Những kho thóc ươm mầm trí tuệ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/2/2012 | 2:36:06 PM

YBĐT - Xác định rõ một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng đói nghèo là do mặt bằng dân trí thấp nên nhiều năm qua, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí được huyện Trạm Tấu coi là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Lãnh đạo xã và Ban giám hiệu Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Trạm Tấu trao quà cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Lãnh đạo xã và Ban giám hiệu Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Trạm Tấu trao quà cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Những ưu tiên đó dựa trên cơ sở thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, Trạm Tấu còn là một điển hình tự vượt lên khó khăn và phát huy nội lực trong sự nghiệp “trồng người”.

Hơn chục năm về trước, nhất là ở vùng đồng bào Mông sinh sống, việc huy động trẻ em đi học luôn là vấn đề nan giải của ngành giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm ấy, Trạm Tấu là địa phương đầu tiên đưa ra sáng kiến hỗ trợ gạo cho học sinh đi học bán trú và chủ trương này được tỉnh ủng hộ mạnh mẽ. Vậy là từ chỗ đang lúng túng trước việc huy động trẻ em đến lớp, Trạm Tấu đã mở ra cơ hội cho rất nhiều con em của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cắp sách đến trường.

Cũng từ hiệu ứng của việc hỗ trợ gạo, Trạm Tấu lại đi đầu trong việc hình thành mô hình trường học bán trú dân nuôi (BTDN). Có mô hình này là bởi địa hình ở đây cách trở, đường sá đi lại khó khăn nên ngay trong một xã mà các em nhỏ có khi phải đi hơn chục cây số mới đến được trường học. Mô hình mau chóng khẳng định hiệu quả và không những được nhân rộng trong toàn huyện mà còn được nhân rộng ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội giống Trạm Tấu. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều đã chuyển các trường tiểu học, trung học cơ sở sang mô hình trường BTDN. Những khó khăn trong xây dựng mô hình này dần được huyện đưa ra các giải pháp khắc phục như xây dựng nhà ở, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và tổ chức nấu ăn cho học sinh.

Dẫu vậy, mô hình trường BTDN vẫn bộc lộ những khó khăn là khi đến mùa giáp hạt, nhiều gia đình không đủ gạo cho con em đi học bán trú khiến nhiều em phải nghỉ học. Điều đó dẫn đến tỷ lệ học tập chuyên cần của học sinh ở một số trường chưa cao. Nhận rõ bất cập này, gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đưa ra một sáng kiến mà chưa nơi nào làm được là xây dựng kho thóc khuyến học (KTKH).

Ông Đồng Văn Lả - Bí thư Đảng bộ xã Hát Lừu:

“Nhờ có Kho thóc khuyến học mà trong hai năm vừa qua, xã đã trích thưởng hàng trăm suất quà cho những học sinh có thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo vượt khó, học sinh đỗ vào các trường chuyên nghiệp và nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập”. 

Tuy mới xây dựng điểm ở xã Hát Lừu, Trạm Tấu, Bản Công nhưng chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía người dân và hiệu quả đã vượt ngoài mong đợi. Thăm xã Hát Lừu, ông Đồng Văn Lả - Bí thư Đảng bộ xã phấn khởi cho biết, hàng năm, mỗi hộ trong xã đều tự đóng góp 5kg thóc cho KTKH. Năm 2010, KTKH của xã thu được một lượng thóc tương đương 18 triệu đồng và năm 2011 tương đương 27 triệu đồng.

Xã Trạm Tấu là địa phương có 100% đồng bào Mông sinh sống. Ông Mùa A Páo - Phó chủ tịch UBND xã cho biết, tuy đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng địa phương cũng đã xây dựng được Quỹ Khuyến học trị giá 4 triệu đồng do cán bộ xã và giáo viên đóng góp. Riêng KTKH, hàng năm, mỗi hộ đóng góp 15kg thóc và hiện tại có khoảng 6 tấn.

Cô Vũ Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban cho biết, gia đình học sinh hầu hết thuộc diện đặc biệt khó khăn nên ngoài số gạo đóng góp, tiền thức ăn cho các cháu chỉ có 2.000 đồng mỗi bữa. Vì vậy, những lúc giáp hạt, bà con không đóng góp đủ, kho thóc này sẽ hỗ trợ một phần gạo, còn tiền dành để mua thức ăn cho các cháu nhằm hạn chế tình trạng trẻ suy dinh dưỡng.

Đối với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, Hiệu trưởng Nguyễn Duy Tiến rất tâm đắc với mô hình KTKH. Hiện nhà trường có 200 học sinh bán trú ăn, ngủ tại trường. Trước đây, dù được gia đình đóng góp và có sự hỗ trợ của Nhà nước với học sinh thuộc diện con hộ nghèo nhưng mùa giáp hạt, học sinh vẫn nghỉ học nhiều. Đến nay, nhờ có kho thóc nên lúc giáp hạt, các em vẫn đi học đều. Tỷ lệ học sinh chuyên cần trước đây là 70% - 75% thì nay đã đạt 93% - 98%.

Điều đáng phấn khởi hơn là kho thóc đã giúp cho nhiều gia đình có từ 3 đến 5 con cùng một lúc đều được học tiểu học và trung học cơ sở trong mô hình trường BTDN. Học sinh bán trú có thêm điều kiện tập trung học tập vì không phải phụ giúp công việc gia đình. Các cháu ở bán trú là môi trường tốt để hình thành lối sống tập thể, tự lập đồng thời có điều kiện học tập tốt hơn nhờ thầy cô kèm cặp ngoài giờ và được xem ti vi, đọc sách ở thư viện. Mô hình trường BTDN và KTKH ở xã Trạm Tấu đã giúp cho địa phương có những con số thật ấn tượng: tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 98%; có 100% học sinh tiểu học học tiếp trung học cơ sở; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có từ 60% - 70% được học tiếp trung học phổ thông.

Ông Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết, mô hình KTKH đang được chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn huyện bắt đầu từ năm 2012. Những KTKH ở xã Hát Lừu, Trạm Tấu, Bản Công thực sự trở thành một yếu tố quan trọng để ươm mầm trí tuệ trên mảnh đất quê hương. Đó chính là động lực cốt yếu giúp Trạm Tấu thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ.

Chiều 1/5, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân ban đầu của vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong là do lỗi kỹ thuật lò hơi.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXB), cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 4 ngày Lễ Quốc khánh năm 2024 từ thứ Bảy ngày 31/8 đến hết thứ Ba ngày 3/9/2024.

Một góc xưởng gỗ sau vụ nổ.

Sáng nay (1/5), một vụ nổ lớn nghi do lò hơi tại công ty sản xuất gỗ ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh tỉnh Đồng Nai đã khiến 6 người tử vong, 7 nạn nhân bị thương nặng.

Dịp nghỉ lễ, Suối Giàng - đỉnh núi mờ sương với khí hậu mát mẻ đã trở thành điểm đến lý tưởng để người dân và du khách trải nghiệm và tránh nắng nóng.

Đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt chưa từng có suốt 10 năm qua phủ rộng khắp cả nước suốt dịp nghỉ lễ 30/4 nên Yên Bái cũng không ngoại lệ với nền nhiệt 4 ngày nghỉ đầu luôn trên dưới 40 độ C. Người dân và du khách đến Yên Bái, vì thế, cũng đã muôn kiểu "giải nhiệt" trong những ngày nắng nóng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục