng vẫn được giữ nguyên thì chấp nhận được nhưng nếu không bỏ mà lại cộng thêm mức tính phí này nữa thì vô lý. Hiện nay tất cả các tuyến đường đều đã có thu phí cầu, đường. Đã thu phí đường bộ rồi, nay lại lập ra một quỹ để thu thêm lần nữa thì người dân và doanh nghiệp phải chịu quá nhiều loại phí đường bộ. Hiện nhà nước giao quyền thu phí giao thông cho các doanh nghiệp, vậy thì những doanh nghiệp nào nhận thầu đều phải trích nộp khoản kinh phí vào việc duy tu, bảo dưỡng.

Đường xấu, đường tắc... ai đền cho dân?

Ông Công Tuấn, ở đường Láng, Hà Nội thắc mắc, đã có nhiều công trình tốn hàng trăm tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Người dân chịu thiệt thòi khi phải đi vào những con đường hỏng, giảm tuổi thọ của xe, ách tắc giao thông, cản trở công việc …Vậy ai sẽ là người đền bù những thiệt thòi này của người dân. 

"Người dân đồng ý việc thu phí tham gia giao thông nhưng phải rõ ràng, minh bạch và sử dụng quỹ thật hiệu quả. Cần phải có lộ trình rõ ràng trong việc sử dụng quỹ. Bởi đây không phải lần đầu Bộ GTVT đưa ra mục đích thu phí nhằm bảo trì, duy tu công trình giao thông. Việc sử dụng phí để duy tu, bảo dưỡng lâu nay vẫn chưa đạt hiệu quả..." ông Tuấn nói.

Theo TS luật Vũ Quang - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay rất nhiều nơi hệ thống giao thông còn quá kém, nếu phải trả phí giao thông sẽ tạo ra sự thiếu công bằng.


 Ảnh minh họa

 Thiếu công bằng nếu những phương tiện bị thu phí phải đi trên
những con đường như thế này.

Nguy cơ tăng giá chung?

Chi phí xăng, dầu là một phần quan trọng cấu thành lên giá sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ riêng lĩnh vực vận tải mà nhiều lĩnh vực khác đều có liên quan đến vận tải sẽ chịu ảnh hưởng. Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận, khi thực hiện thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ bước đầu sẽ làm tăng chi phí trong giá thành vận tải lên 1,5%.

Như vậy xét nhiều mặt lợi, hại trong thời điểm hiện nay thì việc thu phí này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề tăng giá sản xuất, tăng giá dịch vụ trong khi đã có quá nhiều mặt hàng cùng nguyên vật liệu đã tăng giá và nguy cơ tiềm ẩn tăng giá cao vẫn còn.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc điều hành công ty cổ phần A&A Toàn Cầu cho rằng, việc thu phí qua xăng dầu sẽ dẫn đến việc tăng giá sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Câu chuyện tăng giá xăng vẫn là vấn đề khiến các doanh nghiệp lo lắng tính toán lãi-lỗ qua giá thành sản phẩm, dịch vụ. Thu phí giao thông là cần thiết nhưng Bộ GTVT cần cân nhắc nên áp dụng vào thời điểm nào và mức giá thu nào là hợp lý. Mức thu 1.000đ/lít xăng theo ông là quá nhiều. Nên chăng hạ xuống mức hợp lý hơn, bởi hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong giá đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.

Một doanh nghiệp giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho rằng, việc thu phí giao thông là cần thiết nhưng cần loại bỏ bớt những loại phí liên quan tới giao thông đường bộ như phí xăng dầu, phí cầu đường. Ngoài ra cần tạo ra sự công bằng qua mức thu. Với những xe tải trọng lớn (loại xe gây hại lớn tới mặt đường) thì có mức thu khác so với những loại xe trọng tải nhẹ.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 20-5.

Từ nay đến cuối năm 2024, Chính phủ tập trung vào triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 9; thi công xong 1.000 km đường bộ cao tốc...

Sản xuất, chế biến chè tại Hợp tác xã Trà Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, cơ chế để xây dựng, củng cố và phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).

Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên khai thác quế hữu cơ.

Bên cạnh các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế của người nông dân đã giúp tỉnh Yên Bái xây dựng và từng bước mở rộng diện tích một số vùng nguyên liệu chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính nhưng đầy tiềm năng.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục