Những tuần học đầu tiên ở vùng cao Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2016 | 7:15:00 AM

YBĐT - Những tuần học đầu tiên trong năm học mới 2016 - 2017 của thầy và trò huyện vùng cao Mù Cang Chải vừa đi qua. Còn đó nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ giáo viên, phụ huynh và các em học sinh, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải đang quyết tâm hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ của năm học.

Anh Hờ A Cu ở bản Tủa Mả Pang, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đưa con tới trường.
Anh Hờ A Cu ở bản Tủa Mả Pang, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đưa con tới trường.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới mà trường, lớp nào ở Mù Cang Chải cũng đông vui, nhộn nhịp. Thầy cô ra sức phấn đấu, học trò cố gắng chăm ngoan, đó là tín hiệu rất đáng mừng mà không phải đầu năm học nào ở vùng cao cũng có được. Báo cáo tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho thấy, những ngày cuối tháng 8, học sinh ba cấp gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đã về tựu trường với tỷ lệ trên 80%, ngày 5/9, các đơn vị nhà trường đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới với nhiều hoạt động bổ ích và lý thú, tỷ lệ học sinh dự lễ khai giảng và học buổi học đầu tiên lên đến trên 97%, một tỷ lệ được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Hương Giang - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải tâm sự: “Gắn bó với giáo dục vùng cao nhiều năm rồi nên tôi biết, việc huy động học sinh đầu năm học bao giờ cũng rất khó khăn, trẻ còn mải chơi, mải lao động phụ giúp gia đình. Sau mấy tháng hè, nhiều em không còn muốn đến lớp; cá biệt có những học sinh nữ muốn ở nhà lấy chồng”.

Nhận thức được khó khăn mang tính thường niên này, năm 2016, huyện đã có sự chuẩn bị cho năm học mới từ rất sớm, đặc biệt là công tác huy động học sinh ra lớp, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, Ban Thường vụ Huyện ủy có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành được Huyện ủy phân công giúp đỡ các địa phương, cử cán bộ về các xã đôn đốc việc huy động học sinh ra lớp, ngăn chặn tình trạng bỏ học…

Tại các xã, cấp ủy, chính quyền đã đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và những người có uy tín trong cộng đồng cùng chung sức quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nói chung, tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh và các cháu hoc sinh tới trường, ra lớp khi bước vào năm học mới nói riêng.

Để năm học mới bắt đầu đúng như kế hoạch đã đề ra và nhất là ngày khai giảng năm học mới thực sự đông vui, toàn bộ giáo viên, nhân viên các nhà trường, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa đã kết thúc kỳ nghỉ hè từ cuối tháng 7, mang theo tư trang, lương thực, thực phẩm và sách vở, tài liệu vượt núi lên trường, sửa lại mái nhà, bức vách, vun mấy luống đất, quãi nắm hạt rau… mong cho sớm ổn định nơi ăn, chốn ở rồi chia nhau về các thôn, bản, đến từng nhà học sinh để tuyên truyền, vận động các cháu ra lớp.

Đến tận nhà các em là chuyện chẳng dễ, các thầy cô phải lội suối sâu hoặc vượt núi cao trong điều kiện thời tiết mưa gió hay nắng gắt, có những chuyến đi mấy tiếng mới đến bản mà phụ huynh bận đi nương chẳng gặp được. “Khó khăn nhưng vẫn phải đến, phải gặp cho bằng được để thầy cô nắm rõ được hoàn cảnh gia đình từng em, để được tâm sự, sẻ chia cùng cha mẹ học sinh của mình, đó là công việc rất cần thiết” - đó là tâm sự của các thầy, các cô khi trao đổi với chúng tôi. Với những sự nỗ lực như thế, kết quả là học sinh ra lớp với tỷ lệ gần 100% vào ngày khai giảng cũng là điều dễ hiểu. Càng quý hơn khi được biết, học sinh ra học từ ngày 15/8, trong khi đến ngày 1/9 mới triển khai chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao học bán trú. Điều ấy có nghĩa là gia đình phải tự túc 100% lương thực, thực phẩm cho con em. Nào gạo, thịt, cá mắm, rau xanh... được những ông bố, bà mẹ người Mông gùi ra tận lớp nhờ cô giáo nấu cho con em mình.

Từ ngày 1/9, chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116 của Chính phủ được triển khai, mỗi em, mỗi tháng có 15 kg gạo, hơn 400 nghìn đồng tiền mua thức ăn, các em còn được hỗ trợ 50 nghìn đồng tiền thuốc chữa bệnh, 100 nghìn tiền mua sắm đồ dùng văn hóa, thể dục, thể thao. Có thể 15 kg gạo trích từ nguồn dự trữ quốc gia và 400 nghìn đồng dành mua thực phẩm cũng không phải là nhiều so với mức sống ở thành thị nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để bát cơm được đầy, không độn ngô, độn sắn; bữa ăn có muôi canh, miếng đậu và mấy lát thịt, đủ để no cái bụng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các em đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Cô và trò Trường Mầm non Khao Mang.

Có mặt ở các lớp học vùng cao những ngày đầu năm học 2016 - 2017 mới thấy thầy cô nơi đây vất vả biết nhường nào. Sau sáp nhập theo Đề án Sắp xếp mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, học sinh từ các thôn, bản về điểm trường chính học tập và ăn ở. Đại đa số các em chưa quen với nền nếp sinh hoạt mới. Nhiều cháu nhất là lớp 1, lớp 2 còn nhỏ, chưa xa cha mẹ nên quấy khóc. Nhiều học sinh lớn hơn thì nghịch ngợm, sẵn sàng bỏ lớp, bỏ trường đi chơi hoặc vượt núi quay về bản của mình vào bất kỳ giờ giấc nào.

Trong bối cảnh ấy, thầy cô phải nỗ lực gấp nhiều lần, nhiều nhà trường ở Mù Cang Chải đã yêu cầu 100% cán bộ giáo viên có mặt ở trường từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút. Những cán bộ, giáo viên được phân công trực thì phải cùng ăn, ngủ với các em học sinh, đến khi nào nền nếp đi vào ổn định. Vất vả là thế nhưng các thầy, các cô ở La Pán Tẩn, Dế Xu Phình hay Khao Mang, Hồ Bốn… đều vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày đầu tiên của năm học mới, tỷ lệ chuyên cần của các trường học ở Mù Cang Chải đạt trên 97%.

Đến thăm thầy cô Trường Tiểu học Khao Mang, đồng chí Vũ Đình Lợi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải nhận xét: “Nhìn học sinh như bầy chim sẻ, cứ ríu rít bên các cô giáo trong giờ ăn, giờ học hay chúng nghe cô đọc chuyện, mình thấy vui và xúc động lắm! Thầy cô tâm huyết, trẻ nhỏ chăm ngoan là cơ sở vững chắc nhất để Mù Cang Chải đi lên”. Đến Trường Tiểu học Khao Mang, chúng tôi tình cờ gặp một phụ huynh đang xắn tay áo và ân cần hỏi han cậu con trai. Hỏi chuyện mới biết, anh là Hờ A Cu, nhà ở bản Tủa Mả Pang. Sáng nay, anh vượt gần chục cây số xuống thăm con. Không còn nhút nhát nữa, cậu bé khoe với phóng viên và bố mình là học ở đây được ăn no, bữa nào cũng có thịt và vui lắm. Anh Hờ A Cu quay ra nói với chúng tôi: “Nhớ nó quá, đi cả tuần rồi, hôm nay mới được gặp. Nhìn thấy nó vui vẻ mà còn khỏe ra thế này là tôi và mẹ nó yên tâm rồi”.  

Bên cạnh những tín hiệu rất tích cực nói trên, giáo dục vùng cao Mù Cang Chải cũng đang gặp một số khó khăn. Thực hiện sáp nhập trường lớp, sắp xếp đội ngũ, tới nay, Mù Cang Chải đã ổn định về tổ chức, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp nhưng do học sinh từ các thôn, bản, điểm lẻ về học bán trú tại điểm trường chính nên một số nơi đang quá tải cục bộ như thiếu phòng, thiếu nhà vệ sinh, công tác quản lý học sinh cũng gặp khó khăn hơn. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải - Hoàng Văn Đồng cho biết: “Tuy có những khó khăn như vậy, nhưng huyện đã chỉ đạo và Phòng đã nhắc nhở các nhà trường chủ động bố trí hợp lý chỗ ăn, nghỉ cho học sinh; làm nhà vệ sinh tạm trong khi chờ các nguồn đầu tư xây dựng của tỉnh, huyện và tài trợ, hỗ trợ của xã hội”.

Giáo dục vùng cao là thế, thầy cô phải nỗ lực phấn đấu, học sinh phải cố gắng vươn lên, những tín hiệu tích cực ban đầu là rất đáng ghi nhận, những khó khăn, vất vả cần tiếp tục được sẻ chia, trong đó có những vấn đề bức thiết cần được sớm quan tâm giải quyết.

Lê Phiên - Anh Hải

Các tin khác
Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Sáng 26/4, Ban Chỉ đạo (BCĐ) diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) huyện Lục Yên tổ chức Hội nghị thống nhất, triển khai nhiệm vụ diễn tập năm 2024.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục