Tư vấn hướng nghiệp đã thực tế hơn

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/5/2016 | 9:48:43 AM

YBĐT - Tư vấn, hướng nghiệp (TVHN) cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia được xem là vấn đề cấp thiết giúp cho học sinh có cơ sở lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, tránh lãng phí về nhân lực sau đào tạo.

Ngoài truyền đạt kiến thức cho các em, cô giáo Nguyễn Thị Thu - Chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt (người đứng) thường xuyên nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh gia đình của học sinh để kịp thời tư vấn hướng nghiệp cho các em.
Ngoài truyền đạt kiến thức cho các em, cô giáo Nguyễn Thị Thu - Chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt (người đứng) thường xuyên nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh gia đình của học sinh để kịp thời tư vấn hướng nghiệp cho các em.

Năm học 2015 - 2016 sắp khép lại, cùng với việc tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức cho các em học sinh khối 12, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã và đang chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác TVHN, nhằm giúp học sinh có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Qua đó, học sinh cũng như phụ huynh dần có cái nhìn thực tế hơn đối với việc chọn lựa nghề nghiệp, hoặc chọn lựa học nghề hay học đại học.

Sau nhiều lần được sự tư vấn của thầy cô giáo, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm, em Nguyễn Thị Mỹ Duyên - lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái đã quyết định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ theo nghề của mẹ, trở thành một thợ may nổi tiếng ở thành phố. Cô giáo chủ nhiệm đã dựa trên năng lực học tập của em, cùng với sở thích, hoàn cảnh gia đình để TVHN cho em, đã mang tới cho em một quyết định phù hợp nhất.

Em chia sẻ: “Lúc đầu em cũng tính thi vào một trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nào đó. Nhưng rồi, cô giáo phân tích, em cũng nhận thấy lực học của em khó có thể đỗ vào một trường ĐH hay CĐ danh tiếng, mà học các trường tư thục dân lập có khi lại không phù hợp với sở trường của mình, rồi có khi ra trường không xin được việc. Nhà em lại cũng không có điều kiện nên em đã quyết định thi cụm địa phương xét tốt nghiệp và em sẽ theo nghề của mẹ. Em sẽ cố gắng học nghề, em tin rồi em sẽ có một tiệm may có tiếng ở thành phố”.

Trong những năm gần đây, TVHN cho học sinh trước kỳ thi ĐH, CĐ hay THPT quốc gia như hiện nay ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã thực tế hơn rất nhiều. Các thầy cô giáo tư vấn cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình và khả năng của các em. Ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động TVHN. Công tác TVHN được các nhà trường thực hiện bằng nhiều hình thức, nhất là việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học...

Tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, TVHN cho học sinh được thực hiện ngay từ đầu năm học, thường xuyên liên tục trong các giờ chào cờ, sinh hoạt chi đoàn... Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các giáo viên chủ nhiệm.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu - Chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ: “Giáo viên chủ nhiệm là người gần nhất với học sinh, hiểu được năng lực của từng em. Từ đó, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em cùng với việc tìm hiểu thông tin lao động việc làm trên địa bàn tỉnh, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình sẽ trực tiếp tư vấn chọn ngành, nghề cho học sinh. Đất nước hiện đang trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ, lại chuyên môn hóa trong nghề nghiệp rất cao, nên thầy cô phải tư vấn cho các em lựa chọn phù hợp”.

Tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Yên Bái kế hoạch TVHN cho học sinh được xây dựng từ đầu năm học. Trong đó, tập trung từ tháng 3, quy định tiết thứ 5 của ngày thứ 4 hàng tuần, tập trung toàn bộ khối lớp 12 để hướng dẫn tư vấn chọn ngành, chọn nghề, cách làm bài thi, hướng dẫn làm hồ sơ...

Cũng giống như tất cả các trường THPT toàn tỉnh, Trường THPT Hoàng Quốc Việt khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ sư phạm, để mỗi thầy, cô giáo là người TVHN thực sự hiệu quả cho các em học sinh. Đồng thời, tổ chức tìm hiểu nguyện vọng, năng lực, khối thi, ngành thi... mà các em học sinh quan tâm để kịp thời tư vấn cho các em chọn ngành, nghề phù hợp, tránh để các em thiếu sự hiểu biết mà đăng ký ngành, nghề theo cảm tính.

Thầy Phạm Quốc Trọng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xác định là ngôi trường vùng nông thôn, cùng với thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” nên chủ trương của nhà trường là nếu em nào thực sự xuất sắc thì sẽ khuyên các em đi thi ĐH, còn không thì khuyên các em học nghề để phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình, hoàn cảnh của các em”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, Trường THPT Hoàng Quốc Việt chỉ có 55 em dự thi cụm thi quốc gia, còn 115 em dự thi cụm thi địa phương để học nghề phù hợp với sở trường của từng em.

Với định hướng TVHN “đi tắt đón đầu”, vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh mở 2 lớp học nghiệp vụ du lịch, nhà hàng với thời gian 18 tháng cho học sinh khối lớp 11. Theo đó, 50 em học sinh khối lớp 11 (sang năm học 2016 - 2017 sẽ tốt nghiệp) và sau khi tốt nghiệp THPT sẽ có thêm một bằng cao đẳng nghề.

Thầy Phạm Quốc Trọng thông tin thêm: “Du lịch tỉnh Yên Bái đang ngày một phát triển, nhiều dự án khu du lịch sinh thái đang được triển khai. Việc mở lớp nghề cho 50 em học sinh lớp 11 của nhà trường là hợp lý và kịp thời. Khi bắt đầu triển khai lớp nghiệp vụ du lịch, nhà trường đã mời phụ huynh lên họp, tất cả các phụ huynh đều phấn khởi và thấy thiết thực. Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch đã tổ chức thi khảo sát tuyển chọn các em đăng ký từ hình thức, năng khiếu và sau đó chỉ có 50 em được tuyển chọn. Trường rất kỳ vọng vào cách hướng nghiệp “đi tắt đón đầu” này”.

Có thể thấy, TVHN trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực tế hơn rất nhiều. Điều này, thể hiện ở con số thống kê của Sở GD&ĐT từ năm 2012 đến năm 2015, số học sinh lớp 12 dự thi ĐH, CĐ giảm từ 70,9% xuống còn 38,7%, số còn lại chuyển sang học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp. TVHN thực tế sẽ giảm được tình trạng chọn sai ngành, sai nghề, giảm được áp lực thi cử, đặc biệt, giảm được tình trạng thất nghiệp, “thừa thầy thiếu thợ” diễn ra nhiều năm nay.

Thanh Ba

Các tin khác
Xã Châu Quế Thượng tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ.

Cụ thể hóa đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên - Tiến lên giành 3 nhất”, lập thành tích kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Văn Yên đã phát động thi đua với chủ đề "Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm", góp phần xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện.

Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục