Cây Mai Dương: “Kẻ xâm lấn” nguy hại

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/10/2010 | 2:44:00 PM

YBĐT - Cây mai dương có tên khoa học là Mimosa pigra, xuất hiện ở vùng hồ Thác Bà vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, loài cây này đã có mặt hầu hết ở các vùng đất ven và bán ngập trên hồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, nguồn nước cũng như hoạt động sản xuất của những người dân nơi đây.

Chị nông Thị Liên ở thôn Vĩnh An, chống lại sự phát triển ồ ạt của cây mai dương bằng con dao phát và sức người nhỏ bé.
Chị nông Thị Liên ở thôn Vĩnh An, chống lại sự phát triển ồ ạt của cây mai dương bằng con dao phát và sức người nhỏ bé.

Loài cây nguy hại…

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, nhiều người dễ nhầm cây mai dương là cây xấu hổ nhưng trên thực tế loại cây này nguy hại hơn rất nhiều. Chúng thường mọc thành từng lùm lớn, nhiều gai và phát tán rất mạnh mẽ. Tại những nơi chúng mọc lên hầu như các loại cây bản địa đều không thể tồn tại. Họa hoằn lắm cũng chỉ thấy một vài cây khác mọc vượt qua được tầng gai góc của chúng nhưng cũng chỉ còi cọc, không phát triển được. Hơn nữa, do có chứa chất mimosin (loại acid amin) có thể gây độc đối với nhiều loài, thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm môi trường nước rất mạnh.

Chúng tôi đến thôn Vĩnh An, xã Bảo Ái (Yên Bình), một trong những thôn ven hồ chỉ có vẻn vẹn 3 ha đất bán ngập để sản xuất, nhưng hiện nay diện tích này đều đã bị cây mai dương “ngang nhiên” xâm chiếm.

Theo Trưởng thôn Lý Văn Vanh, cây mai dương xuất hiện tại khu vực này từ những năm 89 – 90 thế kỷ trước, khi đó chúng chỉ mọc rải rác ở một số nơi chứ chưa phát triển rộng và nhiều như bây giờ. Trên những thửa ruộng vừa thu hoạch, cây mai dương đã bắt đầu um tùm trở lại.

Quan sát tại một số bãi bồi ven sông, loại cây này còn phát triển mãnh liệt hơn. Từng lùm cây to khỏe vươn lên mạnh mẽ, mỗi cây cao dễ chừng cũng phải hơn 2 mét, cành lá chằng chịt. Ông Vanh cho biết: “Những cây này đã mọc cách đây 2 năm. Cả thân và gai của nó đều cứng, rất khó để có thể tiêu diệt”. Theo một số người dân tại khu vực này thì cây mai dương phát triển rất nhanh.

Bà Đặng Thị Nhẩm, thôn Vĩnh An nói: “Cứ đầu vụ là chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian để nhổ bỏ hoặc đốt loại cây này. Có khi một đám ruộng nhỏ mà phải mất cả tuần mới dọn dẹp xong”. Cũng theo bà Nhẩm, do cây mai dương rất nhiều gai nên nhiều lúc đi cấy hay làm cỏ vẫn thường xuyên bị gai đâm chảy máu. Không chỉ lấn đất, cây mai dương còn ngốn rất nhanh các loại chất dinh dưỡng, làm cho đất đai bạc màu nhanh chóng, cây trồng chậm phát triển. Ngoài nông nghiệp, thu nhập chính của dân thôn Vĩnh An chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy sản trên vùng hồ nhưng hiện nay họ cũng đang phải chịu sự phá hoại của cây mai dương. Đưa tôi tấm lưới rách, anh Lý Văn Mai giải thích: “Lưới mới đấy, nhưng bị gai cây mai dương làm rách hết. Mỗi cái lưới chỉ dùng vài bận là rách tan”.

Ông Vanh cho biết thêm, không chỉ lưới mà mấy cái rọ tôm cũng thường xuyên bị chúng “nuốt” mất. Mỗi lần thả rọ có đến vài trăm chiếc, nhưng khi kéo lên bao giờ cũng bị hao hụt mất vài chục cái do mắc vào cây mai dương trong nước, mà đã mắc vào thì chỉ có cách cắt bỏ, chứ không tài nào gỡ ra được. Ngay cả trên cạn, con trâu hay con bò cũng không dám lại gần vì gai của loại cây này rất cứng và nhọn.

Ông Triệu Văn Tinh - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Nếu tính cả đất bán ngập và ven các hòn đảo thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã bị loài cây này xâm lấn lên tới gần 500 ha”. Theo một số tài liệu đã được công bố, có khoảng 2.000 hòn đảo, 99 lạch nước lớn chảy vào khu vực hồ Thác Bà đã bị cây mai dương xâm lấn. Hầu hết 25 xã vùng hồ đều xuất hiện loại cây này với mật độ khá lớn, trong đó nhiều nhất là các xã Mông Sơn, Yên Thành, Bảo Ái…

“Thủ phạm” phá tan lưới đánh cá của người dân cũng là cây mai dương.

Bất lực trong cuộc chiến chống "kẻ xâm lấn"

Đến nay, mặc dù đã có rất nhiều biện pháp để tiêu diệt loại cây này được tiến hành, cách đơn giản nhất là chặt, nhổ, đốt nhưng cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời bởi cây mai dương có khả năng sinh trưởng, tái sinh mạnh sau khi chặt hoặc đốt. Thậm chí, dù bị ngâm dưới nước lâu ngày, thân mục ra nhưng khi nước cạn chúng lại phát triển bình thường. Bên cạnh đó phải kể đến khả năng sinh trưởng và phát tán của loài cây này. Quả mai dương có vỏ cứng, dày, tạo điều kiện cho hạt nảy mầm, có khả năng tồn tại lâu.

Hằng năm, mỗi mùa nước lên xuống, hạt của chúng lại theo dòng nước phát tán đến nhiều nơi. Sự phát tán của loại cây này cực kỳ đáng sợ, có thể theo dòng nước, bám vào quần áo người, trên lông của các động vật, cứ thế chúng sinh sôi, nảy nở không ngừng. Do vậy, cứ nơi nào có nước là cây mai dương có thể xâm lấn.

Chị Nông Thị Liên, thôn Vĩnh An cho biết: “Thân và cây có thể nhổ, đốt bỏ được nhưng hạt của chúng thì trộn lẫn trong đất không tài nào mà tiêu diệt được. Cứ nước xuống là chúng lại mọc nhanh như thổi”. Một số loại thuốc trừ cỏ cũng đã được người dân ở đây sử dụng nhằm tiêu diệt loại cây này nhưng thuốc chỉ làm rụng lá chứ không thể diệt được rễ, vì vậy sau một thời gian chúng lại phát triển bình thường.

Tuy nhiên, hiện những biện pháp triệt hạ cây mai dương mới chỉ mang tính tự phát, manh mún ở một số nơi, thiếu sự đồng bộ, khoa học. Do vậy, hiệu quả chưa cao và cây mai dương vẫn cứ “ung dung” tồn tại, phát tán. Được biết, hiện ở Việt Nam không chỉ có hồ Thác Bà mà ở một số nơi như: vùng hồ Hòa Bình, vườn quốc gia Tràm Chim... loại cây này cũng phát tán mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường.

Cây mai dương đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế xếp vào 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới. Sự xâm lấn ngày một gia tăng của loài cây này trên vùng hồ Thác Bà đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm với môi trường nước, hệ sinh thái và đời sống sản xuất của người dân nơi đây. Tuy nhiên, làm cách nào để tiêu diệt triệt để loài cây này, tất cả còn chờ câu trả lời của các nhà chức năng.

Hùng Cường

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục