Trấn Yên phát triển mạnh giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2012 | 9:08:56 AM

YBĐT - Không phải huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, nhưng vài năm về trước đường GTNT huyện Trấn Yên (Yên Bái) đi lại rất khó khăn, hầu hết là đường đất. Trước thực trạng đó, huyện đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với lòng dân, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn đã và đang được kiên cố hoá mạnh mẽ.

Kiên cố hóa đường nông thôn ở xã Việt Cường (Trấn Yên). 
(Ảnh: H.N)
Kiên cố hóa đường nông thôn ở xã Việt Cường (Trấn Yên). (Ảnh: H.N)

Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) đồng nghĩa với phát triển giao lưu văn hoá giữa vùng, miền, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Biết là vậy, song không phải địa phương nào cũng làm được, bởi nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông thì có hạn, huy động sức dân cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, huyện Trấn Yên đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với lòng dân, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn đã và đang được kiên cố hoá mạnh mẽ.

Không phải huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, nhưng vài năm về trước đường GTNT huyện Trấn Yên đi lại rất khó khăn. Hầu hết các tuyến đường liên xã là đường đất, mỗi khi trời đổ mưa là bùn sục tới gối, xe cộ không thể đi nổi, nắng lên là bụi mù mịt.

Việc đi lại, giao lưu văn hoá, kinh tế giữa các xã vùng thấp với xã vùng cao gặp muôn vàn khó khăn nên kinh tế - xã hội chậm phát triển, các sản phẩm hàng hoá làm ra chủ yếu là "nội tiêu" trong thôn, trong xã hoặc có bán được thì giá cũng rất rẻ. Đánh giá đúng tầm quan trọng của giao thông, huyện phát động phong trào làm GTNT rộng khắp các xã từ vùng thấp đến vùng cao. Nhân dân có tiền thì đóng góp bằng tiền, nơi nào có vật liệu thì đóng góp vật liệu tại chỗ và đóng góp ngày công làm nền đường, Nhà nước hỗ trợ vật tư kỹ thuật, máy thi công, làm mặt đường...

Những giải pháp đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tạo nên phong trào làm GTNT rộng khắp. Những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã. Sau những ngày mùa bận rộn, bà con nông dân lại khai thác đá, cát, sỏi về làm đường, cứ tưởng người dân chỉ quen với ruộng nương thì nay đã trở thành những “công nhân” lành nghề.

Khó ai có thể tin những tuyến đường vào xã Hồng Ca, Kiên Thành, Quy Mông trước đây chỉ có nền đường đất xe cộ đi lại rất khó khăn vậy mà hôm nay bằng việc lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135, vốn kích cầu, nhân dân đóng góp  đã được kiên cố hoá xe ô tô đi lại thuận tiện.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2012, toàn huyện đã kiên cố hoá được gần 15 km đường bê tông liên thôn, liên xã với mặt đường rộng trên 3 m, hiện đang tiếp tục làm 10 km và dự kiến hoàn thành vào trung tuần tháng 12 này với tổng số vốn trên 5 tỷ đồng.

Tiêu biểu trong phong trào làm GTNT là các xã Báo Đáp hơn 8km, Việt Cường 3,2 km, Hoà Cuông 1,5 km... Nói về phong trào làm đường, ông Trịnh Minh Chung - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện khẳng định: “Sự đóng góp của nhân dân các dân tộc trong huyện những năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào. Có nhiều tuyến đường người dân tham gia lao động rất vất vả và không thể tính bằng tiền mà phải tính bằng những giọt mồ hôi và công sức của họ đổ xuống mới thấy hết ý nghĩa của nó. Một trong những yếu tố tạo nên phong trào rộng khắp và nhận được sự đồng thuận cao của người dân là trong quá trình thực hiện đã công khai, minh bạch các nguồn vốn, nhất là vốn đóng góp của nhân dân, 100% tuyến đường đều có sự giám sát chặt chẽ của người dân".

Người dân không chỉ góp công, góp của mà nhiều hộ dân của các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Cường... còn hiến hàng trăm, hàng ngàn mét đất để làm đường, tất cả vì những con đường bằng phẳng, sạch đẹp để con em mình đi lại thuận tiện và là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục