Phát triển cây thuốc nam ở Yên Bái: Cần một quy hoạch đồng bộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2016 | 9:40:39 AM

YBĐT - Theo Hội Đông y, hiện toàn tỉnh Yên Bái có trên 275 loại, một số loài quý hiếm như: cây lan kim tuyến ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu với công dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư...

Ông Lê Đức Kế (bên phải) - một hộ dân trồng, chế biến thuốc nam để phát triển kinh tế.
Ông Lê Đức Kế (bên phải) - một hộ dân trồng, chế biến thuốc nam để phát triển kinh tế.

Từ nhiều năm nay, người dân trong tỉnh nói chung và người dân xã Cảm Ân, Bảo Ái, huyện Yên Bình đã bắt đầu thử sức trồng cây thuốc nam và thực sự có được nguồn lợi, kích thích nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, về lâu về dài, cách làm “mỗi nhà mỗi mảnh” sẽ khó mang đến lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.

Yên Bái có hệ thực vật đa dạng, với nguồn cây thuốc khá phong phú. Cây thuốc nam mọc tự nhiên ở vùng núi cao, ven sông, ven suối, rải rác trên nương. Theo Hội Đông y, hiện toàn tỉnh có trên 275 loại, một số loài quý hiếm như: cây lan kim tuyến ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu với công dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; cây lá khôi ở xã Bảo Ái, Cảm Ân, huyện Yên Bình với công dụng chữa bệnh tiêu hóa, dạ dày; cây bảy lá một hoa ở huyện Yên Bình với công dụng chữa rắn độc cắn và thanh lọc giải độc cơ thể...

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên các loại cây thuốc nam tự nhiên của tỉnh đang ngày một cạn kiệt, suy thoái và nhiều loài cây đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cây thuốc được trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát, mất cân đối. Trước thực trạng đó, để bảo tồn, phát triển cây dược liệu, từ năm 2013, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển cây thuốc, bài thuốc để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số” do Tổ chức Caritas - Australia tài trợ tại 2 xã Cảm Ân, Bảo Ái, huyện Yên Bình.

Thông qua Dự án, người dân 2 xã được hỗ trợ, tư vấn về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập. Nhờ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, Dự án đã thu hút 616 hộ, trồng các loài cây thuốc nam như: mạch môn, cây lá khôi, cây củ dòm, cây đinh lăng, cây hoàng tinh hoa trắng, với diện tích 123.000 m2.

Ông Nguyễn Văn Tơ - Chi hội phó Chi hội Đông y xã Cảm Ân cho biết: "Trước đây, bà con thường khai thác cây thuốc một cách tự nhiên, chưa có khái niệm trồng mới. Từ khi Dự án bảo tồn và phát triển cây thuốc nam được triển khai, nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, các gia đình tham gia Dự án đã xây dựng quy ước cùng cam kết hạn chế khai thác cây thuốc nam tự nhiên và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng. Nhiều người ngoài việc trồng, chăm sóc, đã có ý thức sưu tầm, tìm kiếm những giống cây quý về trồng tại vườn thuốc của gia đình, đảm bảo việc thu hái, sử dụng đi đôi với việc trồng và bảo vệ cây thuốc quý".

Thăm mô hình trồng cây thuốc nam của chị Nguyễn Thị Yến, thôn Tân Yên, xã Cảm Ân, trong vườn nhà chị trồng nhiều loại thuốc, trong đó có mạch môn, đinh lăng, củ dòm, cây khôi. Đây đều là các loại thuốc quý phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Chị Yến cho biết: “Trước đây tôi không biết đến các cây thuốc nam này. Nhưng từ khi được đại diện Hội Đông y tỉnh đến tư vấn, chia sẻ các kiến thức, lợi ích của cây thuốc nam, tôi cùng với nhiều hộ gia đình khác phấn khởi, chủ động trồng với mong muốn bảo tồn cây thuốc, tăng thu nhập”.

Tuy nhiên, khi kỹ thuật trồng, chăm sóc đã được chú trọng, những vườn cây thuốc nam được bà con nuôi trồng lên xanh tốt thì xảy ra một nghịch lý là cây thuốc làm ra không có nơi tiêu thụ ổn định, bị tư thương ép giá.

Nguyên nhân của nghịch lý trên là do các hộ trồng cây thuốc nam tại nhà thường tận dụng đất vườn, trồng manh mún nhỏ lẻ, sau đó đem bán với nhiều mức giá khác nhau, cho nên vô tình khiến giá cây thuốc thường hay lên xuống thất thường.

Ngoài ra, các cơ sở y tế không thu mua dược liệu tại địa phương để bào chế sử dụng tại chỗ, mà phải mua qua cơ chế đấu thầu và mua với số lượng lớn. Trong khi người dân trồng nhỏ lẻ, không thể bán cho các công ty, mà phải bán cho tư thương nên bị ép giá.

Ông Hà Hữu Lợi, thôn Tân Tiến, xã Cảm Ân cho biết: “Gia đình tôi trồng 1 sào mạch môn, 100 cây khôi, 200 cây đinh lăng. Sau hơn 3 năm trồng, chăm sóc đến kỳ thu hái thì bị thương lái ép giá, lá cây khôi tươi bán với giá 20 - 25 nghìn/cân, còn mạch môn bán tươi thì người ta không mua, còn muốn bán được thì phải làm khô mang tận ra huyện, tỉnh bán giá lại thấp”.

Trong khi, những hộ trồng cây thuốc nam có tới 90 % là đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và họ trồng cây thuốc nam với mong muốn bảo tồn, nhưng quan trọng hơn cả là cây trồng phải cho thu nhập giúp ổn định cuộc sống. Trong khi đó, trồng cây thuốc nam chưa thể đáp ứng mong mỏi của người dân. Thực tế, nhiều hộ đã và đang phá bỏ cây thuốc nam để trồng cây nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn.

Vậy, để cây thuốc nam được trồng, bảo tồn bền vững, cần nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, từ đó khoanh nuôi, trồng tập trung thành vùng dược liệu. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp dược trong, ngoài tỉnh đầu tư chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu.  

Thu Hiền

Các tin khác
Các đại biểu dự Hội nghị.

Sáng 26/4, Ban Chỉ đạo (BCĐ) diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) huyện Lục Yên tổ chức Hội nghị thống nhất, triển khai nhiệm vụ diễn tập năm 2024.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương bấm nút Khai mạc tháng ATVSLĐ và tháng Công nhân

Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024. Sự kiện do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Sáng nay- 26/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 với chủ đề: "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và "Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục