Kỷ niệm 38 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc (17/2/1979 -17/2/2017)

Ấm lòng người có công

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2017 | 8:26:30 AM

YBĐT - Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), tỉnh Hoàng Liên Sơn, (đến năm 1991 chia tách thành tỉnh Yên Bái và Lào Cai) - địa bàn giáp với biên giới của Trung Quốc, bị địch đánh phá ác liệt. 

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người con thân yêu của nhân dân các dân tộc Yên Bái đã lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều người đã hy sinh hay để lại một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, sự hy sinh đó luôn được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái bù đắp nhằm xoa dịu những hy sinh, mất mát vì Tổ quốc.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), tỉnh Hoàng Liên Sơn, (đến năm 1991 chia tách thành tỉnh Yên Bái và Lào Cai) - địa bàn giáp với biên giới của Trung Quốc, bị địch đánh phá ác liệt. Vào thời điểm đó, cùng với lực lượng bộ đội chủ lực, nhân dân các dân tộc tỉnh Hoàng Liên Sơn đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Khi chiến sự xảy ra, từ thị xã Lào Cai đến thị xã Yên Bái, từ vùng thấp đến vùng cao, khắp mọi nơi trong tỉnh, đều biến quyết tâm thành sức mạnh hành động, chia lửa với quân và dân các huyện, thị xã vùng biên giới.

Trong đó, hàng vạn thanh niên Yên Bái đã xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng vũ trang và nhân dân đã đoàn kết thành một khối, mưu trí, dũng cảm, kiên quyết chặn bước tiến của địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề. Về hậu phương, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phong trào vận động quần chúng nhân dân xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân sâu rộng từ cơ sở.

Tỉnh đã huy động nhân dân nhân đóng góp hàng triệu cây tre, hàng vạn công đào hào, đắp lũy xây dựng hệ thống phòng thủ; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất bảo vệ cho cán bộ và nhân dân biên giới sơ tán về tuyến sau. Các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, thị xã Yên Bái… trở thành nơi tiếp nhận, bố trí nơi ăn ở và sắp xếp việc làm cho hàng vạn nhân khẩu sơ tán.

Thực hiện Phong trào “Nhà nhà góp quỹ nuôi quân”, Hội phụ nữ các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn… đã cổ vũ động viên mỗi gia đình đóng góp 1 con gà, 2 kg gạo, 10 kg rau màu, 2 bó củi… để ủng hộ bộ đội, dân quân. Chính quyền, đoàn thể còn tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, giúp đỡ các hộ về sơ tán có chỗ ăn, ở từng bước ổn định cuộc sống...

Theo thống kê, từ khi chiến sự xảy ra, tính đến ngày 5/3/1979, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hoàng Liên Sơn đã giúp đồng bào sơ tán 41.315 kg lương thực, hàng tấn rau xanh và trên 3.000 chiếc quần, áo và nhiều tiền mặt... Tỉnh đã huy động hàng vạn ngày công, trên 1.200 lượt ngựa thồ và xe cơ giới của các huyện thuộc Yên Bái, Nghĩa Lộ cũ, chuyên chở trên 3.000 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kịp thời cho các đơn vị chiến đấu.  Bảo vệ tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, quân ta đã tiêu diệt 11.500 tên địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự các loại…

Với những thành tích trong chiến đấu vì phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn được Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; thị xã Lào Cai và huyện Mường Khương được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; xã Tà Phìn (Sa Pa) được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; huyện Bát Xát, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; 4 đơn vị và 6 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 389 đơn vị, cá nhân trong tỉnh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba. Trong đó, các xã Hưng Khánh (Trấn Yên), Thanh Lương (Văn Chấn), khu phố I (thị xã Yên Bái) và Nhà máy Thủy điện Thác Bà được công nhận là đơn vị điển hình tiên tiến trong Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Dù bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, nhưng có thể nói, những tổn thất do chiến tranh biên giới gây ra là hết sức nặng nề, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng mất mát, đau thương của nó vẫn còn đó. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, những năm qua, cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã có nhiều nỗ lực hàn gắn những đau thương, mất mát đó. Và điều này được thể hiện rõ qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 85.442 hồ sơ đối tượng chính sách ưu đãi người có công. Trong đó có 5.831 liệt sỹ, 280 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 4.441 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 1.421 bệnh binh, 1.682 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 115 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt, tù đày, 53.529 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế… Có thể đánh giá, công tác quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng được tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ, bảo đảm đúng chế độ chính sách quy định”.

Theo đó, mỗi năm, tỉnh chi trên 170 tỷ đồng các khoản trợ cấp và chế độ ưu đãi, quá trình chi không để xảy ra thất thoát tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Trong phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng, hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành cùng nhân dân thực hiện ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng. Với nguồn quỹ trên cùng với các nguồn quỹ hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.829 người có công, thương binh, bệnh binh được hỗ trợ về tu sửa, làm mới về nhà ở với tổng kinh phí thực hiện trên 66 tỷ đồng.

 Tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc 15 nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh với gần 2.000 mộ liệt sỹ, thường xuyên được quản lý, chăm sóc. Vào các dịp lễ tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), ngoài tổ chức các đoàn đến viếng các nghĩa trang liệt sỹ trong và ngoài tỉnh, các địa phương đều tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công với cách mạng. Đến nay, 100% đối tượng chính sách là người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hàng năm, các đối tượng chính sách có tiêu chuẩn điều dưỡng, kết hợp với tham quan thắng cảnh của đất nước, hay tại gia đình đều chu đáo…

Đặc biệt, từ phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ đã từng bước nâng cao đời sống của gia đình chính sách. Đến nay, trên địa bàn không có hộ gia đình chính sách thuộc diện đói nghèo. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và các địa phương, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng phấn đấu vượt lên thương tật và những khó khăn vất vả của đời thường để xây dựng gia đình kinh tế ổn định và phát triển, tích cực tham gia công tác xã hội, thực sự là những tấm gương sáng để cộng đồng xã hội học tập, noi theo, xứng đáng với lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Chiến tranh đã lùi xa, những mất mát đau thương còn đó và đang được các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân hàn gắn bằng những việc làm hết sức ân tình, để từ đó chúng ta hướng tới một tương lai tốt đẹp, không có chiến tranh mà chỉ có hòa bình.

Thạch Phong

Các tin khác
Xã Châu Quế Thượng tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ.

Cụ thể hóa đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên - Tiến lên giành 3 nhất”, lập thành tích kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Văn Yên đã phát động thi đua với chủ đề "Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm", góp phần xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện.

Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục