Hiên ngang trên đỉnh Đở Chua

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 9:43:58 AM

YBĐT - Quê tôi trên cao nguyên Mù Căng Chải xa xôi, đầy nắng gió mùa hè và sương lạnh lúc đông sang. “Đường về nơi ấy mờ sương phủ/Đèo mây hun hút tận cổng trời”. Lên với mảnh đất ngang trời này, phải vượt qua đỉnh đèo Khau Phạ (tiếng Thái có nghĩa là sừng trời) còn người Mông quê tôi gọi đó là Đở Chua (tức là đỉnh núi nhiều gió). Ở đây hầu như quanh năm gió hú triền miên.

Màng mủ mùa nụ đơm hoa.
(Ảnh: Lê Trung Kiên)
Màng mủ mùa nụ đơm hoa. (Ảnh: Lê Trung Kiên)

Từ độ tháng Mười cho tới tận tháng Tư năm sau, nơi cổng trời này còn phải đón cả những luồng gió lào khô hanh từ mạn Sơn La ào ạt tràn qua, như muốn vắt cạn từng dòng khe nhỏ bên sườn tây của dãy Khau Phạ. Giữa cái khắc nghiệt của mùa khô suốt ngày gió nóng, một loài cây vẫn hiên ngang xanh rợp lá cành. Đó là những cây màng mủ, vốn rất đỗi thân thương với người Mông trên mảnh đất từng được mệnh danh là “bản cây khô này ”.

Màng mủ là loài cây gỗ lớn, thân thẳng vươn lên mạnh mẽ trên đất sỏi khô cằn, đặc biệt là lớp vỏ của nó, có thể dày tới vài cen-ti-mét. Tóc hoe vàng trên lưng mẹ lên nương, từ tấm bé đã thuộc “quả rừng nào có mật, lá rừng nào con phải tránh xa”, tôi chưa từng gặp loài cây nào có lớp áo dày như màng mủ. Cùng nhờ lớp vỏ dày ấy mà mỗi khi hanh khô rừng ào ào bốc lửa, màng mủ vẫn hồi sinh mãnh liệt. Chỉ sau vài tuần, lớp vỏ sần sùi rát bỏng lửa thiêu, đã bắt đầu liền sẹo, rồi bật lên những mầm sống mới. Màng mủ cũng giống như cuộc sống và khát vọng vươn lên của những người dân quê tôi, nơi mảnh đất còn nhiều gian khó.

Những sườn dốc khô cằn toàn đá gan gà: Mồ Dề, Kim Nọi, Ngã Ba Kim…  là nơi xuất hiện nhiều loài thụ mộc can trường này. Lá của màng mủ từa tựa lá chè shan. Mùa xuân, khi mới phát lộc, những búp non màng mủ trên cành lung linh màu hồng phấn, tràn căng nhựa sống. Hè sang, tán màng mủ xanh thẫm, xòe rộng, vi vút gió làm thành khúc nhạc rừng xao động trên cao. Nếu như mùa xuân, Mù Cang Chải rực hồng hoa tớ dày, trắng ngần tinh khiết hoa mận trong vườn, thì thu sang cùng với màu vàng của cúc quỳ dàn dạt khắp thung khe và sắc vàng no ấm của sóng lúa ruộng bậc thang, còn có vẻ đẹp duyên dáng của từng chùm hoa màng mủ như trang điểm thêm cho thiên nhiên cuộc sống ở nơi “gặp gỡ đất trời này”.

Những chùm hoa trắng, nhụy vàng, mềm mại như lụa được nâng niu bởi những cánh đài bao quanh dày xanh màu cốm. Hoa màng mủ không nở đồng loạt như hoa đào hay hoa tớ dày mà chỉ khai nhụy từng bông và có độ bền khá lâu. Phải chăng, những chùm hoa trắng xinh kia, chính là sự chắt lọc tinh túy cả chín tháng trời vượt lên môi trường sống khắc nghiệt, của loài cây can trường và bền bỉ này để làm nên điều kỳ diệu của tự nhiên. Nở vào mùa thu, hoa màng mủ cũng giúp cho những bầy ong rừng có thêm nguồn phấn dự trữ trước mùa đông lạnh giá sắp về và làm nên những giọt mật sóng sánh hồng, ngọt ngào hương vị vùng cao.

Cũng bởi quanh năm xanh rịm lá cành mà ven nương cũng như nơi đầu bản, người Mông quê tôi thường giữ lại những cây màng mủ lớn. Buổi chiều nắng cháy trên nương, bóng màng mủ như ngả về lưng mẹ, ru giấc nồng mơ ước tuổi thơ tôi.

“ Ầu ơ…ớ ơ ầu ơ …..
Con ơi con ngủ cho ngoan !
Con chim nó đậu trên cành cao
Tiếng nó hót vang vọng cả ngàn.
Con ơi con đừng khóc!
Con hãy ăn khỏe, chóng lớn
Như cây lim, cây thông trong rừng xanh.
Con sẽ là chỗ dựa của bản
Là người bảo vệ dòng họ ta ….,,

Rồi những đêm xuân, thổn thức tiếng chim Lì di gọi bạn, phía đầu bản, bên gốc màng mủ từng chứng kiến bao mùa hò hẹn của lứa đôi, lại thầm thì rung vọng tiếng đàn môi hòa cùng tiếng khèn nồng nàn và mê đắm…

Tôi lớn lên bằng lời ru trên núi và những mùa lúa thơm kín lũng kín ngàn, được học hành và chắp cánh bay xa. Ký ức tháng năm cứ chảy tràn trong nỗi nhớ. Nhớ hương vị mật ong, ngọt ngào như câu hát dân ca miên man như không bao giờ kết thúc, gợi mùa hoa màng mủ mùa thu rung rinh trong gió núi. Nhớ mái nhà lợp ván thông xòe như nếp váy, trên những hàng cột làm bằng thân cây màng mủ, cha mang về từ những mỏm núi xa, qua bao nắng mưa và gió lào sương lạnh, vẫn vững vàng ôm ấp tuổi thơ tôi.

Thanh Tửu

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục