Tuấn Nghĩa và hành trình đi tìm cái đẹp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/1/2015 | 9:01:06 AM

YBĐT - Ở tuổi lục tuần rồi nhưng Tuấn Nghĩa vẫn dồi dào cảm xúc, nhiệt huyết, đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh vẫn đầy hăm hở trong những chuyến đi thực tế sáng tác, vẫn trăn trở tìm một góc máy mới cho những hình ảnh quen thuộc, để không có sự lặp lại trong sáng tạo.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thanh bình, yên tĩnh, nơi chiến khu Bảo Long thời chống Pháp, nay là xã Bảo Hưng (thành phố Yên Bái), tuổi thơ Tuấn Nghĩa cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, vừa học vừa giúp cha mẹ gánh vác việc đồng áng. Những buổi chiều tà, tiếng mõ trâu lốc cốc trên đường làng, tiếng kẻng hợp tác xã keng keng báo giờ tan tầm, tiếng chuông nhà thờ thánh thót ngân vang lên thinh không. Tất cả những âm thanh, hình ảnh làng quê thanh bình ấy lan tỏa vào sâu thẳm tâm hồn cậu bé Tuấn Nghĩa, cứ thế lớn dần lên theo năm tháng. Nhìn những tấm hình phong cảnh trên những cuốn họa báo thời ấy, Tuấn Nghĩa nghĩ nếu cảnh vật, con người quê mình cũng được đi vào trong ảnh chắc cũng đẹp đẽ chẳng kém gì. Và anh ao ước giá có chiếc máy ảnh để ghi lại những hình ảnh thân thương ấy. Nhưng rồi vừa học hết cấp III, như bao lớp thanh niên thuở ấy, Tuấn Nghĩa phải gác lại những ước mơ tuổi trẻ để lên đường ra mặt trận với hành trang của người lính: một chiếc ba lô, một khẩu súng trường, một ngôi sao trên mũ.

Chiến tranh kết thúc, trở về quê hương, sức khỏe đã giảm sút, Tuấn Nghĩa được chuyển ngành về công tác tại Phòng Lương thực thị xã Yên Bái. Công việc cơ quan với trách nhiệm một cán bộ cấp phát lương thực, gánh nặng gia đình, nỗi đau người anh thân yêu nằm lại ở chiến trường Tây Nguyên khiến Tuấn Nghĩa không còn thời gian, tâm trí dành cho ước mơ của mình. Nhưng rồi, khi đã xong mọi công việc của một ngày, khi vợ con đã chìm vào giấc ngủ thì những kỷ niệm, những hình ảnh, âm thanh của làng quê thân thương và ước muốn ghi lại những hình ảnh ấy lại trỗi dậy trong anh.

Sau bao đêm trăn trở, Tuấn Nghĩa cố dành dụm mua một chiếc máy ảnh cũ để thỏa ước muốn của mình. Anh chụp hình ảnh của làng quê, của người thân, của bạn bè và tặng họ làm kỷ niệm một cách say mê. Tuy những tấm hình ấy còn nhiều non kém về kỹ thuật song đó là thành quả lao động của chính mình khiến Tuấn Nghĩa vô cùng thích thú. Anh dần hiểu người nghệ sỹ nhiếp ảnh đã sáng tạo ra cả một thế giới mới từ những cái thường ngày, quen thuộc. Làm sao để có một bức ảnh không phải là sự lặp lại những gì đã có trong tự nhiên? Làm sao để gửi gắm được cảm xúc, tư tưởng của người nghệ sỹ qua những tấm ảnh? Anh đã tìm đến với các tay máy kì cựu trong tỉnh để học hỏi, rồi tìm đến với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Con đường nghệ thuật nhiếp ảnh đã bắt đầu mở ra với Tuấn Nghĩa.

Được làm cộng tác viên của Hội, được dự một trại sáng tác do Hội tổ chức, có các nghệ sỹ nhiếp ảnh tên tuổi từ Hà Nội lên hướng dẫn, Tuấn Nghĩa bắt đầu chụp ảnh nghệ thuật và mạnh dạn tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật tại địa phương do Báo Yên Bái, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh tổ chức, rồi tiếp đến là tham gia các cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh phía Bắc. Niềm đam mê nhiếp ảnh ngày một thêm tăng. Đến năm 2003, một phần vì sức khỏe giảm sút, một phần vì muốn dành thời gian cho nhiếp ảnh, Tuấn Nghĩa đã có một quyết định táo bạo: Xin nghỉ hưu sớm. Tận tâm với nhiếp ảnh, 3 năm sau, năm 2006, anh được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, chuyên ngành nhiếp ảnh. Con đường nghệ thuật nhiếp ảnh càng rộng mở với anh.

 

Tác phẩm: vào vụ - Huy chương Đồng Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc lần thứ X - 2010 tại Điện Biên.

Tác phẩm ảnh của Tuấn Nghĩa xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ trong phạm vi tỉnh, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc mà còn vươn tới tầm quốc gia và quốc tế. Tổng cộng anh đã có gần 50 tác phẩm được trưng bày trong các triển lãm ảnh và đoạt giải trong các cuộc thi ảnh; trong đó 5 tác phẩm được vào vòng triển lãm quốc tế do Câu lạc bộ Gia Định đăng cai tổ chức, đó là các tác phẩm: Vào vụ, Sắc màu vùng cao, Hoa núi, Lễ Cấp sắc, Chiều về bản; 1 tác phẩm đoạt giải của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; 3 tác phẩm đoạt giải trong các cuộc liên hoan ảnh khu vực miền núi phía Bắc; 4 tác phẩm đoạt giải Văn học Nghệ thuật Yên Bái hàng năm và nhiều giải thưởng khác trong các cuộc thi ảnh do Báo Yên Bái và các ngành tổ chức. Trong đó tác phẩm Hoa núi đoạt giải ba trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc 2012 đã giúp anh đủ điểm vào Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2013.

Tuấn Nghĩa có may mắn là được sáng tác ngay tại vùng quê của mình - nơi vẫn được coi là “vựa” ảnh nghệ thuật. Nhưng với nghệ thuật nhiếp ảnh, không đi thì không có tác phẩm nên dù sức khỏe có hạn chế, anh vẫn mải mê khám phá, tìm kiếm, săn lùng cái đẹp không mệt mỏi. Bàn chân người nghệ sỹ đã in dấu trên mọi nẻo đường vùng cao của tỉnh, từ Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ đến Mù Cang Chải, ngược lên tỉnh bạn Sơn La, Lai Châu, vượt sang cao nguyên đá Hà Giang để ghi lại cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc hùng tráng mà trữ tình.

Ảnh Tuấn Nghĩa có nhiều thể loại: phong cảnh thiên nhiên, sinh hoạt con người song có lẽ anh thành công hơn cả là ảnh chân dung thiếu nữ vùng cao. Tuấn Nghĩa đã biết kết hợp giữa chân dung và sinh hoạt một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên. Ảnh chân dung thiếu nữ dân tộc của anh bao giờ cũng gắn liền với  sinh hoạt và lao động của họ. Thiếu nữ Dao trong lễ Cấp sắc, trong ngày cưới long lanh giọt nước mắt hạnh phúc; thiếu nữ Thái đang tắm với nụ cười rạng rỡ hồn nhiên trên dòng Thia mát trong, yên ả; thiếu nữ Mông mạnh mẽ, khỏe khoắn gánh cả một “sào” mạ trên vai vào vụ cấy, trong mùa gặt lại với lù cở lúa chất đầy lúa vàng trên lưng rực rỡ  như hoa núi, làm nên thứ hương lúa thật đặc biệt… Chính vì vậy mà ảnh con người của Tuấn Nghĩa không đơn điệu, khô cứng, nhàm chán mà luôn toát lên một sự hồn nhiên, giản dị, sự hòa đồng với thiên nhiên, với cuộc sống lao động thường ngày của con người Tây Bắc nói chung và người phụ nữ Tây Bắc nói riêng.

 

Tác phẩm:  Hương lúa - Huy chương Đồng cuộc thi ảnh “Việt Nam” - vẻ đẹp bất tận lần thứ VI - 2013 tại Hà Nội.

Với những thành công nhất định trên con đường sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh của mình, Tuấn Nghĩa muốn được chia sẻ, muốn truyền cảm xúc về một vùng cao yêu dấu với mọi người. Anh ao ước có được một triển lãm ảnh cá nhân. Và hôm nay điều đó đã thành hiện thực. Được sự quan tâm của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái cùng bạn bè đồng nghiệp và sự  ủng hộ, động viên của gia đình, đầu năm 2015 này, Tuấn Nghĩa đã có được triển lãm ảnh cá nhân mang tên “Khoảnh khắc cuộc sống” gồm 77 tác phẩm mà anh tâm đắc trong quá trình sáng tác của mình.

Nếu tính từ những ngày đầu cầm máy cho đến nay mới có một khoảng thời gian 10 năm. 10 năm cho một lao động nghệ thuật là một quãng thời gian thật ngắn ngủi, song trong quãng thời gian ấy, Tuấn Nghĩa đã có một bước đi dài trên con đường sáng tạo nhiếp ảnh của mình. Từ một người đam mê nhiếp ảnh, anh đã trở thành một nghệ sỹ. Từ những bức ảnh gửi đăng trên báo, tạp chí địa phương, anh đã có tác phẩm triển lãm quốc gia, quốc tế và bây giờ là một triển lãm cá nhân. Điều ấy không phải chỉ có đam mê là đã có được mà phải là một quá trình lao động nghệ thuật đầy nghiệt ngã, một sự lao động cả về thể xác lẫn tâm hồn và trí tuệ. Phải có những chuyến đi lặn lội, săn tìm, ghi lại những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người vùng cao chẳng khác nào như người địa chất đi săn tìm những vỉa than, vỉa vàng ẩn náu trong lòng đất. Phải có những rung cảm nhậy bén của tâm hồn trước cái đẹp, phải có sự trăn trở, nghĩ suy để phát hiện ra chiều sâu tư tưởng, chất nhân văn ẩn sâu trong những hình ảnh của đời sống. Phải có được sự lựa chọn những góc nhìn, những thời điểm bấm máy phù hợp và những kĩ thuật hậu trường tỉ mỉ mới có thể biến từ hình ảnh tự nhiên thành hình tượng nghệ thuật của tác phẩm.

May mắn với Tuấn Nghĩa, giúp anh trên con đường sáng tạo là người bạn đời, cũng là bạn học thuở cấp III với anh - chị Đào Thị Thiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái. Chị không chỉ là người tạo điều kiện cho anh trong các chuyến đi thực tế sáng tác mà còn là người động viên, chia sẻ, là độc giả đầu tiên, người góp ý cho từng khuôn hình, mảng khối, đường nét, bố cục, ánh sáng của mỗi tác phẩm. Tiếp đó là các con anh, rất ủng hộ cho niềm đam mê của người cha thân yêu.

Ở tuổi lục tuần rồi nhưng Tuấn Nghĩa vẫn dồi dào cảm xúc, nhiệt huyết, đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh vẫn đầy hăm hở trong những chuyến đi thực tế sáng tác, vẫn trăn trở tìm một góc máy mới cho những hình ảnh quen thuộc, để không có sự lặp lại  trong sáng tạo. Chúng ta mong muốn anh tiếp tục nuôi dưỡng những cảm xúc sáng tạo ấy và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình.

Hiền Lương

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục