Tự hào chiến sĩ Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2015 | 3:33:23 PM

YênBái - YBĐT - Trong những ngày cả nước náo nức kỷ niệm 61 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi về thăm cựu chiến binh (CCB) Hà Kế Nho ở thôn Quyết Tiến, xã Hoàng Thắng (Văn Yên). Dù đã 88 tuổi, nhưng cụ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Cụ bồi hồi trở về miền ký ức một thời lửa đạn với sự tự hào chưa bao giờ nguôi trong tâm khảm.

Năm 1953, cũng như bao chàng trai cả nước, anh thanh niên dân tộc Tày lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 148, Tiểu đoàn 920 đóng quân ở tỉnh đội Yên Bái. Cuối 1953, đơn vị được lệnh hành quân lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua những ngày tháng “mưa dầm, cơm vắt”, đơn vị được trực tiếp tham gia những trận chiến ác liệt nhất như trận mở màn Him Lam; trận đánh giành giật với địch từng tấc đất, từng mét công sự trên đồi A1, nhiều trận khác trên cánh đồng Mường Thanh rồi đánh chiếm hầm Đờ - Cát - tơ - ri.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nho chuyển sang công an vũ trang, đóng ở Lai Châu để vừa tiễu phỉ vừa tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới sản xuất, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở.

Tháng 7/1964 ông Nho  phục viên, tiếp tục tham gia công tác và giữ nhiều trọng trách ở địa phương. Với 88 tuổi đời, 61 tuổi Đảng, ở cương vị nào, ông cũng giữ vững  phẩm chất, tác phong bộ đội Cụ Hồ, năng nổ, gương mẫu, trách nhiệm cao trong mọi công việc nên ông được nhân dân yêu mến, kính trọng, là tấm gương cho con cháu noi theo.

Cùng chung niềm tự hào ấy, CCB Hoàng Đình Năm ở thôn Hồng Phong, thị trấn Mậu A cũng không hề phai ký ức Điện Biên. Sinh ra và lớn lên ở Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, năm 1949 vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai Hoàng Đình Năm lên đường nhập ngũ. Năm 1952, đơn vị ông được lệnh lên Tây Bắc và ông được điều về Đại đoàn 351, Trung đoàn pháo binh 105 ly.

 Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh thuộc Đại đoàn 351 là hỏa lực nòng cốt chi viện cho các đơn vị tiến hành trận then chốt mở màn chiến dịch hoặc tấn công các mục tiêu quan trọng. Ông Năm xúc động kể: Đơn vị tôi được phân công khống chế cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh. Mặc dù đã làm trận địa giả để đánh lừa địch, nhưng khi bắt đầu khai hỏa, đơn vị bị địch phát hiện nên chúng phản pháo cấp tập. Bình quân mỗi mét vuông đất phải hứng chịu đến 4 quả đại pháo nên bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Lúc đó, tôi là khẩu đội trưởng, nhưng pháo thủ số 3 hy sinh nên tôi phải thay thế. Thực hiện mệnh lệnh của trên, chúng tôi tập hợp lại đội hình, bắn cấp tập, phản lại pháo địch. Trong bão đạn, giữa sự sống, cái chết chỉ là gang tấc, nhưng tinh thần chiến đấu của chúng tôi không hề sa sút để dội bão lửa vào quân thù với tinh thần quyết chiến trả thù cho đồng đội và quyết tâm đánh chiếm mục tiêu, sát cánh cùng các binh chủng khác".  

CCB Phạm Đức Ích, thôn Tân Tiến 1, xã Xuân Ái cũng đã 86 tuổi. Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1952 ông từng tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông cũng trực tiếp tham gia trận mở đầu đánh cứ điểm Him Lam và nhiều trận khác cho đến kết thúc chiến dịch. Tám năm trong quân ngũ, kỷ niệm sâu sắc nhất trong ký ức của ông là hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trở về đời thường, ông Ích tham gia nhiều vị trí chủ chốt của địa phương cho đến khi nghỉ hưu. Không chỉ tích cực tham gia lao động sản xuất, động viên con cái tích cực phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, ông Ích còn thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, gương chiến đấu của cha ông... nên ông luôn  được cấp ủy, chính quyền, nhân dân kính trọng.

Vợ chồng CCB Đào Ngọc Bằng, Đặng Thị Trường ở thôn Chăn Nuôi xã Xuân Ái, mỗi lần nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, họ vừa phấn khởi vừa xen lẫn tự hào bởi ông bà có nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng cùng đồng đội tham gia chiến dịch này. Ông Bằng làm công nhân quốc phòng khi mới 17 tuổi và đến năm 1953 ông nhập ngũ vào Trung đoàn 148, trực tiếp tham gia tiêu diệt cụm cứ điểm Hồng Cúm. Đây là trận đánh quan trọng ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho phân khu trung tâm Mường Thanh hoặc phá vây chạy sang Lào. Sau đó, đơn vị ông được điều  sang Thượng Lào, chặn đường quân Pháp từ vùng thượng Lào chi viện cho Điện Biên Phủ. Còn bà Trường thì hòa mình trong không khí hừng hực của hàng ngàn dân công hỏa tuyến tải lương cho chiến dịch. Năm ấy bà mới 17 tuổi, nhưng đã được điều động vào quân y hỏa tuyến làm hộ lý cứu thương tại mặt trận Điện Biên Phủ. Bà cùng đội ngũ cán bộ y tế không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, cứu chữa thương binh trong điều kiện vô cùng ác liệt.

Huyện Văn Yên hiện còn khoảng 40 CCB trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh hoạt ở các chi hội CCB trong huyện. Những người lính Điện Biên năm xưa đều đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Nhưng phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ”, niềm tự hào của người chiến sĩ Điện Biên, khi trở về địa phương những CCB này dù tuổi cao nhưng vẫn đang trực tiếp tham gia những phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thảo hiền, xây dựng khu dân cư văn hóa và cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Họ gương mẫu vì trong họ mang niềm tự hào được góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam. Và phẩm chất cao đẹp của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa luôn tỏa sáng cho thế hệ trẻ nỗ lực noi theo.

 Hồng Vân

Các tin khác
Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương bấm nút Khai mạc tháng ATVSLĐ và tháng Công nhân

Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024. Sự kiện do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục