Xé Voong của người Thái đen Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2014 | 9:17:25 AM

YBĐT - Xòe vòng xuất phát từ thực tế cuộc sống. Từ xa xưa, như nhiều dân tộc khác, người Thái đen luôn phải chống chọi lại với thiên tai, bão lũ, thú dữ và giặc giã xâm hại bản mường. Để tồn tại và phát triển như ngày nay, đồng bào luôn luôn phải đoàn kết, gắn bó và cùng nhau chiến đấu.

Vòng đại xòe cổ.
(Ảnh: Thanh Miền)
Vòng đại xòe cổ. (Ảnh: Thanh Miền)

Mường Lò từ lâu đã nổi tiếng với những điệu xòe cổ, trong đó đặc biệt là xé voong, tức xòe vòng. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa có vai trò quan trọng trong cộng đồng, đã tồn tại hàng trăm năm nay, từ khi tổ tiên người Thái đen đặt bước chân đầu tiên tới cánh đồng Mường Lò rộng lớn, trù phú mà sau này trở thành cái nôi văn hóa của người Thái đen Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Xòe vòng là một hình thức múa cộng đồng. Những người múa nắm tay nhau cùng múa xung quanh một đống lửa lớn trong những ngày lễ hội, các dịp sinh hoạt văn hóa tập thể mang tính chất cộng đồng cao, đặc biệt là trong các dịp tết nguyên đán và tết xíp xí của đồng bào thì xòe vòng thường được tổ chức. Xòe vòng mang tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết. Trải qua thời gian chống chọi lại với thiên nhiên, giặc giã thì xòe vòng ngày càng phát triển và không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái đen Mường Lò.

Xòe vòng xuất phát từ thực tế cuộc sống. Từ xa xưa, như nhiều dân tộc khác, người Thái đen luôn phải chống chọi lại với thiên tai, bão lũ, thú dữ và giặc giã xâm hại bản mường. Để tồn tại và phát triển như ngày nay, đồng bào luôn luôn phải đoàn kết, gắn bó và cùng nhau chiến đấu.

Sau mỗi trận thắng, cả bản, mường lại cùng nhau đốt lửa ăn mừng. Họ nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa để thể hiện tinh thần gắn bó và cố kết cộng đồng. Việc đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần và đặc biệt là trong các dịp lễ tết truyền thống, họ cùng nhau nhấp chén rượu thơm nồng được cất từ gạo dẻo thơm của cánh đồng Mường Lò, tay trong tay trong điệu xé voong, để nhớ lại những thời khắc lịch sử, nhớ lại những trận chiến thắng của tổ tiên và cha ông, cùng giáo dục thể hệ trẻ phải đoàn kết.

Những bàn tay không bao giờ được rời nhau trong điệu múa thể hiện tinh thần đoàn kết để bảo vệ và xây dựng bản mường trường tồn, phát triển. Do vậy, điệu xòe vòng trở thành điệu múa cộng đồng nổi tiếng và gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái đen ở Mường Lò nói riêng và ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam nói chung.

Yếu tố đại chúng của xòe vòng và vai trò của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái đen vô cùng quan trọng. Nó không chỉ được tổ chức trong các dịp lễ tết truyền thống, trong các dịp sinh hoạt cộng đồng quan trọng của cả bản, mường mà còn thường xuyên được tổ chức trong các lễ cưới, lễ hội, trong các dịp vui có sự tham gia của nhiều người với chiêng trống và các nhạc cụ như khèn bè, ống tăng bẳng gõ phụ họa để tăng thêm không khí rộn ràng cho điệu múa.

Xòe vòng không quy định về số lượng người tham gia và vòng xòe. Có thể là một hoặc nhiều vòng xòe. Vòng xòe đơn được chuyển ngược chiều kim đồng hồ, vòng xòe đôi, ba… được chuyển động ngược chiều nhau. Trong một mâm cơm cỗ, sau những chén rượu, những người bạn, người thân trong gia đình thể hiện tinh thần thân ái bằng việc nắm tay nhau trong điệu xòe vòng quanh mâm cơm hoặc bếp lửa của gia đình, đây là hình thức xòe vòng phổ biến vì số lượng người tham gia không đông và họ có thể xòe bất kỳ lúa nào.

Đội hình cơ bản của xòe vòng là đội hình mà người tham gia đứng thành vòng tròn, tay nắm tay, có thể kết hợp giữa một nam và một nữ, ban đầu thì vòng tròn còn nhỏ, hẹp, sau dần dần vòng xòe được mở rộng thêm ra vì số lượng người tham gia mỗi lúc một đông, không hạn chế. Vừa qua, đồng bào dân tộc Thái đen ở Mường Lò đã xác lập kỉ lục Guiness về màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam với trên 2.000 người tham gia.

Chúng ta có thể thấy tính phổ biến và sự thu hút của một điệu múa cộng đồng với những động tác đơn giản mà ai cũng có thể tham gia được trong mọi điều kiện khác nhau. Có lẽ chính vì dễ học, dễ tham gia, dễ sinh hoạt mà đã làm cho điệu xòe có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian mà tồn tại như một nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Dân ca Thái có câu: “…Không xòe không tốt lúa/Không xòe thóc cạn bồ…”. Xòe cho tốt lúa, xòe cho thóc đầy bồ, đó là những mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp sau những điệu xòe gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc Thái đen ở Mường Lò.

 Nguyễn Mạnh Hùng 

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục